Multimedia Đọc Báo in

Người “biết chữ”

19:40, 10/12/2010

(DÂNG HƯƠNG HỒN NHÀ VĂN THIÊN LƯƠNG)

Ấy là một ngày hè năm 1982, sau chuyến vượt dặm dài mấy chặng tàu xe từ Bắc vào thăm thân phụ tôi công tác ở Dak Lak, một lần được đưa đi thăm thú phố xá của “thủ đô tắc kè” Buồn Muôn Thuở, đứng ở bùng binh Ngã Sáu, cha tôi nói: “Nếu mà có ông Thiên Lương ở đây thì tao sẽ dẫn mày vào xem cái sa bàn giải phóng Buôn Ma Thuột.” Tôi hỏi lại: “Có phải nhà văn Thiên Lương viết Thú rừng Tây Nguyên không hở bố?”. “Đúng rồi... À mà thiêng thật, ông ấy kia rồi, đang đi trước cửa Nhà bảo tàng ấy!”

Trong tôi bỗng dâng trào cảm xúc bởi tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi của ông (do NXB Kim Đồng phát hành năm 1976) đã được lũ trẻ chúng tôi chuyền tay nhau mà đọc. Cuốn sách ấy khi thì được đọc dưới bụi tre le hoe hoa nắng, khi được đọc bên triền đê xanh mướt cỏ quê, khi được đọc trên lưng trâu đang mải mê gặm cỏ, khi được đọc trong nhì nhụi khói bếp rạ rơm... Đúng là “hữu xạ tự nhiên hương” (tên một truyện ngắn trong tập Thú rừng Tây Nguyên), đứa đọc rồi thì mách đứa chưa đọc: “Đến nhà cu Nguyên mà mượn”. Cổng nhà tôi lúc nào cũng xôn xao tiếng trẻ con, chúng nó chờ đợi tôi để mượn truyện. Phải được cầm vào cuốn sách và tự mình được đọc mới sướng, nghe đứa khác đọc hay kể lại thì không sướng bằng. Thế là tôi, thằng bé lên mười, bỗng dưng trở thành nhân vật quan trọng với bọn cùng trang lứa trong làng. Chúng tôi háo hức đọc bởi sự kỳ thú của những kẻ chỉ quen nhìn thấy lũ chim sâu chim sẻ, to hơn là con vịt con ngỗng, to nhất cũng chỉ là những con trâu con bò hiền lành và quá đỗi ngoan ngoãn... thế mà bỗng dưng được gặp một thế giới mới lạ với hươu, hoẵng, gấu, voi, hổ... với những con công múa tố hộ giữa rừng già, những con cheo chỉ cần tạo ra tiếng động mạnh là sợ chổng vó để người đến chộp, với lũ thú hoang chỉ cần giơ ngón tay ra hiệu bắn con thứ mấy là “đòm” để có thịt ăn (cái thời mà muốn mổ con lợn cũng phải xin phép chính quyền)... Cơ bản nhất, nhà văn Thiên Lương, trong trí tưởng tượng non nớt của chúng tôi, phải là người dày dạn phong trần, phải là người oai phong bệ vệ... Nhưng theo hướng tay cha tôi chỉ (lúc bấy giờ Ngã Sáu Ban Mê còn vắng vẻ lắm) thấy một người mặc bộ quân phục cũ kỹ, người nhỏ thó, gầy lêu đêu. Không tin nổi nên hỏi lại: “Có đúng là nhà văn Thiên Lương không bố?” Cha tôi nói: “Còn ai vào đây nữa!”. Hai cha con tiến lại. Chạm mặt, cha tôi và bác Thiên Lương tay bắt mặt mừng. Khi cha tôi ngỏ ý muốn được cho tôi xem sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột, bác Thiên Lương gãi đầu muốn rớt cả cái mũ vải sĩ quan, nói với vẻ áy náy: “Mời anh và cháu ngày mai đến... Hôm nay chủ nhật, tôi cũng quên... Anh em nó nghỉ, tôi đến mà cũng không có chìa khóa để vào...”

