Multimedia Đọc Báo in

Đọc “Ngày linh hương nở sáng”

Mấy cảm nhận về thơ Đinh Thị Như Thúy

11:38, 09/07/2011

Ngày linh hương nở sáng là tập thơ thứ ba của Đinh Thị Như Thúy, một trong những cây bút thơ nữ đang gây được chú ý trên thi đàn hiện nay. Vẫn là lối thơ, mạch thơ đã có ở tập thơ trước của chị (Phía bên kia cây cầu): Hình như khi làm thơ chị không quan tâm nhiều đến tứ thơ mà chỉ quan tâm đến những nỗi niềm, những cảm xúc và chị kể, chị giãi bày bằng một lối viết miên man suy cảm, lớp lớp hình ảnh khi trực diện, khi mờ ảo xa xôi, theo nhiều kiểu cấu trúc, có khi theo trục tuyến tính từ quá khứ đến hiện tại, từ thực tế đến ý tưởng, có khi là sự đồng hiện giữa hữu hình và vô hình, giữa ý thức và vô thức, với rất nhiều liên tưởng giao thoa, “chồng sóng”; từ đó lảy ra, gợi ra những điều mà chị đang băn khoăn, trăn trở và ai đó có thể cùng thông cảm, sẻ chia. 

 
Có lẽ vì cách viết đó, nên một người bạn thơ của tôi vốn chỉ yêu thơ truyền thống, đọc thơ chỉ thích ngâm nga để tìm khoái cảm qua âm thanh và những ý tứ rõ ràng, sau khi đọc thơ của Đinh Thị Như Thúy đã nói: “Đọc thơ Đinh Thị Như Thúy mệt lắm, vì phải đuổi theo cảm xúc và ý nghĩ của chị và rồi có lắm bài đọc xong chẳng hiểu gì…”. Thực ra thơ Đinh Thị Như Thúy rất tinh tế trong cảm xúc, trong cách dùng từ ngữ và điều chị muốn nói, muốn chuyển tải đều ẩn dưới bề mặt bài thơ như những “mạch ngầm”. Chỉ những ai đã “bắt” được “mạch ngầm” của lối viết đó và nhận ra sự kín đáo ngỡ như mơ hồ trong cách gửi gắm thông điệp của chị mới thấy thú vị để mà đọc một cách cẩn thận, có dụng công. Ở ngay bài thơ đầu tiên của tập thơ có tựa đề Cõi ảo, ta thấy chị viết như là giãi bày tâm trạng về những ngày đang sống ở một phố huyện, cũng ngỡ chỉ là những chuyện của đời thường giản đơn: “ Mơ hoài ngày hôm qua, thêu dệt hoài kỷ niệm”, “tự huyễn hoặc mình”, rồi tự dẫn dụ mình vào “xứ sở của Alice”… Cảm giác như đó là tâm trạng của một cô gái đang tuổi lớn, đang yêu, đang buồn vì những chuyện không đâu và tự giải buồn bằng những… cổ tích, thần thoại. Nhưng càng đọc, ta mới vỡ ra: Không phải vậy. Đấy thực sự là tâm trạng của một người đã từng trải, đã có thời gian để chiêm nghiệm về cuộc sống và vì vậy đang nhàm chán về những điều lặp đi lặp lại, về những tù túng trong cuộc sống thực tại. Bởi sự lặp lại liên tục mang tính bắt buộc của bao chuyện, bao điều trong cuộc sống, sự tù túng của vô vàn định chế lạc hậu sẽ giết chết những sáng tạo mới mẻ: “Như một bài hát cũ tình yêu có quá nhiều điệp khúc, sự láy lại các giai điệu buồn làm chết dần màu xanh của lá…”. Chị muốn thoát ra khỏi nó nhưng nào có dễ. Nhưng chị tự biết và khẳng định: “Dẫu vẫn ngần ngại, nhưng để thoát khỏi bóng tối nở bung là con đường nụ hoa phải đi”. Đấy chính là một thông điệp về cuộc sống, về bản lĩnh sống mà bài thơ đưa đến cho người đọc.

