Multimedia Đọc Báo in

Mười mùa xuân Văn học Trường Sơn – Tây Nguyên (2000-2010)

16:11, 07/02/2011

Không một vùng đất nào trên trái đất, có được kho tàng văn học dân gian truyền miệng phong phú về giai điệu, giàu có về nội dung, đồ sộ về khối lượng, độc đáo về hình thức trình diễn , như thể loại trường ca – sử thi của các dân tộc thiểu số khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên. Cho dẫu trải qua nhiều biến động của thời gian, của lịch sử xã hội, của sự chuyển đổi tín ngưỡng, tôn giáo, làm cho đứt gãy, thì thuở xa xưa, hầu như tộc người thiểu số bản địa nào của Tây Nguyên, cũng có trường ca, sử thi.

Đây không chỉ là những áng văn học truyền miệng dài hơi, những bộ “ tiểu thuyết” bằng thơ ca dân gian, mà còn vô cùng độc đáo ở nghệ thuật diễn xướng. Bởi mỗi nghệ nhân hát – kể trường ca, sử thi là một nghệ sĩ tổng hợp , vừa là đạo diễn dàn dựng, là diễn viên trình tấu , vừa là nhà phê bình, bình luận nội dung cốt truyện. Quan trọng nhất, họ là những tác giả chân đất vô cùng tài ba. Đội ngũ nghệ nhân hát – kể này, những “ báu vật dân gian sống” theo cách gọi của tổ chức UNESCO, đã từng rất đông đảo trong mọi buôn, bon, kon, plei ở Trường Sơn - Tây Nguyên. Chẳng có lần kể chuyện nào giống hệt lần nào, bởi người nghe càng chăm chú, người kể càng thăng hoa, dẫn dắt không chỉ nhân vật của mình, mà cả khán thính giả, bay lượn khắp ba tầng trời đất, và dưới đất, dưới nước…

Xưa là thế ! Nay thì cũng không có một vùng đất nào mà văn học viết hiện đại lại ít ỏi và thiếu cả về đội ngũ tác giả lẫn tác phẩm, như văn học các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn – Tây Nguyên. Tại sao vậy, khi chính họ là chủ nhân của kho tàng văn học truyền miệng giàu có và độc đáo nhường ấy? Tuy nhiên, mười năm đầu của thế kỷ 21 đã có những tín hiệu vui mừng. Đây có thể được coi là giai đoạn “nở rộ” của vườn hoa văn học dân tộc thiểu số trong khu vực Trường  Sơn – Tây Nguyên, sau 35 năm phát triển, cả về đội ngũ lẫn tác phẩm.

Kinh tế Tây Nguyên vào đầu thế kỷ 21 có những đổi thay tích cực. Nhưng cuộc sống đời thường của các văn nghệ sĩ, nhất là người dân tộc thiểu số, vẫn không mấy dễ dàng gì. Thế nhưng sức sáng tạo của họ không hề giảm sút, mà dường như còn ngày càng mãnh liệt hơn.

 

Ngoài những tác giả đã định hình, tiếp tục bổ sung hành trang sáng tạo của mình bằng nhiều tập sách in riêng như:  Già làng Y Điêng - cây đại thụ của “Làng văn” dân tộc thiểu số Trường Sơn – Tây Nguyên viết liền  hai tập tiểu thuyết N’Trang Lơng và Bên bờ Sông Hing.

Nữ nhà văn Kim Nhất người dân tộc Bana quê Bình Định nhưng mê mải lập nghiệp văn chương tại Buôn Ma Thuột, đã xuất bản thêm 8 tập truyện ngắn, bao gồm cả truyện viết cho thiếu nhi, đồng thời hoàn thành bản thảo hai tiểu thuyết Hoa dại đại ngàn và Luật của rừng. Đây là điều khó tin mà có thật ở sức sáng tạo của một tác giả nữ người dân tộc thiểu số đã xấp xỉ 70 mùa rẫy.

