Đọc Thơ Krông Pak – NXB Văn học, 2010
Có một miền thơ để nhớ
Tròn 10 tác giả được tập hợp trong tập Thơ Krông Pak, đều là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Dak Lak, coi như lần “biểu dương lực lượng” đầu tiên của các nhà thơ thuộc chi hội văn nghệ một huyện cánh Đông của tỉnh. 106 bài thơ (người nhiều nhất 15 bài, người ít nhất 3 bài) đều có nét riêng thể hiện các cung bậc cảm xúc về quê hương, đất nước, nhất là miền đất bazan có dòng Krông Pak chảy qua, nơi hội tụ tới 23 dân tộc anh em chung sống.
Đỗ Toàn Diện làm thơ đã lâu, yêu thơ đến si mê, có thể ví như Tín đồ của thi giáo. Thơ anh có sự tìm tòi để người đọc phải suy nghĩ, cảnh tỉnh. Bài Thơ hiện đại có câu khá ấn tượng, lo lắng cho thi ca cách tân chưa tới tầm:
Bài Vịnh hòn Gà Chọi Hạ Long đúng là thơ châm, thế mạnh của Đỗ Toàn Diện, phản ảnh thực trạng xã hội khá phổ biến:
Đưa nhau xuống biển trùng khơi đá gà
Cũng vì quyền lực… vinh hoa
Thi nhau đấu đá chẳng qua phàm trần
Vũ Dy, tác giả duy nhất không cư ngụ ở Krông Pak, lẻ loi từ Krông Bông nhập tịch thi ca cánh Đông. Thơ nhiều ẩn ức, nỗi buồn tâm cảm đọng vào thơ. Bài Tháp cổ là điển hình:
Hiển hiện đường cong phồn thực
Áp-sa-ra hừng hực
Nắng rạng ngời phù điêu cười.
Ngày bỏ hoang làm tịch mịch thêm
Rừng đau lời gạch thức
Đêm ma khúc thung lũng buồn
Nỗi kêu đòi bất lực.
Bài Tầm xuân mang nỗi buồn xót xa, đơn côi, không níu kéo được thời gian nên chỉ còn hoài niệm:
Mùa đã tầm xuân mà người đâu hay.
Nguyễn Hữu Hợp đóng góp vào tập những bài thơ chân chất, thơ hiền và thật như giãi bày tâm trạng qua các bài Tự tình, Với mẹ kính yêu. Sự giãi bày ấy có khi chạm đến chiều sâu suy tư như Xem Xúy Vân giả dại:
Kẻ đánh đu với cuộc đời phiêu bạt
Trong xa lắc tôi chỉ là hạt cát
Mẹ sinh thành nơi góc bể hoang vu.
Nếu phải chọn một bài nào đó của Nguyễn Hữu Hợp để vào tuyển tập, xin nói ngay là bài Còng gió. Thơ thật mà đằm, lan tỏa đấy mà biết tụ về ký ức tuổi thơ:
Chiều nay có dịp ghé về
Ôi kỳ diệu thay – còng gió
Gặp tuổi thơ gửi làng quê.
Lê Đình Liệu chỉ góp ba bài nhưng thế cũng đủ để tìm ngược thời gian lẩn khuất qua tứ thơ về Huế, Ninh Bình, Hà Nội. Bài Xin mang Huế về có câu:
Làm ta lóng ngóng cụng ly vội vàng.
“Lóng ngóng cụng ly” quả là đắc địa bởi say cảnh, say người.
Hà Nội trong tôi là hồi ức về thời chiến tranh, về tuổi trẻ Hà Nội lên đường:
Mang theo tường rêu phố cổ
Mang theo cả chùm gió bấc mùa đông
Hẹn giữ cho nhau mùa cốm, mùa hồng
Giữ mái tóc dài che vùng cúc ngực
Câu cuối đoạn: “Tóc dài che cúc ngực” mới trẻ trung làm sao, tế nhị làm sao?
