Multimedia Đọc Báo in

Chuyện làng văn nghệ

“Trẻ năng đi, già để viết”

09:25, 08/08/2010

Đó là lời của nhà thơ Xuân Diệu. Năm 1966, khi đã ngoài 50 tuổi, Xuân Diệu còn đạp xe về Hưng Yên để nói chuyện thơ. Từ Hà Nội về Hưng Yên 64 km, ông đi liền một mạch. Đến thị xã Hưng Yên, ông hỏi thăm đến nhà tôi. Tôi ra cổng đón, ông dựng xe vào cổng, lấy bi tông nước mang theo, uống một mạch rồi mới chuyện trò. Tôi hỏi: “Anh không mệt à?” Xuân Diệu tròn xoe mắt: “Mệt gì mà mệt, ở đâu mời mình là mình đi. Đi để nói chuyện thơ, cũng là kết hợp đi tham quan, đi thực tế. Bây giờ mình chưa già, hãy còn khỏe: Đi để sau này có vốn đến lúc già không đi được, thì vác cái vốn đi ấy mà viết, hoặc không viết, mà người ta viết mình đọc cũng biết được họ viết nơi ấy là nơi nào”!

Tiếc thay, cuộc nói chuyện thơ lần ấy của Xuân Diệu không thành, không phải vì thời tiết hay ở địa phương bận bịu công tác gì. Cái chính là không tuân theo thủ tục từ tỉnh xuống xã, nhưng rồi vẫn là chuyện “Phép vua thua lệ làng”. Nhưng ông vẫn vui vẻ ở lại nhà tôi ba ngày, ông dành hẳn một ngày ra thăm đồng đay, bãi mía, đọc thơ cho bà con nông dân nghe, cứ tự nhiên như người trong nhà hoặc quen biết họ từ lâu. Người ông cao to, tóc xoăn uốn sóng biển Quy Nhơn, nên ông đi đâu có nhiều trẻ con chạy theo đấy… Tuy về nông thôn chỉ một đôi ngày mà sáng nào Xuân Diệu cũng dậy từ 4 giờ sáng để tập thể dục, ông lên đê sông Hồng chạy lượt đi lượt về 1 km, hít thở không khí đồng quê trong lành như mỗi sáng ở Hà Nội ông thường chạy dọc đường Điện Biên Phủ nơi ông ở.

Sáng hôm sau, ông lại đạp xe đạp về Hà Nội, tôi và gia đình giữ thế nào cũng không ở. Ông bảo: “Ngày kia 23-12-1966 mình phải có mặt ở Hà Nội dự Đại hội văn học dân gian Việt Nam lần thứ nhất”. Tại Đại hội này ông đọc tham luận: “Các nhà thơ Việt Nam đã học được gì ở ca dao và dân ca”, bài viết rất công phu, có tính thuyết phục cao. Trong bài ông liên hệ đến bản thân dã ảnh hưởng của văn chương bình dân nước ta vào công việc bếp núc của thơ ca.

Xuân Diệu luôn là chiếc cầu nối giữa thơ với bạn đọc. Thời kỳ chống Mỹ, kể cả dưới bom đạn, ông vẫn đi nói chuyện thơ từ đi bộ đến đi ô tô, xe đạp. Đâu mời đến nói chuyện thơ, ông không hề từ chối nếu như không bận việc công, còn bận việc tư, ông gác lại để đi nói chuyện thơ. Có lẽ Xuân Diệu là nhà thơ chiếm kỷ lục có hàng nghìn buổi nói chuyện thơ với công chúng, mọi tầng lớp, thành phần trong xã hội. Các thế hệ nhà văn sau này đều coi ông là người thầy, là tấm gương lao động nghệ thuật cần cù, say mê.

 

Lê Hồng Thiện (st, bs)

 


Ý kiến bạn đọc