Vết chân tròn trên cát – Niềm xúc cảm thiết tha về người lính
Trong một lần trò chuyện với bạn bè, nhạc sĩ Trần Tiến tâm sự bài hát Vết chân tròn trên cát được anh viết một cách rất tình cờ. Đó là vào năm 1981, một hôm khi đang lang thang trên bãi biển Tiền Hải, Thái Bình, Trần Tiến thấy những dấu nạng in trên cát. Tò mò, nhạc sĩ hỏi thăm và được người dân ở đây cho biết đấy là dấu nạng gỗ của một người thương binh hàng ngày vẫn chống nạng đi dạy nhạc cho lũ trẻ trong xóm. Cảm xúc trào dâng, trên đường từ bãi biển về nhà trọ, Trần Tiến đã hình thành bài hát này.
![]() |
Nhạc sĩ Trần Tiến. |
Thật cảm động! Người lính - anh thương binh đã đi qua khói lửa của cuộc chiến tranh, đã hy sinh một phần xương máu của mình cho Tổ quốc, anh vẫn không nghỉ ngơi, điều mà anh cũng như các thương binh khác có quyền được hưởng. Anh lại làm một công việc tưởng như bình thường nhưng thật có ý nghĩa: dạy đàn hát cho các em nhỏ xóm nghèo quê anh. Những bản nhạc, những lời ca mà anh dạy cho các em cũng chính là những bài học về tình yêu quê hương, đất nước. Nhạc sĩ Trần Tiến đã nói lên điều đó bằng những ca từ mộc mạc mà có tính biểu tượng rất cao. Hình ảnh ngọn núi/quê anh xa vời, đồng lúa mênh mang câu hò đã gợi lên hình ảnh một làng quê thân thuộc, thanh bình, gieo vào lòng người nghe niềm xúc cảm thiết tha và sâu lắng.
Phần tiếp theo của bài hát chính là sự suy tưởng, lời ngợi ca của Trần Tiến. Sự dũng cảm quên mình của những người lính nói chung cũng như sự hy sinh thầm lặng của anh thương binh trong bài hát nói riêng chính là những bài ca hào hùng. Họ đã chiến đấu vì tình yêu đất Mẹ, tình yêu Tổ quốc, cho cuộc sống thanh bình của nhân dân, cho đàn em thơ được sớm hôm vui đùa, học hành, ca hát: “Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm. Cho hôm nay những vết chân son, vui quanh vết chân tròn”.
Hình ảnh vết chân tròn trở đi trở lại trong bài hát, là một điểm sáng nghệ thuật nổi bật. Vết chân tròn chính là sự hy sinh thầm lặng của người lính. Trong chiến đấu, các anh đã không quản hiểm nguy, hy sinh, gian khổ. Trở thành thương binh, về với đời thường, những người lính ấy vẫn chiến đấu không mệt mỏi với thương tật, vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để có thể tiếp tục cống hiến cho xã hội. Những vết chân tròn trên cát chính là những nốt nhạc đẹp đẽ trong bài ca của cuộc đời những người lính – thương binh.
Kết thúc bài hát, một lần nữa hình ảnh vết chân tròn lại vút lên tạo thành cao trào lay động lòng người và một lần nữa ta lại thấy sự suy tưởng sâu sắc cũng như cảm xúc thiết tha của nhạc sĩ Trần Tiến: “Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi. Như bài ca anh viết trong thầm lặng... Ôi bài ca cuộc đời, đốt mãi trong tôi, cháy mãi trong tôi.” Đó cũng là lời tri ân của chúng ta với những người lính – những thương binh đã chiến đấu quên mình cho Tổ quốc thân yêu.
Ý kiến bạn đọc