Multimedia Đọc Báo in

Những xúc cảm tuổi học trò qua “Mùa hạ chia xa” của Trương Nam Hương

09:51, 29/08/2011
Mùa hạ chờ em đấy biết không
Tiếng ve khản cổ hát lời mong
Đang trưa mây nõn trôi ngang phố
Giấu một cơn mưa tận đáy lòng
Vẫn chắc mùa qua mùa trở lại
Thương ơi, biết lá có xanh về
Thương ơi năm tháng em thơ dại
Hoa phượng buồn chi mắt đỏ hoe
Bè bạn ngồi quanh những tán cây
Cổng trường chưa khép đợi chia tay
Từng trang lưu bút trao nhau viết
Giọt mực nhòe lem nắng cuối ngày
Đứa cuối đường xa vẫn ngoái trông
Tuổi em mùa hạ thắt nơ hồng
Đứa dừng chân bước đưa tay vuốt
Xem giọt mưa nào vướng mắt không.

Tôi đã từng đọc không ít bài thơ hay viết về những cuộc chia tay tuổi học trò của nhiều thi sĩ. Nhưng không hiểu sao cứ mỗi độ phượng nở, hè sang tôi vẫn cứ muốn đọc lại bài thơ “Mùa hạ chia xa” của Trương Nam Hương.

Đọc bài thơ không biết bao lần, thế mà lạ thay, cứ mỗi lần đọc lại bắt gặp sự đồng cảm để ngân rung những sợi tơ lòng mà phải chăng ngọn nguồn cảm xúc của sự đồng cảm ấy lại chính là “tiếng lòng” và nỗi buồn chia ly ở hạ cuối tuổi học trò.

“ Mùa hạ chờ em đấy biết không
Tiếng ve khản cổ hát lời mong”

Câu mở đầu bài thơ như là lời nhắc nhở, thông báo cho cô bé nữ sinh về cuộc chia tay sắp xảy ra. Với cô bé đây là mùa hạ đặt dấu chấm hết tuổi học trò hồn nhiên của mình, làm sao mà không buồn cho được? Vì thế nỗi buồn từ cõi lòng nhuốm lên cảnh vật. Tiếng ve đã “khản cổ hát lời mong”. Cả  đến những đám mây vô tri vô giác lững lờ kia cũng dường như mang tâm trạng đang ghìm nén đến tận đáy lòng  để “giấu một cơn mưa”. Chỉ bốn câu thơ đầu tiên đã phác họa nên bức tranh mùa hạ có đủ sắc màu, cảnh vật, âm thanh mang đặc trưng rất riêng: ồn ào mà lắng sâu, thổn thức mà man mác… đã nói hộ tâm trạng của cô bé nữ sinh trước mùa hạ cuối chia tay.

Con tạo xoay vần, mùa hạ qua để rồi mùa trở lại, nhưng đoàn tàu thời gian mang đời người trong đó ra đi có bao giờ trở lại? Bởi thế hạ này có ai đó thấy chơi vơi man mác buồn thương  cho “ năm tháng em thơ dại” đầy hồn nhiên một đi không trở lại của mình? Nỗi buồn đó biểu hiện không ở đâu khác ngoài “cửa sổ tâm hồn” - buồn vương lên khóe mắt “Hoa phượng buồn chi mắt đỏ hoe”. Cái màu đỏ rực như thắp lửa trời ta vẫn thường gặp ấy sao hôm nay đẹp và lạ thế! Phải chăng có được vẻ đẹp khác thường đó bởi phượng trong bài thơ cũng mang tâm trạng đã được tác giả nhân cách hóa một cách tài tình. Cũng như “ tiếng ve khản cổ”, phượng trong bài thơ cũng chứa chan đồng cảm với ai đang “đợi chia tay”.

“Bè bạn ngồi quanh những tán cây
Cổng trường chưa khép đợi chia tay
Từng trang lưu bút trao nhau viết
Giọt mực nhòe lem nắng cuối ngày”

 Cái thời học sinh ngắn ngủi làm sao, khiến ta không kịp cảm nhận nó để rồi bây giờ khi sắp đi qua mới thấm thía hiểu và nuối tiếc nó.

Dưới những tán cây trong sân trường, tay trong tay trao nhau những dòng lưu bút được viết một cách hối hả vội vàng bởi chỉ còn khoảnh khắc nữa thôi cánh cổng trường quá quen thuộc kia sẽ khép lại và thế là… hết tuổi học trò!

Ở cái giây phút chia xa ấy, lòng người dễ rối lên và ở lứa tuổi “dễ thương” đó, con người ta dễ buồn và cũng mau hết buồn bởi họ còn đằng trước cả một khoảng trời mơ ước.

“Đứa cuối đường xa vẫn ngoái trông
Tuổi em mùa hạ thắt nơ hồng”

Tuổi học trò đẹp là thế, hồn nhiên là thế mà lẽ nào xa nó một cách dễ dàng được. Vì là tiếng vọng của con tim nên dù em có niềm vui vì “ tuổi em mùa hạ thắt nơ hồng” thì cũng chỉ là một cách nói để làm nhẹ bớt nỗi buồn chia xa mãi mà thôi. Vì thế em vẫn:

“…. dừng chân bước đưa tay vuốt
Xem giọt mưa nào vướng mắt không”

Câu kết của bài thơ thật hay, mưa hay nước mắt? mưa của đất trời hay mưa của lòng người? Thế là trượt qua mãi, chuyến tàu của đời người không sao trở lại cái ga ban đầu – cái ga của tuổi học trò.
Qua bài thơ, Trương Nam Hương đã cho ta những giây phút đắm mình trong cảm xúc buổi đầu chia ly học trò. Mỗi chúng ta dường như đã nhận ra tâm tình của mình trong bài thơ với tất cả những gì mà ta chưa hoặc không thể viết ra được.

Nguyễn Văn Thanh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.