Hà Khánh Linh - người khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ Phùng Quán
Tháng 6-1995, khi gửi tập Thơ Phùng Quán vào Huế tặng nữ nhà văn Hà Khánh Linh, chị Bội Trâm - vợ nhà thơ Phùng Quán đã ghi: “Thân tặng Hà Khánh Linh, người đã một thời khơi nguồn cảm hứng cho anh Quán làm thơ”. Qua thiên hồi ký “Phùng Quán viết Trăng Hoàng Cung” (NXB Thuận Hóa), Hà Khánh Linh đã kể lại một cách khá cụ thể, chân thật việc chị đã góp phần “khơi nguồn cảm hứng” cho nhà thơ Phùng Quán như thế nào.
Công bằng mà nói nếu như ngày 7 - 6 - 1984, Phùng Quán không gặp Hà Khánh Linh chưa chắc nhà thơ đã có tiểu thuyết tình mười ba chương “Trăng Hoàng Cung”. Hà Khánh Linh kể: Buổi sáng hôm ấy ở trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên (26 Lê Lợi), thoạt nhìn vị khách “tuổi chừng ngoài năm mươi, mặc bộ quần áo vải chàm, chân đi guốc mộc, tóc chải lật ra phía sau, cằm lún phún râu, tay xách chiếc bị lác cỡ lớn...”, chị bị “hút ngay”. Chị càng ngạc nhiên hơn khi biết vị khách khác thường kia chính là nhà thơ Phùng Quán - người mà chị đã nghe tiếng từ ngày mới bước vào làng văn. Mọi chuyện bắt đầu từ quyển sổ bìa nâu, giấy có kẻ dòng, Hà Khánh Linh đưa cho Phùng Quán nhờ anh chép hộ bài thơ mà chị ưa thích. Cầm quyển sổ, nhà thơ nở nụ cười “tươi rói”, nói đùa với người đẹp: “Anh chỉ viết trên giấy có kẻ dòng... ”. Nhờ những trang giấy kẻ dòng mà nhà thơ nghĩ ra được cái tứ khá độc đáo, rất phù hợp với bản tính của tác giả “Lời mẹ dặn”. Nhà thơ bộc bạch “Anh chỉ viết trên giấy có kẻ dòng... Câu nói vô tình bỗng xuyên qua trí nhớ tôi như một ánh chớp. Cảm hứng thơ không biết từ cõi miền nào đột ngột dâng lên như cơn lũ suối Linh Nham, tràn ngập cả hồn tôi...”. Và bài thơ “Anh chỉ viết trên giấy có kẻ dòng” ra đời: Là người viết / Anh yêu tha thiết / Sự ngay thẳng tột cùng... Phùng Quán đã bắt được mạch thơ lâu nay vẫn tiềm ẩn trong anh. Và người “khơi nguồn cảm hứng” không ai khác chính là nữ nhà văn Hà Khánh Linh với quyển sổ giấy có kẻ dòng ấy.
Không chỉ những kỷ niệm đẹp, ngay những sự việc Hà Khánh Linh làm cho Phùng Quán thất vọng, buồn chán, đau khổ... cũng là những cái cớ để anh làm thơ. Một hôm, Phùng Quán vô tình nghe Hà Khánh Linh la mắng Linh Kha (con gái chị) vì tội đi tắm sông không xin phép, anh viết ngay bài “Lời van xin”: Là nghệ sĩ /Anh cũng như em/Rất dễ tức giận/Rất dễ nổi khùng/Trước những điều băng hoại vô luân/Nhưng anh quỳ xin em/Cả trong những phút nổi khùng/Em đừng viết những lời chua chát / Em đừng nói những lời cay độc... Chỉ vì anh không thể nào chịu nổi/Tất cả những gì hiện hữu ở em/Mà không đẹp! Nói với người yêu nhưng thực ra là Phùng Quán đang nói với chính mình, đang nói với các bạn văn của mình. Việc Hà Khánh Linh đi chơi biển Thuận An, không báo cho Phùng Quán cũng là cái cớ để anh viết bài thơ “Đợi đò” với ngôn ngữ và giọng điệu đặc Huế : Sông Hương ơi/Gió chi mà nhiều rứa / Sóng vỗ làm chi cho rối ruột đôi bờ/Anh ngồi như đá mọc thành thơ/Ngó về cửa Thuận đợi chờ đò lên... Nhà thơ Hải Bằng vì quá lo lắng cho Phùng Quán mà lỡ nặng lời với cháu Linh Kha (chỉ vì cháu đi với Phùng Quán về Thủy Dương chơi) làm cho Hà Khánh Linh nổi giận “cấm cửa” Phùng Quán. Suốt mấy ngày liền, anh “vật vạ” trước sân nhà chị. Anh cầu xin được vào đứng trong “xó nhà”, “trước hiên”, “trước ngõ” của chị nhưng chị vẫn một mực từ chối. Đó cũng là cái cớ để anh viết bài thơ “Tình tuyệt vọng”: Đứng ngoài ngõ cũng không được đứng! /Thì tôi xin ra đứng đầu đường/Tôi nhìn vào khung cửa sổ nhà em/Môi rát bỏng những lời yêu thương... /Đứng đầu đường cũng không được đứng! /Lời yêu thương cũng không được nói! /Thì tôi xin chết... /Nhưng tôi sẽ không nói lời vĩnh biệt/Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh! Dù hỏa táng/Dù chôn chín tầng đất/Trái tim dập nát của tôi/Vẫn thắm một khối tình. Những vần thơ đẫm nước mắt ấy chính là “lý lịch”, là “mạng sống” của đời anh. Niềm tin của Phùng Quán thật mãnh liệt. Không có một niềm tin mãnh liệt như vậy chắc nhà thơ đã gục ngã từ lâu.
