Đội ngũ nhà giáo làm văn – thơ ở Dak Lak
Trong số hội viên thuộc Chi hội Văn học của Hội Văn học – Nghệ thuật Dak Lak có rất nhiều người đã và đang hưởng lương của ngành Giáo dục – Đào tạo hoặc ngành khác mà việc chính là đứng trên bục giảng. Có lẽ công việc gắn liền với sách bút lại được gần gũi lớp thanh thiếu niên trong sáng đã giúp họ đến gần với văn chương.
Một số đã rời bỏ thế gian nhưng kịp gửi lại những trang viết yêu say cuộc sống như Thảo Điền (Nguyễn Văn Đồng) từng là Hiệu phó Trường Trung cấp Sư phạm Dak Lak có tập Trăng sông La; Hoàng Nam, cán bộ Sở Giáo dục – Đào tạo có Mùa thu – Ai gọi tên em (in cùng Đinh Hữu Trường), Đoàn Nam – Giáo viên huyện Krông Năng…
Không quên Hoàng Mạnh Thường, giáo viên Trường Trung cấp Nông nghiệp về làm Chánh văn phòng Hội, để lại hai tập thơ hay là: Những ngôi sao số phận và Độc huyền cầm. Bài Buôn Ma Thuột có những câu thơ ẩn ức như định mệnh:
Ban chiều là bài thơ không vần
Luẩn quẩn từng câu như khúc ruột…
Ngã sáu đã như dòng xoáy
Xòe bàn tay ra
Nhìn gân guốc những đường gân số phận.
Có những hội viên đã chuyển cư về nơi khác như Ngô Minh Oanh (Giảng viên trường Đại học Tây Nguyên), Hướng Dương – Tác giả tập Nỗi niềm chim én. Đặc biệt là Vũ Bình Lục, giáo viên ở Krông Pak đã in tới 8 tập văn, thơ. Bài Đám cưới một linh hồn đã đoạt giải Nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Những hội viên còn sống và viết ở Dak Lak vốn là nhà giáo, tạm chia theo ba vùng địa lý: cánh Đông, cánh Bắc của tỉnh và thành phố Buôn Ma Thuột.
Tập trung với số lượng lớn là Buôn Ma Thuột, có thể tạm chia theo nhóm. Từ căn cứ kháng chiến ở Dak Lak có Hữu Chỉnh, Trúc Hoài vẫn còn nặng nợ với đề tài chiến tranh cách mạng. Trúc Hoài đã xuất bản 4 tập sách lại mới hoàn thành bản thảo tiểu thuyết Bên dòng Krông Bông in đầy đủ sẽ có độ dày ngàn trang. Từ năm 1966, sau một lần đi phía trước được trở lại hậu cứ, được nằm phản không phải nằm võng, chứng kiến sinh hoạt yên bình của một gia đình, anh có bài Tâm tư chiến sĩ mang khát vọng hòa bình:
Tâm hồn anh dìu dặt
Xao xuyến nhớ quê hương
Chao ơi ngày hết giặc
Ta về trong đời thường
Nhóm cao tuổi đã trên 70, 80 nhưng ngòi bút chưa cùn. Triệu Cơ (Đại học Tây Nguyên) sau tập và Trăng xưaLấp lánh ngàn sao vẫn tự làm mới thơ mình. Gần đây, hè 2010 có bài Ôi biển!
Sự mát
Không phân biệt màu da – đẳng cấp
Áo quần cởi bỏ
Không ý thức lõa lồ, xấu hổ
Còn lại trên hết là tình yêu thương gắn kết: con người!
Phan Quốc Sủng (Đại học Tây Nguyên) đã in 4 tập: Quê hương và tình yêu, Tình đời, Quê hương – Tình đời, Những vần thơ từ trái tim lại đang tập hợp tập thứ năm là Tình trong thơ, có những câu triết lý:
Ơi cuộc đời đâu chỉ là dâu bể
Mà còn có vị ngọt bùi, những tình khúc tự con tim
Văn Thanh là giáo viên từ Vĩnh Phúc chuyển vào Sở Văn hóa Dak Lak (nay là Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch) làm biên tập cho Tạp chí Văn hóa của tỉnh. Sau tập Quả đắng, Đất thiêng là tập có bề thế, trang trọng: Người tình ngoài sổ sách. Thơ góc cạnh và khá ấn tượng:
Những đứa trẻ ngang tầm cỏ may
Đôi cánh mỏng như con dế trũi
Sơn Thúy từ Thái Bình vào Dak Lak. Sau 2 tập thơ Nỗi niềm, Chút nắng mùa đông lại vừa mới cho ra mắt tập tản văn – truyện ngắn: Miền ký ức. Cả thơ, văn đều chân phương, đôn hậu. Mấy câu đề từ cho tập Miền ký ức thật lãng đãng phiêu bồng:
Thuyền lá tre chở tuổi thơ đi mãi
Cánh bèo tím điểm chấm vàng xa ngái
Lênh đênh hoài trong những giấc mơ.
