Multimedia Đọc Báo in

Nhà văn Lan Khai và những dấu ấn để lại

11:22, 03/07/2011

Nhà văn Lan Khai tên thật là Nguyễn Đình Khải. Ông sinh ngày 24-6-1906 tại một vùng rừng núi hoang vu bên bờ sông Gâm, thuộc bản Luộc, xã Vĩnh Lộc, châu Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

 
Lúc nhỏ Nguyễn Đình Khải đã là người rất thông tuệ. Không chỉ học giỏi, ông còn có tài vẽ vời, làm thơ, viết văn. Thủa nhỏ, ông được gia đình đưa xuống học tại Trường Bưởi (Hà Nội). Đây là một việc làm hết lòng vì con của cha mẹ ông vì ngày ấy, ở nơi heo hút, nghèo khó như Tuyên Quang, một gia đình giáo viên kiêm nghề bốc thuốc mà dám cho con xuống Hà Nội học là chuyện “ghê gớm”. Học xong Trường Bưởi, năm 18 tuổi ông thi đỗ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, một trường có tiếng lúc bấy giờ. Nhưng học dưới mái trường của chế độ bảo hộ, một phần bị bức ép, thêm phần nữa với sự khinh miệt dân An Nam của một số người lúc bấy giờ nên ông đã quyết định bỏ học, về xứ Tuyên êm đềm và thơ mộng để dạy học, dịch sách và viết văn. Với tài năng của mình cùng với duyên bút mực, tuy ở chốn thâm u thượng ngàn nhưng chỉ 5 năm sau Nguyễn Đình Khải đã thành danh với các thể loại, tiếng tăm “động” cả đến giới văn chương Hà Nội lúc bấy giờ. Thế rồi, với năm tháng tiếp nối, bằng tài năng và nghị lực, ông đã trở thành một cây bút nổi tiếng trên văn đàn cả nước với bút danh Lan Khai. Đương thời, riêng những Truyện đường rừng, ông được gọi là “nghệ sĩ của rừng rú”, “là đàn anh trong thế giới sơn lâm”, “là cây đa cổ thụ giữa cánh đồng bát ngát” (Trương Tửu); về năng lực sáng tạo, ông được phong “là lão tướng trong làng tiểu thuyết” (Vũ Ngọc Phan); về phương pháp sáng tác, ông được đề cao là nhà văn “đã phất lá cờ tiên phong trên mảnh đất này...” (Hải Triều). Với 18 năm cầm bút, nhưng ông đã để lại hàng trăm tác phẩm đủ các đề tài và thể loại như: tiểu thuyết tâm lý xã hội, truyện đường rừng, tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn, ký, thơ, hội họa và dịch thuật cùng các tác phẩm nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học…

Theo ông Nguyễn Lan Phương, người con trai còn lại duy nhất của nhà văn Lan Khai trong nghiệp cầm bút cha mình có khá nhiều bút danh. Lan Khai là bút danh nổi tiếng nhất. Lan Khai nghĩa là hoa lan nở. Bút danh này nhà văn lấy theo tâm nguyện của mẹ ông “Mong sao đời con sau này như hoa lan nở” và riêng ông, ông cũng người tôn thờ loài hoa Lan. Cũng vì thế mà ông đã đặt tên cho 4 người con của mình là: Lan Hương, Lan Phương, Lan Hoa, Lan Diệp. Có khi ông lấy bút danh do cụ Tản Đà tặng là “Lâm Tuyền Khách”. Còn cụ Nguyễn Văn Tố hay mời Lan Khai đi diễn thuyết đã yêu mến tặng ông bút danh là Huệ Khai để nối với Lan Khai…Chỉ có bút danh “ĐKG” là ông tự đặt, có nghĩa là “Để kiếm gạo”, đây là những trang sách viết nhanh, viết vội, giao cho nhà in để kịp tiền đong gạo nuôi 8 người ăn. “ĐKG không phải sách để đời mà để sống qua ngày”, nhưng khi sắp chữ in các biên tập viên vẫn thường đổi lại tên hay cho dễ bán…

Lại nói đến chuyện các danh hiệu mà các nghệ sĩ nổi tiếng đương thời phong tặng cho ông. Ví như danh hiệu “nghệ sĩ của rừng rú”, “đàn anh trong thế giới sơn lâm”… đều là những danh hiệu xứng đáng. Bởi cho đến bây giờ, người ta vẫn gọi ông là “Người mở đường vào thế giới sơn lâm” hay là “Người đầu tiên mở đường tìm ra kho báu ở chốn sơn lâm”. Người ta còn nhớ như in rằng, vào những năm ba mươi của thế kỷ XX, trên các tờ báo: Đông Pháp, Đông Phương, Tao Đàn đã xuất hiện những tác phẩm: “Gió núi trăng ngàn” (1934), “Những câu hát xanh” (1937) của ông. Đó là những di sản thơ ca dân gian của đồng bào Tày do ông sưu tầm, dịch và xem đó là “món quà thanh thú” nơi “rừng xanh đất đỏ” mà nhiều thế kỷ qua “kho báu” đó còn chìm khuất trong những lớp sương mù của lịch sử. Những trang Truyện đường rừng của ông càng mặn mà hơn bởi những bài dân ca J’rai, Dao, Mông... Đọc các câu dân ca đó, ta có cảm tưởng rằng, đặc trưng văn hóa của các dân tộc trên đất nước ta đều có những nét tương đồng. Người đọc có thể cảm nhận sự quen thuộc đâu đó khi được nghe lời hát ru của đồng bào Tày: “ử hở noọng nòn, nòn đắc nòn đi, nòn thả ý me mà!” (à ơi em ngủ, ngủ say đi, đợi tí mẹ về!). Người đọc cũng bắt gặp đâu đó những âm hưởng giống nhau của dân ca Kinh-Tày.

