Đọc Ban Mê hoài niệm – Thơ Diệu Thủy – NXB Hội Nhà văn 2011
Ban Mê hoài niệm – hoài niệm của ân tình
Diệu Thủy, bút danh của Hoàng Thị Thủy cũng gợi lên sự đằm thắm, dịu dàng, êm đềm và diệu huyền như nước. Chị đã in riêng hai tập thơ Tấm lòng quê và có thơ vào các tập của Hội VHNT Dak Lak cùng Bình Định hương quê. Gần đây là 10 bài được chọn vào tập Mười lăm năm biển thơ khá trang trọng, và trước đó có bài trong tập thơ hoành tráng Nước non một dải, nhà thơ Gia Dũng, người tuyển chọn gọi là Bản đồ thơ Việt.
Đến tập thơ riêng thứ ba này, chị đặt tên là Ban Mê hoài niệm. Muốn phục dựng bằng thơ về con người và vùng đất chị từng gắn bó, để rồi yêu, rồi quý đến độ xúc cảm dâng tràn.
Trong bài Bản sắc Tây Nguyên V có đoạn:
Quả bầu tròn xoe
Xoay xoay trong chiếc gùi
Cao cao như quả núi
Đấy là cảnh lấy nước truyền đời của các mẹ, các chị, các em. Nhưng sao cứ ám ảnh khi so sánh hình ảnh quả bầu – quả núi. Cái gùi nặng lưng, đè sấp mặt người. Người cõng gùi cũng là cõng núi suốt cuộc đời mình.
Người Tây Nguyên sinh ra nơi thiên nhiên khắc nghiệt, thích nghi để sinh tồn, chấp nhận thử thách mà trụ với núi rừng. Thơ đầy cảm thông, chia sẻ:
Nên khi chào đời đã xanh ruột, vàng da…
Cái cảm giác lúc nào cũng tê tê đầu lưỡi
Bởi vị rau rừng cay đắng chát chua
Sống nhờ rừng, quen với săn bắt, hái lượm nhưng cũng phải theo quy định, theo luật tục, đó là không săn bắn thú khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ. Có lẽ đây là lối ứng xử văn minh và nhân đạo nhất với thiên nhiên. Người miền núi đã từng như vậy:
Con vật kia trông nó hiền lành
Như khi nâng niu trái chín trên cành
Lại tần ngần, đâu nỡ diệt mầm xanh.
Trong toàn bộ bức tranh thơ hoài niệm quá vãng, gam màu lạnh làm chủ đạo là lẽ đương nhiên, đây đó cũng có mảng màu làm ấm lên, phả sinh khí vào thiên nhiên cho đậm tình thương mến:
Đất trời bừng nắng mỗi tinh sương
Ấp e vài khóm hoa hoang dại
Mộc mạc thôi nhìn vẫn dễ thương
Ngàn xưa còn đọng lại ngàn xa
Rừng thông hiển hiện hồn sông núi
Dấu tích xưa mờ năm tháng qua.
Dù khó tính cũng phải công nhận, khổ thơ trên đã mang âm hưởng trang trọng của cổ thi, pha chút lãng đãng phiêu bồng cho thơ chạm niềm tâm cảm.
Diệu Thủy chịu ảnh hưởng của thơ cổ, nên nhiều bài viết mỗi câu bảy chữ khá thành công. Ngoài ra Diệu Thủy cũng thành công ở một số bài thơ theo thể lục bát truyền thống. Đọc bài Thiếu nữ Tây Nguyên thấy được nét duyên dáng, tươi vui mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên đáng yêu. Cứ tưởng thơ của chàng trai nào cảm đến mức phải lòng cô gái Tây Nguyên, đâu có ngờ đây là thơ của lão bà đã ngoại lục tuần:
Mà trông vẫn cứ rạng ngời nét hoa
Xiêm y chẳng gắn lụa là
Sắc màu thổ cẩm đậm đà kém ai
Theo cô một dặm đường dài
Dệt vần thơ để nhớ hoài dáng cô!
Thơ Diệu Thủy bình lặng của giàu nội tâm nên khó đòi hỏi sự cách tân, tung phá. Bảo là hay thì chưa hẳn nhưng đọc được là chắc chắn. Đọc để thấy cái tình và niềm yêu vùng đất Tây Nguyên của một người từ xứ Đoài mây trắng – Ba Vì, Hà Nội đến với núi rừng.
Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến sự thành công của Diệu Thủy mà quên mất sự dìu dắt, giúp đỡ cần mẫn của Chính Tâm – Nguyễn Văn Bỉnh, vừa là người chồng, người anh, người bạn thơ của chị. Chính Tâm là người sáng lập tổ Bốn mùa thơ, hạt nhân Câu lạc bộ Thơ của tỉnh. Anh giúp cho nhiều người trở thành hội viên Hội VHNT Dak Lak bằng cả cái tâm, cái tình của mình. Với Diệu Thủy còn hơn thế, vì phải nâng giấc, chăm sóc nhau khi tuổi già sức yếu. Đồng cảm chắp thêm cánh cho thơ. Anh dành cho chị tình cảm tha thiết, đằm thắm mà xót xa qua bài Thương mình, đọc lên thấy nghẹn ngào:
Tấm thân chìm nổi cuộc đời bể dâu
….
Xót mình một Tấm lòng quê
Sách đèn dang dở, tài nghề mong manh
Đã bước vào hoàng hôn của cuộc đời nhưng được chị chăm sóc tận tình và nghị lực chiến thắng bản thân đau yếu nên anh từ thành phố Hồ Chí Minh về Buôn Ma Thuột dự Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội VHNT Dak Lak (5-9-1990 – 5-9-2010), người mà từ mùa thu 2002, nghe tin anh lâm trọng bệnh, tôi đã tới thăm và chuẩn bị cả… điếu văn. Thấy anh khỏe thì mừng nhưng cứ áy náy: Liệu mình có thuộc loại bất nhẫn quá không? Nhưng đến Đại hội lần thứ IV của Hội VHNT Dak Lak tháng 11-2006 lại thấy anh phô-tô bản điếu văn để tặng bạn bè làm tôi cũng bật cười, biết rằng anh nắm quy luật tự nhiên nên bình thản và cứng rắn lắm. Chị đã từng ví anh như cây tùng trong bài Vịnh cây tùng:
Nắng núi mưa ngàn dãi tấm son
Hiểu nhau, thương nhau là vậy, như một cặp bài trùng, làm cho người đọc cảm động. Tôi đã viết tặng đôi câu đối để gửi gắm tình cảm của mình, lấy cảm hứng từ bút danh và tên các tập thơ của anh, chị:
Thủy tú, Diệu huyền – Tấm lòng quê dệt nên Diệu Thủy
Tâm quang, Chính lộ - Những phương trời tạo dựng Chính Tâm.
Viết về thơ chị, lan man đôi dòng về anh nhưng không phải lạc đề mà để nói lên suy nghĩ của mình: Có Chính Tâm mới có Diệu Thủy. Ngoài hai tập Tấm lòng quê có đề tài chung, mở rộng thì tập Ban Mê hoài niệm là tình yêu dành riêng cho một vùng đất giàu bản sắc văn hóa, truyền thống cách mạng đang có những đổi thay kỳ diệu.
Ý kiến bạn đọc