Thăng Long-Hà Nội trong những trang viết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình văn học từng cho rằng, Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn của Hà Nội. Trong một bài viết khá dài của mình, ông Ngô Vĩnh Bình đã nhận định: “Nguyễn Huy Tưởng là người Hà Nội, rất yêu Hà Nội; đồng thời là nhà văn Hà Nội, rất Hà Nội. Nói các nhà văn Hà Nội không thể không nhắc tới Nguyễn Huy Tưởng; nói tới văn chương đề tài Hà Nội những năm giữa thế kỷ XX không thể không nhắc tới những tác phẩm của ông…”. Quả thực, trong cuộc đời ngắn ngủi (48 năm), trong nghiệp viết không dài (20 năm), nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết về nhiều đề tài, nhưng đề tài lớn nhất, tâm huyết và quen thuộc nhất là đề tài về Hà Nội. Những sáng tác như: Đêm hội Long Trì (tiểu thuyết-1942), Vũ Như Tô (kịch–1943), Những người ở lại (kịch-1948), Lũy hoa (truyện phim–1960), Sống mãi với Thủ đô (tiểu thuyết - 1961) và An Dương Vương xây thành ốc (truyện thiếu nhi–1958) là những tác phẩm viết về Hà Nội nổi tiếng nhất của Nguyễn Huy Tưởng. Đọc những tác phẩm này, bạn đọc, nhất là bạn đọc yêu Hà Nội có thể gặp lại được bóng dáng của những thời đại lớn lao của Cổ Loa, của Thăng Long, của Hà Nội hôm qua và hôm nay.
Thì đó, trước cách mạng tháng Tám 1945, nhà văn đã đưa chúng ta về với Hà Nội của một thời lịch sử qua tiểu thuyết lịch sử “Đêm hội Long Trì” và vở kịch “Vũ Như Tô”. “Đêm hội Long Trì tái hiện lại một Thăng Long phồn hoa và Xa hoa. Xa hoa, lộng hành và bạo ngược của những ông vua bà chúa, của tầng lớp quan lại phong kiến đã làm nên một Thăng Long chướng tai gai mắt với bao ngang trái nhiễu nhương. Nhưng trong Đêm hội Long Trì lại hiện lên một Hà Nội cổ xưa với những phố phường tấp nập và nhộn nhịp, với những lễ hội cùng những trò diễn dân gian vừa kỳ ảo, tài hoa, khéo léo vừa đầy tinh thần thượng võ biểu hiện sức sống trường tồn của một Hà Nội văn vật. Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng có thể nói là một tác phẩm đã “sống mãi với thời gian”. Gần 50 năm sau nó đã được dựng thành phim, lên sân khấu chèo và cải lương” (Ngô Vĩnh Bình). Còn Vũ Như Tô - vở kịch xuất sắc của nền kịch Việt Nam hiện đại, được sáng tác năm 1941, cũng đưa ta đến với một sự kiện lịch sử xảy ra ở kinh thành Thăng Long vào thời hậu Lê. Dù còn đó nhiều chuyện phải bàn, nhưng phải mạnh dạn thừa nhận rằng, Vũ Như Tô là một vở kịch lịch sử viết về một ngưòi nghệ sĩ của Thăng Long thời Lê đã có một thiết kế công phu và trực tiếp chỉ huy xây dựng công trình Cửu Trùng đài vô cùng nguy nga tráng lệ bên mép sóng Hồ Tây. Mơ ước của nhà kiến trúc kiệt xuất Vũ Như Tô vừa thể hiện tinh hoa của người Kinh Kỳ, Kẻ Chợ đồng thời cũng là tình cảm, là mơ ước của một người Hà Nội, một nhà văn Hà Nội.