Vũ Bình Lục viết khỏe, có nghề nên cấu tứ trọn vẹn, tinh tế trong việc chọn lọc hình ảnh:
Sau cơn mưa dập dồn rồi tan vội
Mơ màng tiếng chim gáy khoảng rừng xa
(Thắm thiết Tây Nguyên)
Trần Đình Nhân thành công ở những bài thơ ngắn. Bài Tây Nguyên – Ngày lễ hội chỉ có bốn câu nhưng là bài khá, điệu múa nghiêng nửa nhà sàn neo giữ được thơ:
Mây gùi lời khan về bên bếp lửa
Gió thổi lời ru vào hồn ống nứa
Em chao điệu múa nghiêng nửa nhà sàn.
Ngày hội buôn làng. (Ảnh: T.L) |
Hoàng hôn/ vớt được/ một vài câu thơ
Vội vàng/đốt lửa lên hơ
Tứ bay đi mất/ chỏng/ trơ cái lời.
Trần Phố thơ chững chạc, đôn hậu bởi tình yêu con người, yêu cuộc đời tha thiết. Khi đọc tập Thầm thức cùng tiếng chim của riêng anh, khá tâm đắc nên không ngần ngại có nhận định khái quát: Cộng hưởng yêu thương trong tâm hồn đa cảm, đã chọn ra nhiều câu, nhiều bài để phê bình. Tưởng đã đọc kỹ thế thì không còn gì để viết thêm. Nhưng vẫn còn đấy những bụi quý (chữ của Pau-tốp-xki trong Bông hồng vàng). Bài Mắt xưa là bụi quý còn vương lại:
Sóng xuôi khơi lạc biển
Ta một đời xao xuyến
Lạc giữa màu mắt xưa.
Chim và sóng lạc vào cái lớn là rừng và biển. Ta lạc vào cái nhỏ thôi: màu mắt xưa, nhưng màu mắt không cụ thể, cũng hư ảo nên hẹp mà rộng, nhỏ mà lớn. Bài Giấc lâm tuyền vừa là lời cầu mong, vừa là khát vọng cho con người sống tốt đẹp hơn:
đêm đêm bập bùng ánh lửa
Mơ ước cao xanh mỗi ngôi sao sáng mỗi phận người.
Đinh Thị Như Thúy quen thuộc với lớp trẻ yêu thơ đã vượt ra ngoài địa giới của tỉnh. Cẩn trọng trong lập tứ, trong ngôn từ, không nệ âm vần, câu dài ngắn tùy cảm xúc, tìm cách làm mới cho thơ qua tập Phía bên kia cây cầu. Trong tập này Như Thúy đã chọn nhiều bài giàu nữ tính:
Khói từ mặt đất bay lên
Người đi ừ thì va vấp
Khói sương làm ướt mắt mềm
Một chút đỏng đảnh, một chút làm duyên qua cụm từ ừ thì va vấp, ướt mắt mềm đã khẳng định điều đó. Đến bài Như vết cắt không nguôi, dù là thơ triết lý, thơ hiện đại vẫn là nữ tính cất lời:
Vẫn chỉ nỗi yếu mềm ở lại
Vẫn những thiếu hụt không gì bù đắp
Bao nhiêu giấc mơ cỏ xanh
Vẫn chỉ bạt ngàn cỏ tím.
Phạm Minh Trị được biết qua một số bài gợi mở giảng dạy văn chương trong chương trình phổ thông. Thơ còn lạ lẫm với nhiều người, thế mà có những bài, những câu đọc rồi muốn đọc lại. Tiếng cồng chiêng mùa xuân là một bài như thế:
Anh vung xà gạc gọi gió về
Thơ thật hào sảng, thật phóng túng đại ngàn.
Vắt ngang mái nhà rông
Trườn trên lá kơ nia
Đọng nơi nguồn suối
Váy em tuột
Khố anh rơi.