Những năm sau này, khi về công tác tại tạp chí Chư Yang Sin, tôi và nhà văn Thiên Lương có nhiều dịp gặp gỡ nhau hơn. Cái chất lính của cụ hình như đã thấm đẫm nên tác phong làm việc cũng ào ào như gió: bất chợt xuất hiện, bất chợt giận dỗi, bất chợt vui vẻ, bất chợt cao hứng...: Bài này cậu phải đăng cho tớ vào tháng này, bài ấy cậu đăng nhưng lại cắt của tớ cái phần mà tớ tâm đắc, bài nọ tớ viết cho vui nhưng cũng phải vượt qua hàng trăm cây số đường rừng... Có những lúc đã khuya, “cụ” còn gọi điện thoại: “Này, người ta cám ơn tạp chí mà nhờ đó mà tìm ra mộ liệt sĩ, người thân của họ đấy nhé!” hoặc “Nhân vật tớ viết trong bài ký (...) đã được truy tặng là anh hùng rồi đấy. Nếu đưa vào tuyển tập của Hội thì phải ghi thêm là Kính tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nhé!”... Tôi chỉ biết dạ vâng “thưa thủ trưởng” (như 80% bài viết của nhà văn, cứ gặp cựu chiến binh vốn cùng đơn vị cũ là xưng hô với ông “thưa thủ trưởng”). Từ cái tuổi 65 trở đi, nhà văn Thiên Lương bị bệnh nặng tai (cha tôi, nhà thơ Hữu Chỉnh đã có bài viết Lào khào với lão Thiên Lương nói về chuyện này) nhưng lại đi nhiều và viết nhiều ghê gớm, và gọi điện thoại tới tạp chí thường xuyên liên tục, thậm chí là sầm sầm leo một lèo lên tới tầng 3, phòng làm việc của tạp chí Chư Yang Sin: “Này, cái chữ này tớ viết như thế này, sao các cậu lại cho in như thế kia?” Tôi lại phải “chữa cháy”: “Bác thông cảm, cháu xin nhận khuyết điểm...” (thực ra chữ viết tay của “cụ” có những chỗ cả Tòa soạn tạp chí cũng không thể luận ra). Thế là cười khà khà, uống ly trà và nói tầm phào vài câu (chắc chắn là phải nói như quát vào tai) rồi lại ào đi.  

Nhà văn Thiên Lương trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời vẫn miệt mài sáng tác. (Ảnh: Lan Anh)
Nhà văn Thiên Lương trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời vẫn miệt mài sáng tác. (Ảnh: Lan Anh)

Lại nhớ vào giữa năm 2010, cha tôi báo tin nhà văn Thiên Lương ốm nặng, phải cấp cứu, tôi báo cho các văn nghệ sĩ Dak Lak, rồi hối hả kéo nhau đi đến bệnh viện tỉnh, cứ nhằm vào khu điều trị Trung cao. Tôi gọi điện thoại hỏi lại, cha tôi bảo “đang nằm ở Bệnh viện thành phố Buôn Ma Thuột, nhưng là địa điểm mới, mà về đón tao, tao dẫn đi, không lại tìm cả buổi...” Quả thật, bệnh viện đang xây dở, chẳng có biển chỉ dẫn. Cả đoàn của cơ quan Văn phòng Hội cùng đi mà còn lạc nhau. Lúc này “cụ” đã tỉnh, nhưng vẫn phải nằm vì đang truyền nước, “cụ” gọi tên từng người và chìa tay ra bắt, cười khà khà: “Chưa chết được đâu!”. Quả nhiên, sau đận ốm, dù đi lại khó khăn (nhiều lúc phải có người dìu đỡ) nhưng “cụ” vẫn có bài gửi thường xuyên lên tạp chí.