Một cảnh trong phim "Đêm hội Long Trì" được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. (Ảnh: Internet) |
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhà văn lại tiếp tục cho ra đời những tác phẩm viết về đề tài Hà Nội. Sau “Những người ở lại”- vở kịch viết về những ngày đầu toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô và những ngày chiến đấu của các tầng lớp nhân dân, trong đó có trí thức Hà Nội nơi thành phố tạm thời bị thực dân Pháp chiếm đóng (1946-1954), là một tác phẩm truyện phim “Lũy Hoa”. Lũy Hoa cho người đọc chứng kiến cuộc chiến diễn ra trong suốt 60 ngày đêm đến khi Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội để cùng toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch; cùng với một khúc vĩ thanh đậm in dấu ấn lãng mạn 7 năm sau đoàn quân chiến thắng trở về, trên những phố xưa… Có nghĩa là Lũy Hoa nhận sứ mệnh thực hiện nốt phần còn lại của Sống mãi với Thủ đô - cuốn tiểu thuyết nếu Nguyễn Huy Tưởng thực hiện được trọn vẹn thì đó sẽ là tác phẩm có quy mô lớn nhất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, tính cho đến ngày nhà văn qua đời. Đọc Lũy Hoa, ấn tượng đậm nét nhất là sự chan hòa, sự giao thoa giữa cái dữ dội, kịch liệt của chiến đấu với cái hào hoa rất riêng của người Hà Nội. Một cái riêng, có ý nghĩa như là sự tự ý thức về sứ mệnh đại diện cho cái chung của đất nước, của người Hà Nội. Nếu có một biểu tượng gây ấn tượng nhất trong Lũy Hoa, đó trước hết là những lỗ tường, thông từ nhà nọ sang nhà kia; chỉ cần chui qua các lỗ tường, là được biết gần như toàn bộ chân dung sinh hoạt và chân dung tinh thần của người Hà Nội. Những lỗ tường làm gắn nối ý chí chiến đấu cũng đồng thời xóa bỏ ngăn cách, phân biệt giữa các tầng lớp cư dân, khi cuộc sống bình thường bỗng chuyển sang những giờ phút căng thẳng, đầy kịch biến. Và sau các lỗ tường là những chướng ngại vật, chất cao trên khắp các đường phố, gồm những cột điện, tủ, bàn, giường, ghế, xe ba gác, xe bò, xích lô, cùng với tất cả những gì có trong mỗi căn nhà, sau mỗi biển hiệu, mà người dân không thể mang theo, và cũng không muốn để cho kẻ địch sử dụng… Việc đặc tả hai biểu tượng này đã đem lại cho Lũy Hoa những trang viết rất hay; ai không sống, không chứng kiến với tất cả xót xa, thương quý và tự hào về Hà Nội, khó viết được những trang như thế. Cùng với “Lũy Hoa”, chúng ta không thể không nhắc tới tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô”. “Sống mãi với Thủ đô” là một trong những tác phẩm mà nhà văn giúp chúng ta quay về với quá khứ gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Cuộc kháng chiến ở Thủ đô trong những ngày đầu đã được miêu tả như một cuộc thử thách ghê gớm đối với những con người chưa hình dung được rõ chiến tranh là thế nào, ai nấy đều có mẹ, có người yêu, có đủ thứ ràng buộc với cuộc sống, vậy mà phải rời bỏ tất cả đi vào một cuộc chiến đấu quyết liệt với một kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội. Mỗi người trong truyện, tùy theo bản chất xã hội mà có những thái độ tư tưởng và hành động khác nhau trước cuộc thử thách... Chiến tranh, với sự lựa chọn không được trì hoãn giữa cái sống và cái chết, đã lật đến tận đáy mỗi con người và làm cho con người đổi thay rất nhanh, tốt lên cũng như xấu đi. Bằng cả các khối nhân vật khá rộng lớn ấy, mỗi người phát triển theo vận mệnh riêng của mình, chằng chịt bao nhiêu vấn đề khác nhau trong quan hệ chung của chiến tranh, bộ tiểu thuyết đã đưa ra một bức tranh khá sinh động về cuộc chiến đấu của Liên khu I Hà Nội. Nguyễn Huy Tưởng viết Sống mãi với Thủ đô không chỉ bằng những tài liệu, ông viết bằng cả vốn hiểu biết và tấm lòng yêu dấu, mê say của mình với thủ đô Hà Nội. Vì vậy, Sống mãi với Thủ đô đã làm xao xuyến biết bao trái tim yêu Hà Nội. Trong dòng suy tưởng của mình, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng viết : “Tôi đọc Sống mãi với Thủ đô đã mấy chục năm nay thế mà vẫn còn giữ nguyên trong trí nhớ một chiếc lá sấu vàng khô cong như một tấm vàng giát, từ từ và lặng lẽ gieo xuống vạt cỏ ven Hồ Gươm trong một buổi chiều mùa đông… Nguyễn Huy Tưởng đã đem thành phố Thủ đô hoa lệ hòa mình vào đất nước – chính điều đó có cái gì khiến chúng ta yên lòng. Mỗi con người Thủ đô chúng ta trở nên bình tâm hơn để đánh giặc”.
…“Vốn là một cây bút sử thi rất thuần thục, hết sức hùng tráng, Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng dựng lên thật đã hùng vĩ huy hoàng ngay từ những tác phẩm đầu tiên của anh. Sự sáng tạo được bắt nguồn từ thực tế lịch sử và truyền thống của nơi trung tâm nghìn năm của đất nước” (Tô Hoài). Người viết xin được nhắc lại một lần nữa lời nhận định trên của nhà văn Tô Hoài đối với cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng để khép lại bài viết này.
Ý kiến bạn đọc