Multimedia Đọc Báo in

Sống để yêu thương

06:01, 08/11/2010

(Đọc Trái tim đàn ông – Tập truyện ngắn của Đàm Lan – NXB Thanh Niên 2010)

Đàm Lan là tác giả khá quen thuộc với bạn đọc ở Dak Lak, đã xuất hiện nhiều trên mặt báo trung ương, địa phương. Trước tập truyện ngắn Trái tim đàn ông mới xuất bản gần đây, Đàm Lan đã trình làng 4 tập truyện ngắn: Hoàng hôn biển (1998), Mênh mông chiều vàng (2005), Lối nhỏ  (2006), Sự nhầm lẫn (2008). Tập Trái tim đàn ông gồm 14 truyện với gần hai trăm trang in có thể thấy sự lao động văn chương cần mẫn của tác giả - viết liên tục mà không hề đuối sức, mang nét riêng để tự khẳng định mình.

Người đọc dễ nhận thấy văn Đàm Lan là văn của một người rất yêu thương con người, giá trị đích thực của văn chương chính là hướng tới Chân – Thiện – Mỹ, ấy là nhân bản.

14 truyện đều có ý này. Hiên chiều tắt nắng là truyện hay. Nội dung truyện kể về Phương có vợ tên là Nhan mất sớm vì bệnh ung thư. Ba bố con đùm bọc lấy nhau. Một lần buồn Phương đi uống rượu tình cờ gặp Hạnh là bạn cũ của Nhan đi mua thuốc cho con, do chồng vũ phu nên đã li dị. Nghe lời khuyên của Hạnh: Không nên uống nhiều rượu để còn lo cho con, Phương về nhà: “Anh ra ngoài hiên, ngồi xệp xuống nền gạch, móc túi lấy ra bao thuốc lá và cái bật lửa. Những đốm đỏ cứ lóe lên… lóe lên…”. Cái kết lửng để người đọc tự hiểu, Phương đang nghĩ gì? Chỉ biết rằng cái đốm đỏ cứ lóe lên trong hiên chiều như một tia hy vọng.

Truyện Còn một chút gì để nhớ, buồn thương nhưng đáng yêu. Bạn thân đã có hai con, chết vì bệnh ung thư khi còn trẻ. Chết từ từ, chờ đợi cái chết nên đau lắm. Trước khi chết còn gửi tặng bạn đĩa nhạc: Còn một chút gì để nhớ.

Hà Nội ơi! là truyện đáng đọc. Cô gái Nam bộ giúp mẹ nuôi trả nợ do vỡ nợ, làm ăn thất bát bằng cách làm tiếp viên nhà hàng. Tình cờ gặp một chàng trai  Hà Nội vào Nam công tác được đối tác mời đến quán. Được chàng trai Hà Nội thức tỉnh nên làm lại cuộc đời. Có gia đình êm ấm nên đi du lịch ra Hà Nội mong tìm gặp lại người xưa, dù chỉ một lần. Tình cờ gặp người xưa cùng vợ con vào quán phở mà mình đang ăn sáng. Lần theo tìm đến cổng cơ quan anh làm việc. Chờ hết giờ làm để gặp và nói lời biết ơn. Khi chia tay cũng vẫn không biết tên nhau. Đây là đoạn văn kết thúc: “Liệu có còn ngày nào tôi gặp lại anh không? Chắc là không? Khi hai phương trời quá xa xôi, khi hai con người ở hai hoàn cảnh tách biệt, nhưng dù có biết mấy ngăn cách, thì “Hà Nội ơi!” Em sẽ không bao giờ quên Hà Nội được đâu!”.

Truyện Nàng, rất ngắn, 6 trang in hầu như chỉ có độc thoại. Văn tả một cô gái đẹp, rất đẹp nên ngôn từ cũng bóng bẩy. Sắc đẹp dùng không đúng nên bị đẩy từ thái cực này sang thái cực khác, từ cao chót vót xuống tận cùng vực thẳm, từ cao sang, quyến rũ đến tàn tạ theo căn bệnh thế kỷ, để rồi thốt lên: “Trời hỡi trời! Đẹp! Đẹp mà làm gì hở trời!”. Đó cũng là lời cảnh báo cho những kẻ có xuân sắc u mê, chạy theo những cám dỗ vật chất mà thiếu sự tự bồi dưỡng tâm hồn.