Nữ sĩ  H’Linh Niê, dân tộc Êđê có lẽ vì quá cảm mến gió lộng cao nguyên mà trong mười năm vừa qua, liên tiếp giới thiệu với bạn bè yêu văn học hai tập truyện ngắn ( Gió đỏ và Pơ Thi mênh mang mùa gió), cùng hai tập bút ký văn học (Đi tìm hồn chiêng và Nhân danh ai). Không chịu thua kém bạn bè, nhà thơ đầy nữ tính dân tộc Hrê, Nga Ri Vê ở Quảng Ngãi in thêm tập thơ Khát vọng và một tập truyện ký.  Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi xuất bản tuyển tập thơ của tác giả quá cố người dân tộc Hrê Đinh Xăng Hiền. Xa thành phố Hồ Chí Minh ồn ào náo nhiệt, dạo bước chân tới mọi nẻo đường rừng Tây Nguyên,  nhạc sĩ Kpă Y Lăng vừa đi viết nhạc vừa ham mê chụp ảnh lại còn cho ra mắt bạn đọc tập thơ Mặt trời. Cây bút trẻ Êđê Niê Thanh Mai in liền hai tập truyện ngắn khẳng định vị trí không dễ lẫn của mình trên văn đàn không chỉ trong khu vực. Cô giáo người dân tộc Tày Hoàng  Thanh Hương ở Hội VHNT tỉnh Gia Lai, rời bục giảng để chuyên tâm gắn bó với văn chương, in thêm hai tập thơ ( Lời cầu hôn của rừng và Dự cảm) cùng một tập truyện ngắn.         May mắn thay khi trên văn đàn Tây Nguyên “ bỗng dưng” xuất hiện thêm một số tác giả “ tự thân vận động” nhưng nhanh chóng định hình, đó là hai người làm thơ :

H’Trem Knul , cô giáo người dân tộc Êđê ở Dak Lak mà ngay từ khi  mới “trình làng” trước khi in tập thơ Tiếng chiêng dài, đã khiến giới chuyên môn trong khu vực phải chú ý, bởi thơ chị mang nhiều ảnh hưởng rõ nét của trường ca, sử thi từ đề tài cho đến văn phong.

K’Ra Zan Plin , một nhạc sĩ người dân tộc K’ho ở Lâm Đồng . Với hai tập thơ  Cao nguyên tôi yêu  và Tôi yêu Cao nguyên tác giả này mang đến cho người đọc những ấn tượng khó quên không chỉ từ những câu thơ tinh tế, mà còn rất dí dỏm, theo cách nói chân thật của người miền núi.

Tại Gia Lai cũng có thêm sự xuất hiện khá là rụt rè của một giọng thơ nữ Giarai H’Bi Tô, đang được Hội VHNT tỉnh “ chăm sóc”.

Đặc biệt, từ năm 2004, vì quá “ bức xúc” với việc tìm và phát hiện những cây bút trẻ người dân tộc thiểu số, Hội VHNT Dak Lak hai năm một lần, độc lập trích trong kinh phí hoạt động hằng năm của Hội, tổ chức lớp bồi dưỡng văn thơ cho thiếu nhi dân tộc thiểu số trong tỉnh, nòng cốt là những học sinh Trường PT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng và học sinh giỏi Văn cấp hai ở các huyện. Công việc chẳng dễ dàng gì, vì ngay từ tháng 5 đã phải có công văn gửi các phòng Giáo dục, các trường PTDT nội trú huyện, để làm công tác tuyển chọn, tìm địa chỉ, đợi các em nghỉ hè mới tổ chức được lớp. Thế nhưng nhờ vậy mà đã có 100 lượt em, tuổi từ 15 đến 18, tham gia bốn lớp bồi dưỡng này. Không chỉ có thiếu nhi người dân tộc thiểu số bản địa, mà còn có con em các dân tộc phía Bắc cùng tham dự . Bốn tuyển tập  Hoa rừng chọn từ các lớp bồi dưỡng này, đã giúp một số em tự tin hơn, mong muốn được đi tiếp trên con đường sáng tạo văn học như các lớp đàn anh đàn chị. Hai cô gái Êđê H’Phi La Niê và H’Wê Ra theo học lớp đại học viết văn dành cho đối tượng người dân tộc thiểu số, của Trường  Đại học Văn hóa Quân đội Hà Nội.  Đây là hai cây bút đang rất sung sức và yêu nghề.