Những động từ không lặp lại: bước, vắt, trườn, đọng để nói về tiếng chiêng cồng dẫn đến tuột, rơi của khố, của váy là của người. Văn hóa Tây Nguyên, hạnh phúc Tây Nguyên nâng từng cung bậc.
Bài Lời của đêm có độ lắng sâu của tình, không gian tĩnh lặng, đồng lõa với tình:
Sương rơi vào giếng mắt
Chỉ em nghe được
Lời của đêm.
H’Trem Knul là tác giả trẻ mới xuất hiện trên thi đàn nhưng được đón nhận và có phản hồi tốt. Thơ rất thật và rất hiền, hiểu và yêu văn hóa cộng đồng. Ngay cả triết lý cũng rất thật:
Đời là bão giông tình yêu
Chỉ khi thế
Người ta mới sống!
Tiệc rượu là bài hay về cấu tứ, trên hết vẫn là văn hóa Êđê với số 7 cực dương trong hệ đếm. Từ bảy ngày lặp đi lặp lại để khẳng định:
Để ngọn lửa trong bếp không có khoảng lụi tắt
Nhiều con mắt hướng về một nơi
Bảy ngày người già trẻ lại
Tìm lời duê cho nhau.
Từ đó dẫn đến kết luận mở ra sự tiếp nối:
Ấy là bảy ngày để thương và để nhớ
Bảy ngày hẹn mùa sau.
Là người ngoài cuộc, đọc khá kỹ nên khách quan mà nhận định: Đây là tập thơ tương đối đồng đều, có nhiều bài hay. Tuy nhiên, cân phân mà xem xét thì thơ về miền đất cánh Đông nói chung, và về Krông Pak nói riêng chưa được nhiều. Giá như mỗi tác giả có ít nhất một bài về nơi mình đang sống. Chính điều này minh chứng: Thơ chưa bám sát hiện thực cuộc sống nên vắng bóng những bài về công cuộc đổi mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện, tỉnh, đất nước. Đọc tập thơ có cảm giác nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Đành rằng buồn thì dễ làm thơ, không ai phủ nhận giá trị mỹ học của nỗi buồn trong văn chương nhưng không nên chỉ là nỗi buồn vô cớ hay của riêng mình. Có thể do tôn trọng tác giả tự chọn nên Ban biên tập chưa làm tròn việc cắt xén, thay đổi mà bê nguyên bản thảo vào in, dẫn đến sơ suất không đáng có.
Thí dụ bài lục bát Bắt sâu bỏ vào tổ kiến của Đỗ Toàn Diện, muốn giữ vần “ông” cho câu sau nên đã đảo từ ngông nghênh thành nghênh ngông:
Bỏ vào tổ kiến hỏi còn nghênh ngông.
Nguyễn Hữu Hợp trong bài Đã đành cũng mắc lỗi giữ vần làm mất từ:
Mà cay đắng những lân la phận người
Trần Đình Nhân cố gắng đưa thuật ngữ khoa học vào bài Tình yêu Parabol nên thiếu gợi cảm.
Vũ Dy để hai bài liền nhau lại có lời giống nhau. Phần đầu bài Khúc dã ca có câu: Khúc dã ca/ buồn/ a tâu a tâu. Kết thúc bài Trên tay mọc đầy mưa nhiệt đới lại có: Và hát lên/ a tâu a tâu/ Khúc dã ca buồn. Hãy tránh lặp lại chính mình.
Nhìn chung, đây là tập thơ chững chạc. Vì yêu thơ nên có đôi lời gợi mở, không dám nói là đúng cả.
Chế Lan Viên có viết trong Nghĩ về thơ:
Hãy nhặt chữ của đời mà ghép nên trang.
Mong được đọc tiếp những tập mới hay hơn, vui hơn của các nhà thơ Krông Pak – cánh Đông Dak Lak.
Ý kiến bạn đọc