Với lối viết hiện đại, mới mẻ, câu chữ cứ chảy lênh loang theo dòng cảm xúc, theo ý nghĩ, cứ ngỡ Đinh Thị Như Thúy chẳng mấy quan tâm đến sự đời đang ồ ạt xô bồ hiện nay (với biết bao biến thái khôn lường về đạo đức xã hội, nhân tình thế thái, các thang bậc giá trị của đời sống…). Nhưng nào phải vậy, Đinh Thị Như Thúy không ồn ào trên bề nổi của ngôn từ, nhưng từ trong đáy sâu của câu chữ ta vẫn thấy một người thơ thao thức vì: “Hoài nghi, đáng sợ nhất là hoài nghi, đáng sợ nhất là không xác định được phương hướng, đáng sợ nhất là không biết nên làm hay không nên làm, nên đi hay không nên đi, nên gọi hay không nên gọi”, “rồi thấy mình ngốc nghếch thấy mình thừa thãi, thấy mình chán mình…muốn thu mình vào một nơi nào đó để khóc, muốn ngủ luôn một giấc dài để không bao giờ dậy nữa…” (Krông Pak, tháng mười một ngày mười ba…). Như thế thì người thơ này không chỉ thao thức mà ta thấy còn rũ rượi, vật vã đến mức ê chề, đến chán cả mình và chán cả sống.

Vì sao thơ chị có tâm trạng đó? Phải chăng là những ngang trái trong đời, những giả dối trong ứng xử hàng ngày, những tù túng ngột ngạt của những khuôn mẫu lỗi thời đang hiện hữu, nhan nhản khắp mọi nơi và đáng sợ hơn nó đang trở thành phổ biến trong đời sống? Điều đó cho ta thấy thơ Đinh Thị Như Thúy không mông lung trong cái tôi như ai đó từng nghĩ; không buông lời thả chữ, làm xiếc ngôn từ để tìm sự cao siêu mới mẻ một cách vô hồn, vô thức.

Tinh tế trong cảm xúc và cách giãi bày ấy là thế mạnh của Đinh Thị Như Thúy. Ngày linh hương nở sáng viết về “thời khắc thật sự đớn đau/ khi bạn/ chối từ cuộc sống” vì cơn bạo bệnh, Đinh Thị Như Thúy có những câu thơ xa xót “không giống ai”: “Tôi mang cảm giác chảy trôi/ như nước/ mất hút dưới những kẽ tay…”. Đây là cách nói rất riêng của Đinh Thị Như Thúy. Trong bài “Có phải tất cả kiếm tìm đều như thế” – một trong những bài thơ hay của tập thơ - chị tâm sự cùng bạn, giãi bày cùng ta về những quan niệm sống, hay là chọn cách sống, cách ứng xử giữa “Thế giới của những giấc mơ và những bông hoa độc”, quả là đầy khó khăn, rất khó lường, có khi thất bại, có khi phải chấp nhận nó như là Vũ – một người thơ (xuất hiện trong thơ chị) – đã phải chấp nhận. Bài thơ không dẫn ta về một quan niệm sống, một triết lý sống nào cả, nhưng đọc cứ thấy bùi ngùi về những phận người, về những gì con người không muốn mà phải chấp nhận. Đoạn cuối của bài thơ cho thấy những cảm xúc lắng đọng và đằm thắm của hồn thơ Đinh Thị Như Thúy:

Sáng nay rừng không bướm trắng
Sáng nay rừng không gió động
Mưa trái mùa đã rơi suốt đêm qua
Suốt đêm mưa rơi trên những hoa dại mới nảy mầm
Suốt đêm mưa rơi trên dự cảm những bồn chồn ly biệt…

Đấy là khi Đinh Thị Như Thúy phát huy được thế mạnh của mình về cảm xúc, trải nghiệm, về cách diễn đạt sâu lắng. Còn khi chị chỉ chạy theo hình thức đơn thuần, ngôn từ không còn gắn với cảm xúc, thì ta chỉ thấy những dòng chữ trơ trọi mà chẳng thấy chất thơ ở đâu. Ví như: “Ngồi uống một lúc mấy ly nước mía. Rồi gọi điện cho thằng bạn ở Sài gòn. Nghe hỏi: Đang ở đâu? Cười. Nháy mắt trả lời: Lang thang trong rừng. Hê! Xạo kẹ đi ông. Làm đếch gì còn rừng!? Trời đất! Tây Nguyên không còn rừng thì rừng ở đâu còn nữa?”(Kể lại chuyện tháng tư năm ngoái). Có thể đây là những bài thơ mà chị đang thể nghiệm, tìm tòi. Nhưng theo tôi, chị chỉ thành công khi là chính mình - là nhà thơ Đinh Thị Như Thúy - với những câu thơ mà cảm xúc luôn luôn quấn quýt đến mức “ướt đẫm” ngôn từ.

Buôn Ma Thuột 20-6-2011
Đặng Bá Tiến

 

----------------

*Ngày linh hương nở sáng, thơ Đinh Thị Như Thúy, NXB Hội Nhà văn – 2011.


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.