Phía Dak Nông, cô bác sĩ đa khoa tương lai Hoàng Nhật Rla Yang, nếu không quá bận bịu với việc chuẩn bị hành trang để phục vụ sức khỏe cho cộng đồng, chắc hẳn đã hứa hẹn vai trò một tác giả, như hai người bạn đồng niên Êđê nói trên. Đây chính là “ của hiếm” trong cộng đồng người dân tộc M’nông ở cả hai tỉnh Dak Lak và Dak Nông.

Có thể vui hơi sớm . Nhưng việc đội ngũ những người viết văn dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ngày càng được bổ sung, thậm chí cả được đào tạo bài bản; tuy mới chủ yếu sôi nổi ở Dak Lak, chính là một việc làm đúng đắn, có hiệu quả từ sự quan tâm của các Hội VHNT, mà  Dak Lak là nơi mở đầu.

Các dân tộc thiểu số Trường Sơn – Tây Nguyên vốn có một kho tàng văn học truyền miệng , đặc biệt là lời nói vần, vô cùng đồ sộ. Lời nói vần làm nên những bộ luật tục chi phối toàn bộ đời sống vật chất và tình thần của mọi thành viên trong cộng đồng. Lời nói vần là kết cấu chính của thể loại trường ca, sử thi. Bên cạnh đó là những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, cũng phong phú và giàu có không kém.… Thơ văn dân gian miền núi xuất hiện hàng ngày, hàng giờ trên nương rẫy, ngoài suối nước, bên bếp lửa nhà sàn… Thế nên nếu viết văn, làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ, chắc chắn sẽ dễ dàng hơn với người dân tộc thiểu số, so với viết bằng tiếng phổ thông.

Thế nên khi lần đầu tiên tổ chức lớp viết văn cho thiếu nhi dân tộc thiểu số ở Dak Lak, Hội VHNT đã lưu ý đến việc khuyến khích các em viết bằng hai thứ tiếng. Cách làm ấy đến nay, sau bốn lượt lớp bồi dưỡng hè, vẫn phát huy tác dụng tốt, bước đầu ở các em đã hình thành tư duy sáng tạo gắn với ngôn ngữ tộc người của chính mình. Bởi khác với thế hệ đi trước, phải xa rời quê hương từ rất sớm, các em lớn lên từ khói bếp trên mái nhà sàn ở buôn làng, đôi bàn chân trần lội qua con suối đêm ngày róc rách tự tình để đến trường mỗi sớm; nên ngôn ngữ dân tộc thấm đẫm trong các em sâu sắc hơn. Việc chính các tác giả đi trước ở Dak Lak đã làm là hướng cho những cây bút tương lai, biết tìm và giữ lấy cái gì ở văn học dân gian truyền thống, cũng như viết những gì về cuộc sống ở con người và buôn làng mình, như lớp cha chú đã từng làm. Chưa thể đòi hỏi sự trọn vẹn, chưa thể có được những tác phẩm mang giá trị cao cả về nội dung và hình thức thể hiện, cũng như việc phát huy giá trị tinh thần của di sản văn học truyền miệng quý báu mà Tây Nguyên  có sẵn, nhưng hy vọng là điều chúng ta có được. 

Một cái cây non dẫu có tự nhiên mọc giữa rừng, cũng phải qua tháng năm uống sương, tắm nắng gió, bám rễ sâu vào đất đỏ bazan, mới góp thành đại ngàn. Để định hình một tác giả không phải là việc một sớm, một chiều, nhưng chúng ta có quyền hy vọng và trông mong ở tấm lòng của các Hội VHNT địa phương trong khu vực, đặc biệt là Hội Nhà văn và Hội Văn nghệ dân tộc thiểu số, cũng sẽ có sự chuyển biến trong tư duy bồi dưỡng, đào tạo lực lượng sáng tạo này, để văn học đương đại khu vực Trường  Sơn – Tây Nguyên sẽ có ngày thật sự khởi sắc.

H’Linh Nga Niê Kđăm


Ý kiến bạn đọc