Multimedia Đọc Báo in

Bạn bè gọi anh là nhạc sĩ... “Trị Mánh”

18:18, 20/02/2011

Trong số các tác giả âm nhạc chuyên nghiệp đang công tác ở khu vực Tây Nguyên, nhạc sĩ Mạnh Trí (Giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Dak Lak) là một trong những người hiếm hoi tốt nghiệp đại học sáng tác chính quy tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Anh cũng từng là một trong hai nhạc sĩ của khu vực Tây Nguyên, được Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư “ đặt hàng” viết khí nhạc và đại diện cho Tây Nguyên tham gia trại sáng tác âm nhạc quốc tế tại TP. Huế.

Mới đây, Trí điện thoại cho tôi chia sẻ niềm vui: anh vừa được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng năm 2010 cho bản hợp xướng âm hưởng dân ca M’nông, viết về đề tài Dak Nông. Tôi thật sự rất mừng cho anh, bởi tháng trước, Trí vừa qua một ca mổ nguy hiểm: ung thư bàng quang. Cơ hội sau khi mổ của anh, các bác sĩ nói trước là 50/50.

Giải thưởng của Hội chuyên ngành Trung ương, chính là thước đo giá trị nghề nghiệp mà bất cứ một tác giả nào, ở lĩnh vực gì, cũng ao ước một lần có, nhưng không dễ gì đạt được. Giải thưởng ấy sẽ như một liều thuốc bổ kịp thời, giúp người nhạc sĩ cao nguyên này , biết đâu chẳng vượt qua được cơn bạo bệnh?
Chúng tôi gắn bó với nhau như chị em đã hàng chục năm nay. Năm 1976, khi tôi về thực tập tốt nghiệp đại học thanh nhạc ở Buôn Ma Thuột, Mạnh Trí và Thi Mỹ Lệ (nay là thạc sĩ nghệ thuật ở Úc), hai diễn viên đơn ca chính của đoàn Dak Lak, là hai học viên đầu tiên. Sau đó mới tới Y Moan. Bốn năm sau, khi về nhận trách nhiệm chỉ đạo nghệ thuật ở đoàn ca múa Dak Lak, chúng tôi đã cùng nhau cất tiếng hát trên khắp mọi nẻo đường đầy bụi và gió đỏ của miền cao nguyên. Rồi sau này lại cùng nhau say mê làm công tác sưu tầm âm nhạc dân gian Êđê, M’nông…

Nhạc sĩ Mạnh Trí (người thứ tư) tại Trại sáng tác âm nhạc quốc tế Huế - 2006.
Nhạc sĩ Mạnh Trí (người thứ tư) tại Trại sáng tác âm nhạc quốc tế Huế - 2006.

Là con của một nhạc công thổi kèn T’rompet trong đội nhạc của nhà thờ, mấy anh em trong gia đình Mạnh Trí hầu hết đều theo ngành âm nhạc. Nên ngay từ khi là nhạc công, là diễn viên hát, Trí đã sáng tác một số ca khúc phát triển từ dân ca Tây Nguyên được dùng thường xuyên trong các chương trình biểu diễn của Đoàn như “Rừng núi hát tình ca”, “Chờ em xuống núi”, “Bơ hơ em hát mùa cà phê…”, trong khi tôi lúc ấy bằng lòng lắm với việc làm một giáo viên hát, chứ chưa bao giờ nghĩ đến mình sẽ là một tác giả âm nhạc.
Năm 1982, Ban lãnh đạo Đoàn quyết định cho Mạnh Trí đi học sáng tác tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Sau 5 năm học, tác phẩm tốt nghiệp: giao hưởng thơ có hợp xướng, lấy chất liệu từ âm nhạc dân gian Êđê “ Bài trường ca Dam San” của Mạnh Trí được chấm loại xuất sắc.

Có lần Trí ngã gãy ngón trỏ bàn tay phải, tôi năn nỉ Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Dak Lak hỗ trợ 1 triệu đồng cho Trí đi mổ ở TP. Hồ Chí Minh, theo chỉ định của bác sĩ, bởi người nhạc công, nhạc sĩ chỉ có bàn tay phải để chơi đàn, gãy ngón thì còn gì nữa?  Khi tài chính của Bộ vào quyết toán, bắt tôi phải bồi thường, may mà nói rõ, người ta cũng thông cảm.

Hôm Y Moan mất, anh em nhạc sĩ chúng tôi ngồi với nhau ở lễ tang, Mạnh Trí cứ bồi hồi nhắc mãi những kỷ niệm   ngày đi tuyển Moan về đoàn, mấy anh em học thanh nhạc với tôi lần đầu tiên… Những đợt biểu diễn bị quân Pôn - Pốt chặn đánh ở biên giới Campuchia, thót tim trên đường đi Gia Nghĩa ngay khi vừa có một xe đò bị tập kích. Những đêm diễn lộng gió tại xã Ea K’Nuêk, đêm mưa điện giật tung tay tại Dliê Ya …Nhiều quá những kỷ niệm, dẫu có bị bà lão thời gian tàn nhẫn xóa đi, cũng vẫn khó quên. Vậy là Mạnh Trí đã gắn với nghệ thuật Tây Nguyên 36 năm rồi đấy.

Vốn người gốc Bắc, nhưng sinh ra tại Đà Lạt, lớn lên rồi trưởng thành trong nghề ở Dak Lak, nhạc sỹ Mạnh Trí là một trong số không nhiều những người gắn bó cả sự nghiệp của mình với âm nhạc dân gian miền cao nguyên đất đỏ. Hầu như tất cả mọi sáng tác của anh đều từ chất liệu dân ca các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là dân ca Êđê. Có những tác phẩm “xanh mãi với thời gian” như “Ơn Bác Hồ với người Tây Nguyên”, hoặc được nhiều ca sĩ lựa chọn làm bài dự những cuộc thi hát quốc gia như “Bài ca trên đồi”, “Trở về buôn làng xưa”…Yêu dân ca, anh không chỉ sưu tầm, phát triển, am hiểu về âm nhạc dân gian Tây Nguyên, mà còn dịch cả lời bài hát của mình sang tiếng dân tộc để cho các bạn thanh niên dễ hát. Tài hoa (làm cả thơ, vẽ tranh biếm họa nữa), hóm hỉnh trong giao tiếp, bạn bè thường gọi đùa anh là “ Trị Mánh” . Mạnh Trí lại còn tỏ vẻ thú vị tự giễu mình với cái tên ấy….

Mong cho Mạnh Trí vượt qua được giai đoạn khó khăn này, để lại có những tác phẩm âm nhạc hay cho miền đất Tây Nguyên mà anh hằng gắn bó.

 

Linh Nga Niê Kdam

 


Ý kiến bạn đọc