Người Tày có lời dân ca biện minh cho sự lỡ làng của các cô gái như “Sắc lộn lại kin ngoan, lục màn tàng khôn khẻo” (Rau lốn láo ăn ngon, con đẻ hoang khôn khéo); người Kinh cũng có câu ca rằng: “Không chồng mà chửa mới ngoan; có chồng mà chửa thế gian sự thường”; hoặc câu nói về sự chê bai “Mu chê ma mỳ pất, mắt chê cáy mỳ lầy” (Lợn chê chó có bọ, vịt chê gà có mò), thì ta có thể tìm thấy câu tương ứng trong tiếng Kinh là “Lươn ngắn lại chê trạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai trai lệch mồm”. Rồi khi nghe người Tày hát: “Thương nhau đi mười ngày đàng cũng gần – Không thương nhau nhà dưới cạnh nhà trên cũng xa” (Thương căn shíp vằn tàng cũng sở- Bố thương căn lườn tở kéng lườn nủa cũng quây); “Thương nhau nước lớn cũng lội qua - không thương nhau một vũng nước chân trâu cũng ngại” (Thương căn nặm phính phắng nhằng lòi, bố thương căn nặm lòi vài cũng vận), là ta cảm nhận nó thật gần gũi với lời hát của người Kinh: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”… Có thể nói, trong ý thức, người dịch không làm mất đi vẻ đẹp hồn nhiên và bản sắc lời ca từ nguyên tác.

Cũng tương tự như trên, khi chuyển bài dân ca từ tiếng J’rai sang tiếng Kinh: “Iuh nang e/ Tơ klek adel/ Tơ klok am rẽ/ Chrẽ tô oa/ Tóng de kra rua an/ Iuh oa krăm hloi”, ông luôn bảo tồn tính trữ tình, sinh động hồn nhiên từ vẻ đẹp của lời ca bằng việc chọn lời thơ lục bát: Thương chàng lắm lắm chàng ơi!/ Cơm canh chẳng thiết đứng ngồi không an/ Lượng trên dù bắt lỡ làng/ Thiếp xin liều cái hồng nhan với tình!.. (Lan Khai - Chiếc nỏ cánh dâu). Khi đọc xong toàn bộ tác phẩm “Chiếc nỏ cánh dâu” của ông, nhiều độc giả cứ ngờ rằng, ông đã hóa thân làm thành nhân vật của mình trong truyện. Nhất là khi nói về cuộc tình giữa Pengai Lâng với Mai Lâm. Cuộc tình đó đã trở nên sống động hơn khi người thiếu nữ J’rai cất tiếng hát : Bih hre kơrung/ Klang ping kơbàn/ Tăng Yuan tơno/ Kang blo tơdrah/ Ba rah tơdring/ Ching mong nao truh/ Tun ruh kueng kronh/ Hla hiong haug dak/ Rolak kla kơ...Lời dân ca đó đã được Lan Khai chuyển dịch cũng bằng lời thơ lục bát đầy cảm động : Chàng đẹp như rắn hoa mai/ Như con trĩ bạch theo vời gió nam/ Như cái điếu ngà An Nam/ Như cây cổ thụ trong ngàn núi xanh/ Như trăng mới mọc đầu cành/ Lúa non gợn sóng chung quanh rông nhà/ Cờ đào cuộn gió phương xa/ Lòng em ngây ngất biết là bao nhiêu…

Thế đó, ngòi bút của Lan Khai như đã chạm vào mọi ngõ ngách của núi rừng, trong đó sâu lắng nhất là tâm trạng của con người trước thiên nhiên hoang dã và tình người muôn điệu như cuộc sống vẫn hằng sinh tồn. Không những thế, những bài viết thuộc thể lý luận và phê bình văn học của ông đã đăng trên Tạp chí Tao Đàn như: Tính cách Việt Nam trong văn chương (Tao đàn số 4), Thiên chức của văn sĩ Việt Nam (Tao đàn số 5), Cái nguy mất gốc (Tao đàn số 6), Một lòng tin cần phải có (Tao đàn số 7), Bàn qua về nghệ thuật (Tao đàn số 7), Phác họa hình dung tâm tính Tản Đà (Tao đàn số 9-10), Con người Vũ Trọng Phụng (Tao đàn số đặc biệt)... thì đến nay đọc vẫn còn “kinh” lắm và chưa dễ mấy ai qua được cách nhìn nhận của ông.

Nguyễn Thị Thọ

Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.