Multimedia Đọc Báo in

Đến với bài thơ hay

“Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” - sự nhập thân giữa thi nhân và linh hồn mười liệt nữ

17:18, 23/07/2011
Trên báo “Nhân Dân” số ra ngày 18-7-2010 đăng bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng sáng tác năm 1995.
 
Bài thơ là tiếng lòng của Vương Trọng nhập thân vào linh hồn mười liệt nữ: “Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/Cho mọc dậy vài cây bồ kết/Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”.
Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc
Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.

Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
Ơi các  em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các chị lắm phải không, thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi cùng bao
                                            vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che.

Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm
                                               một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.

Cần gì ư? - Lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.
Đồng Lộc, 5-7-1995
Vương Trọng
Tứ thơ trên hình thành từ tâm nguyện của nhà thơ: “Lần ấy đến thăm Nghĩa trang Đồng Lộc, tôi nghĩ rằng, khi các cô hy sinh, do hoàn cảnh chiến tranh nên rất có thể “Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được”, nếu như ở đây có những cây bồ kết, thì mỗi lần khách đến viếng các cô, hái những quả bồ kết đốt cùng những thẻ nhang, để hương bồ kết hòa quyện khói nhang mà tắm gội linh hồn mười liệt nữ".
 
Vương Trọng đã nhập thân vào linh hồn mười cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc để thỉnh cầu những lớp người sống sau chiến tranh ác liệt. Đó là các em tuổi quàng khăn đỏ: “Thương các chị lắm phải không, thì hãy quay về/Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống/Các chị nằm còn khát bóng cây che” và đây là các bạn cùng trang lứa: “Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc/Về bón chăm cho lúa được mùa hơn/Bừa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo/Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường…
 
Đấy là những lời thỉnh cầu cho mùa màng bội thu, cho cây xanh che phủ đồi Trọ Voi, nơi bom Mỹ tàn phá màu xanh, lấp vùi các chị…
 
Phần riêng mình, các chị chỉ thỉnh cầu những người còn sống: “Cho mọc dậy vài cây bồ kết” vì “Ngày bom vùi tóc tai bết đất/Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được”.
 
Lời thỉnh cầu giản dị gắn với thói quen gội đầu bằng bồ kết của những người nữ thanh niên xung phong ngã xuống vì nghĩa lớn đã được những người còn sống sau chiến tranh thực hiện với lòng thương cảm, biết ơn.
 
Nhà thơ Vương Trọng cho biết: từ ý tưởng trồng bồ kết trong nghĩa trang của bài thơ đã được Nguyễn Tiến Tuẫn, một trong ba anh hùng thời chiến tranh ở Ngã ba Đồng Lộc biến thành hiện thực. Năm 1998, anh lên Hương Sơn (Hà Tĩnh) tìm hai cây bồ kết nhỏ về trồng ở đây… Đã gần chục năm nay, việc đốt những quả bồ kết khô trong nghĩa trang này trở thành một tục lệ.
 
Từ khi nghĩa trang có hai cây bồ kết nở hoa thì có những đàn ong đang hút mật trên những chùm hoa bồ kết bỗng phát hiện ra trên những nấm mồ liệt sĩ có hoa tươi của những đoàn người đến viếng nghĩa trang liền sà xuống, một chốc lại bay ngược lên cây bắc thành một nhịp cầu hương giữa nấm mồ liệt sĩ với chùm hoa bồ kết. Đó là phát hiện của Phó giám đốc Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc Đặng Thị Yến.
 
Bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” đã được khắc trên tấm bia đá đặt trong khuôn viên nghĩa trang. Tấm bia cao 2,5 m, rộng 1 m, dày 20 cm được dựng lên cạnh gốc cây bồ kết nằm phía trái nghĩa trang. Mặt trước tấm bia khắc bài thơ bằng tiếng Việt, mặt sau khắc bản dịch sang tiếng Anh của dịch giả Trần Đình Hoành, một Việt kiều ở Mỹ.
Trong lịch sử thi ca Việt Nam hiện đại, người đọc ít gặp hiện tượng nhà thơ hóa thân cùng nhân vật, nói hộ lời thỉnh cầu của nhân vật mà được những người đương thời thực hiện từ lòng biết ơn và ngưỡng mộ như Vương Trọng trong bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc”. Đó là hạnh phúc của thi nhân khi viết được những bài thơ mang giá trị nhân văn hòa quyện giữa nhân vật thơ với cuộc đời và con người.
                              Trương Tử Kỳ

Ý kiến bạn đọc