Truyện 1+1 là truyện mang tính triết lý về tình yêu, về hôn nhân gia đình. Làm sao để nó không còn là phép cộng thông thường 1+1=2 mà phải tiến tới hòa hợp như kiểu phương trình 1+1=1 nên Lãng và Hoài như cứ mải đi tìm một nửa của mình.

Truyện Gió mùa đông lồng lộng là truyện mang dấu ấn Đàm Lan: thẳng thắn, dữ dội, quyết liệt trong tính cách. Hình như viết cho mình, đúng tâm trạng của mình nên cuốn hút. Không cần ai thương hại, coi thường kẻ không hiểu mình. Hai nhân vật là Tôi và Phú. Cùng khuyết tật nên Phú tỏ ra thông cảm và tìm đến. Nhưng thói trịch thượng, ban ơn của Phú đã khiến nhân vật tôi ném trả tặng phẩm là cái nhẫn có mặt ngọc gần năm phân vàng.

Truyện được lấy tên chung, đặt ngay đầu sách là Trái tim đàn ông. Nhân vật chính là Uẩn Lan có gương mặt sáng sủa nhưng bị teo cơ chân, phải đi xe lăn. Một lần dừng trước đèn đỏ bị va quệt đã được Gia Tĩnh nâng đỡ. Gia Tĩnh có chị là Gia Nhiên cũng phải đi bằng nạng nên thông cảm và yêu Uẩn Lan. Nhưng chính Gia Nhiên tìm gặp Uẩn Lan để cảm thông và phân tích lẽ thiệt hơn. Uẩn Lan chia tay Gia Tĩnh vì nghĩ tới trách nhiệm gia đình, dòng họ của anh, không muốn mình là gánh nặng. Chia tay rồi vẫn nhớ về nhau. Không vượt qua rào cản để sống với nhau, đó cũng là không vượt qua định kiến xã hội. Bề ngoài là thất bại nhưng bên trong là tình yêu chiến thắng. Người mình yêu sẽ tìm được hạnh phúc như mình mong muốn. Khát vọng tình yêu cháy mãi ngọn lửa thiêng: “Để rồi hằng năm, hằng năm. Cứ đúng vào một ngày… mà cả hai địa chỉ cách xa nhau, nhưng luôn có cùng nhau một đóa hồng tươi thắm. Những đóa hồng đều đặn như hơi thở của hai con người vẫn đều đặn hướng về nhau thì thầm mãi một câu…”.

Cả tập truyện nổi lên lòng yêu thương con người, con người luôn hướng làm điều thiện, kể cả những người bị thiệt thòi. Những người khiếm khuyết về thân thể đều có tâm hồn đẹp để ta phải nhìn vào chiều sâu mà đồng cảm. Biết dựng truyện, bố cục hợp lý, diễn biến tâm lý nhất là độc thoại để làm nổi nội tâm khá hay, văn phong lưu loát.

Về hạn chế của tập sách chính là sự không đồng đều giữa các truyện và sự trùng lặp cấu tứ hoặc chi tiết ngẫu nhiên người đọc thấy sự cố ý sắp đặt của tác giả. Thí dụ như truyện Hà Nội ơi! là truyện khá hay nhưng người đọc nghi ngờ sự gặp gỡ của cô gái từ miền Nam mới ra Hà Nội lần đầu, cũng lần đầu tiên ăn phở ở Hà Nội mà gặp được người xưa kể cũng lạ. Mà Hà Nội có biết bao nhiêu quán phở? In ngay sau truyện Hà Nội ơi! là truyện Đường khuya gót nhỏ kể về cô sinh viên Y khoa do hận tình và lầm lạc, được người tốt thức tỉnh. Sau mười năm cũng gặp lại ở quán nào đó. Mô típ hoàn toàn giống nhau mà đặt hai truyện liền nhau thật không ổn. Hoặc như cứ viết đến nhạc là nhạc Trịnh, bệnh là bệnh ung thư hay nhiễm HIV giống như phim Hàn Quốc không mắc bệnh ung thư thì máu trắng, để cho một người chết trong các chuyện tình tay ba...

Nhìn chung, văn Đàm Lan đang vào độ chín, tập sau có sự đằm sâu hơn tập trước. Là tác giả văn xuôi sung sức của Hội Văn nghệ Dak Lak nên Đàm Lan được bạn đọc đặt nhiều kỳ vọng.

Tháng 10 – 2010

Hữu Chỉnh

 


Ý kiến bạn đọc