Dã quỳ và tượng gỗ - góp thêm một khoảnh khắc “cháy” cho văn hóa truyền thống của dân tộc Tây Nguyên
Tây Nguyên từng được biết đến như một mảnh đất của huyền thoại, hoang sơ và giàu bản sắc. Mảnh đất níu chân khách thập phương bởi âm thanh của tiếng cồng chiêng, ché rượu cần bên bếp lửa, với những đồi cà phê, cao su xanh ngút ngàn, vàng óng những vạt dã quỳ và tượng nhà mồ chứa đựng ý nghĩa tâm linh sâu sắc… Nhưng với Lê Khôi Nguyên - tác giả của tập truyện ngắn Dã quỳ và tượng gỗ - thì “Không hoang sơ mà cũng chẳng hiện đại. Đó là Tây Nguyên trong tôi”. Cuốn sách dày 144 trang với 9 truyện ngắn. Mỗi truyện ngắn là một câu chuyện, là những mảng màu, cái nhìn khác nhau về Tây Nguyên. Dù được đề cập ở nhiều góc độ nhưng truyện nào cũng nói lên một tình yêu, nỗi trăn trở, suy tư với văn hóa truyền thống của dân tộc đang cần được giữ gìn. Phải có một một tình yêu mãnh liệt dành cho vùng đất, văn hóa và con người ở nơi đây, Khôi Nguyên mới viết lên những tác phẩm mang đậm chất dấu ấn của vùng đất hoang sơ, huyền thoại “những nỗi niềm với quê hương” như thế!
Tác giả Khôi Nguyên. |
Xin mượn những dòng trong lời tựa của cuốn sách: “Dã quỳ là sức sống, tượng nhà mồ là những tâm sự không thể nói ra thành lời, là ranh giới giữa sự sống và cái chết… Nhiều nét văn hóa bản địa Tây Nguyên như ngọn lửa đang lụi dần. Tôi nguyện làm con thiêu thân lao vào ngọn lửa ấy hòng góp thêm khoảnh khắc cháy để nối một nhịp xoang trong tiếng chiêng cái dóng giả nhịp lẻ: “có cũng được” và tiếng chiêng đực vung vãi nhịp chẵn: “không có cũng được” ”, rất khiêm nhường nhưng chứa đựng cả nỗi lòng của tác giả, để giới thiệu một tập truyện đáng để đọc đến với độc giả gần xa. Sách do Hội Văn học - Nghệ thuật Dak Lak phát hành năm 2009, hiện đang có tại Thư viện tỉnh, số 06 Trần Quang Khải, TP. Buôn Ma Thuột.
Ý kiến bạn đọc