Đông đảo nhất là nhóm đã nghỉ hưu, tuổi từ 60 đến 70 (nữ có ít hơn vài tuổi). Nguyễn Thành Thơ có tập Dòng sông thơ; Đoàn Huy Hà có tập Quê hương; Tôn Nữ Ngọc Hoa có Bài hát của trái tim; Nguyễn Man Kim có Ngọn cỏ khô sương, Bóng mưa, Vũ điệu lá; Ngọc Hà có Một nhành mai, Chiều xanh; Lê Thị Minh Nghiệm có Tiếng gọi đất này; Trương Bi có nhiều tập nghiên cứu sưu tầm; Linh Nga Niê K’đăm không kể các lĩnh vực khác, riêng văn chương có tập Con rắn màu xanh da trời, Gió đỏ, Trăng xí thoại và nhiều tập truyện ngắn, tiểu luận. Phạm Bá Hoa, Tiến Thảo cũng góp mặt làm cho nhóm này thêm đông đảo.
Nhóm còn công tác có Văn Thảnh. Ít người biết Văn Thảnh từng là giáo viên Trường Trung cấp Tài chính trước khi đầu quân về Đài Phát thanh - Truyền hình. Văn xuôi có Nước mắt đàn ông, thơ và trường ca có Mưa gió Ei rei, Bài ca đỉnh núi, Lời tượng nhà mồ buôn A Tâu. Đề tài dân tộc thiểu số Tây Nguyên là sở trường, đặc trưng của Văn Thảnh. Văn Thảnh thành công ở đề tài này. Hồng Chiến chuyên về văn xuôi, đã in: Chuyện kể người đi săn, Đội lốt, Yàng phạt, Tiếng kêu chim cú, Bí mật rừng thiêng. Ở Dak Lak, Hồng Chiến nằm trong số ít người viết cho thiếu nhi. Khôi Nguyên có tập Làng ơi, Dã quỳ và tượng gỗ, đang gấp rút sửa chữa tiểu thuyết Đại ngàn. Niê Thanh Mai trẻ nhất trong nhóm này, từ thơ chuyển sang văn xuôi đã có các tập: Suối của rừng, Những buổi chiều, Hơi thở của núi, Về bên kia núi.
Cùng với lực lượng tập trung tại Buôn Ma Thuột, phía Đông của tỉnh có Chi hội Văn nghệ mà số giáo viên làm nòng cốt. Chi hội trưởng Trần Phố sau tập Hoa trong cỏ (in chung) nay có tập Thầm thức cùng tiếng chim. Đỗ Toàn Diện có Lời ru cao nguyên, Ngụ ngôn trào phúng và thành công ở tập thơ châm Những điều trông thấy. Đinh Thị Như Thúy thơ rất mới, nhiều trăn trở: Cùng đi qua mùa hạ, Phía bên kia cây cầu. Phạm Minh Trị tập trung cho mảng văn học trong nhà trường, có nhiều gợi mở cho các bài giảng văn. H’Trem Knul trẻ nhất trong số viết văn ở Dak Lak (sinh năm 1982) đã xuất bản: Tiếng chiêng nhà dài. Thơ giàu cảm xúc và chân thành. Vũ Dy ở Krông Bông đã có Sáu ô cửa sổ (in chung)
Phía Bắc và Tây thì ở Krông Năng có Nguyễn Trọng Đồng đã in Màu nắng gọi, Dòng sông tiếng hát. Nguyễn Phi Trinh ở Krông Buk có Con ngựa gỗ. Nguyễn Văn Thiện ở Cư M’gar đã có một số truyện ngắn in ở báo chí trung ương và địa phương.
Do thiếu tư liệu và cập nhật thông tin chưa đầy đủ, có thể chưa điểm danh hết các nhà giáo và tác phẩm của họ đóng góp vào sự nghiệp văn chương Dak Lak, nhưng có thể thấy đội ngũ này thật hùng hậu, xuất bản hàng trăm tác phẩm, đạt nhiều giải thưởng trung ương và địa phương. Nhiều tác phẩm được tuyển chọn vào các tập có giá trị như: Văn xuôi Tây Nguyên thế kỷ XX, Thơ liên khu V (50 năm từ toàn quốc kháng chiến), Thơ miền Trung thế kỷ XX, Thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam thế kỷ XX, Thơ Việt Nam 1945 – 2000, Nguyễn Trãi – Hợp tuyển thơ (600 năm), Ngàn năm thơ Việt.
Tháng 11-2010
Ý kiến bạn đọc