Giai thoại văn học
Cái đèn - cái đẹp
Giáo sư Vũ Khiêu là một nhà văn, một nhà văn hóa phong thái nghiêm nghị mà khoáng đạt, đĩnh đạc mà tài hoa. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm thơ, phú, kịch thơ và nhiều sách chuyên luận, nghiên cứu về lịch sử, danh nhân vấn đề mỹ học. Độc giả nhiều người còn nhớ cuốn “Đẹp” của ông xuất bản năm 1963; có người yêu quý ông gọi ông là chuyên gia về cái đẹp.
Vào những năm 1980, một lần ông cùng Hoàng Trung Thông, Lưu Chi Lăng theo một đoàn nghệ thuật dân tộc đến biểu diễn ở Nhà máy Cơ khí 66, nhà máy chuyên sản xuất vũ khí của quân đội, đóng ở Thanh Hóa. Thấy đoàn có các văn nghệ sĩ nổi tiếng, Ban Giám đốc liền đề nghị các vị nói chuyện với anh em công nhân trong nhà máy. Vũ Khiêu nhận nói buổi đầu tiên.
Chẳng hiểu trao đổi, truyền đạt thế nào mà trên tấm bảng lớn đặt ở cửa hội trường nhà máy hôm đó, có dòng chữ: “Kính mời các đồng chí cán bộ, công nhân viên cùng các văn nghệ sĩ trong đoàn tối nay lên hội trường để nghe giáo sư Vũ Khiêu nói chuyện về Cái đèn”.
Chính Vũ Khiêu cũng đọc những dòng chữ ấy trên tấm bảng. Thoạt đầu ông sửng sốt, sau thì ông hiểu. Và vào buổi nói chuyện, ông vừa tủm tỉm cười, vừa thân mật nói:
-Thưa các đồng chí, lẽ ra tôi nói chuyện về Cái đèn, nhưng tự thấy chuẩn bị chưa được kỹ, nên hôm nay xin phép các đồng chí cho tôi được nói về cái đẹp.
Cử tọa nghe vậy liền vui vẻ vỗ tay rầm lên.
Ngân Hà (st)
Ý kiến bạn đọc