Thăm người ốm về, tôi cứ trăn trở: Tại sao bác Thiên Lương lại nằm ở bệnh viện thành phố Buôn Ma Thuột chứ không được nằm điều trị tại khu Trung cao của bệnh viện tỉnh? Lần hồi lại tiểu sử, thì mới vỡ lẽ.
15 tuổi trốn nhà đi bộ đội, lý lịch khai phần học vấn: “Biết chữ”! Tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với hơn 30 năm tuổi quân nhưng chỉ lên tới quân hàm Đại úy! Công tác tại Hội Cựu chiến binh tỉnh Dak Lak với chức danh cao nhất cũng chỉ là Trưởng ban Tuyên giáo của Hội... Có nghĩa là chưa bao giờ thuộc cán bộ Trung cao.

Nhưng thôi, cái chuyện chức danh hàm nọ bậc kia cũng chỉ là phù vân. Điều quan trọng nhất là sống như thế nào cho đúng nghĩa sống. “Cụ” chỉ ghi trong lý lịch là “Biết chữ” nhưng cái sự “biết chữ” ấy còn hơn chán vạn người có trình độ cử nhân kia, cao học nọ. Hỏi cả tỉnh Dak Lak này có nhà văn nhà thơ nào đã xuất bản được 28 đầu sách gồm truyện cho thiếu nhi, truyện và ký, lịch sử trung đoàn...? Hỏi có bao nhiêu nhà văn đương đại có tác phẩm được tuyển trích vào sách giáo khoa như nhà văn Thiên Lương? Thì ra, sự “biết chữ” như ông là hiếm lắm thay!

Lại nhớ có hồi người ta rỉ tai nhau: “Chắc gì Thú rừng Tây Nguyên là do ông Thiên Lương viết (!?)”  Chẳng biết đây là sự tếu táo hay là xuất phát từ lòng ganh ghét, đố kỵ. Riêng tôi, tôi tin chắc chắn rằng tác giả của Thú rừng Tây Nguyên chính là của Thiên Lương. Vì cái lối dẫn chuyện kề rề cà rà (khi biên tập tác phẩm của nhà văn Thiên Lương, nhiều lúc tôi cắt cả vài trang nhưng chẳng hề hấn gì); rồi nữa, trong văn của ông lúc nào cũng đậm đặc những thành ngữ, tục ngữ (ảnh hưởng của văn hóa xứ Đoài – quê ông). Tới giữa những năm 80 của thế kỷ trước, có người còn châm chọc: “Ông Thiên Lương chỉ khéo “lừa” trẻ con, thú rừng ở đâu ra mà nhiều đến thế!” Ông khà khà cười: “Cậu đếch biết thì thôi...”

Lại có một thời, có người phê phán tại sao lại lấy tên sách là Thất thủ Cao Nguyên (!?) Ông chỉ cười khà khà trước sự quy chụp nhưng chấp nhận nếu được tái bản thì đổi lại là Cao Nguyên thất thủ. Cũng có lẽ vì thế mà tiểu thuyết viết sau đó của ông được mang tên: Cao Nguyên lửa đỏ.

Chỉ cần “biết chữ” nhưng nhà văn Thiên Lương cũng để lại cho cuộc sống khá nhiều tác phẩm mà đông đảo bạn đọc biết đến như: Tiếng hót chim bồ chao, Sư đoàn cánh Nam, Cuộc chiến bên bờ sông Năng, Tay không bắt cọp, Phân đội voi dũng sĩ, Dũng sĩ thành Dak Pha... Còn đối với tuổi thơ, có lẽ ấn tượng hơn cả vẫn là Thú rừng Tây Nguyên cùng những đoạn trích trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2, 4, 5. Và cơ bản nhất, ngòi bút vị nhân của ông chảy vào các bài ký đã giúp cho đồng đội tìm đến đồng đội, nhiều cựu chiến binh được hưởng chế độ nhiễm độc màu da cam, nhiều gia đình đã tìm được mộ người thân là liệt sĩ, có liệt sĩ được truy tặng Anh hùng...     

 

Khôi Nguyên

 


Ý kiến bạn đọc