Như tất cả những người đang yêu, Phùng Quán ghen tuông lồng lộn khi nghe người ta đồn đại này nọ về Hà Khánh Linh. Anh như bị “chấn thương sọ não”. Nhà thơ tự “dìm mình vào những cơn say miên man, bất tận...”. Và Phùng Quán đã làm bài thơ “Tôi khóc vô cùng đớn đau, vô cùng chua chát”: Ôi, còn nỗi thống khổ nào hơn / Tình cờ tôi chợt hiểu / Một tháng có nhiều đêm trăng / Và thời buổi ngày nay / Vào Hoàng Cung là chuyện quá dễ dàng / Cả con bò, con dê cũng đi trên Trung Lộ / Những gì em nói với tôi hôm đó / Em đã nói với nhiều người... Tôi khóc niềm tin yêu nát tan / Tôi khóc ngai vàng mộng tưởng / Tôi khóc Trăng Hoàng Cung bị lấm bùn / Tôi khóc không biết lấy gì để gột sạch trăng... Thực ra Phùng Quán cũng chỉ mượn cớ ghen tuông để nói lên một sự thật quá phũ phàng mà anh từng nếm trải. Nghe Phùng Quán đọc những vần thơ đau đớn và chua chát ấy, Hà Khánh Linh nổi giận. Biết thế là hết, Phùng Quán đành ngậm ngùi chia tay với mối tình “tuyệt vọng”, chia tay với Huế, để lại mười ba bài thơ mà anh đã “viết bằng máu chiết ra từ trái tim mình”.
Khi mọi chuyện đã qua, khi Hà Khánh Linh đã bình tâm trở lại, vốn là nhà văn nên hơn ai hết chị hiểu Phùng Quán chỉ mượn chị để nói những trải nghiệm, những điều gan ruột chất chứa trong lòng nhà thơ bấy lâu nay. Vì thế, chị không còn trách giận anh nữa. Nghe tin chị ra Hà Nội, vợ chồng Phùng Quán tìm đến thăm chị và chị cũng nhận lời mời về thăm gia đình vợ chồng Phùng Quán. Tình cảm của chị đối với Phùng Quán thể hiện rõ nhất qua bài thơ “Hoang tưởng” (chị viết khi nhà thơ qua đời không lâu) : Cuộc chơi / Có lúc phai tàn / Trăng thu vàng úa / Trên sân đại triều / Bài thơ xưng tụng tình yêu / Tạc vào vách / Dựng phù điêu / Mây trời / Hoàng Cung lạnh buốt / Anh ơi / Dấu xưa rêu phủ / Nghẹn lời / Tình trăng...
Tập hồi ký “Phùng Quán viết Trăng Hoàng Cung” không chỉ giúp bạn đọc biết một cách cụ thể, chi tiết hoàn cảnh sáng tác của từng bài thơ mà còn giúp bạn đọc biết được công phu lao động nghệ thuật của nhà thơ. Những ghi chú của Hà Khánh Linh trong tập hồi ký là bằng chứng về sự cân nhắc, lựa chọn, sửa chữa hết sức cẩn thận của nhà thơ Phùng Quán khi đưa những bài thơ tặng người đẹp vào tiểu thuyết tình mười ba chương “Trăng Hoàng Cung”. Chẳng hạn câu: Số chữ anh đã viết / Nếu sắp thành hàng / Có thể kín một vòng sông Hương, tác giả chữa thành: Có thể phủ kín một cồn Giã Viên, nghe hợp lý hơn. Câu: Vàng nén thơ / Anh đem làm đá lát đường / Cho những bàn chân đẹp, tác giả đổi thành cho những bàn chân lao lực đúng với thơ Phùng Quán hơn. Câu: Dù hoả táng / Dù chôn xuống đất / Trái tim dập nát của tôi / Vẫn thắm một mối tình, tác giả thêm vào: Dù hoả táng / Dù chôn chín tầng đất / Trái tim dập nát của tôi / Vẫn thắm một khối tình, thì mức độ tin tưởng tăng lên gấp bội...
Ý kiến bạn đọc