Multimedia Đọc Báo in

Chuyện ít biết về bài hát “Ba Đình nắng”

10:21, 01/09/2011

Bài hát “Ba Đình nắng” (nhạc: Bùi Công Kỳ, thơ: Vũ Hoàng Địch) ngay từ khi ra đời (1948) đã khẳng định chỗ đứng trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Giai điệu, lời ca của bài hát khiến cho người nghe có cảm giác như mình đang được chứng kiến sự kiện lịch sử 2-9-1945 tại vườn hoa Ba Đình - Hà Nội. Nửa triệu người chăm chú lắng nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Đang đọc Bác dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Câu nói mộc mạc chan chứa tình thương của Bác làm ai nấy cũng đều dâng trào cảm xúc, là tình cảm của người Cha già dân tộc nói với đàn con mới thoát khỏi gông xiềng nô lệ.

Nhà thơ Vũ Hoàng Địch (em ruột nhà thơ Vũ Hoàng Chương) là một Người trong biển người Hà Nội chứng kiến sự kiện lịch sử ấy, đã hẹn với lòng mình bằng thể loại nào đó cũng phải ghi lại cho được cái không khí hào hùng sáng chói muôn đời ấy. Nhưng rồi, nhà thơ chưa thực hiện được ý nguyện của mình thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Nhà thơ Vũ Hoàng Địch cũng như nhiều thanh niên trí thức khác tạm biệt Hà Nội đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên Việt Bắc lao mình vào cuộc kháng chiến đầy gian khổ để giành độc lập, thống nhất của dân tộc.

Giáo sư Vũ Hoàng Địch (bìa phải) - tác giả bài thơ "Ba Đình nắng" chụp ảnh cùng Hoàng Văn Dzư.
Giáo sư Vũ Hoàng Địch (bìa phải) - tác giả bài thơ "Ba Đình nắng" chụp ảnh cùng Hoàng Văn Dzư.
Năm 1947, Vũ Hoàng Địch công tác tại Ty Thông tin tỉnh Phú Thọ. Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám (19-8) và Quốc khánh (2-9), đồng chí Trưởng ty thân mật vỗ vai Vũ Hoàng Địch, nói: “Ông xem có sáng tác thêm một bài thơ góp vào liên hoan kỷ niệm năm nay được không?”. Lời đề nghị như một chất xúc tác làm bùng cháy lên bao nhiêu ấp ủ bấy lâu nay trong lòng Hoàng Vũ Địch. Thế là một mạch thơ đã ra đời. “Gió vút lên! Ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới/ Gió vút lên! Đây bao nguồn sống mới dạt dào/ Tôi về đây, lắng nghe trong tiếng gọi/ của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao/ Tôi về đây trong nắng nhớ thu nào/ Sao vàng mọc muôn sao vàng tung cánh”. Cứ thế, lời thơ tuôn ra.

Viết xong bài thơ, Vũ Hoàng Địch đọc cho mọi người nghe, ai cũng đều vỗ tay khen ngợi. Trong những người nghe có nhạc sĩ Bùi Công Kỳ. Như có một sức mạnh trào dâng, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ kêu lên: “Để tôi phổ nhạc bài thơ này!” và ông đã phổ nhạc một mạch xong bài thơ của Vũ Hoàng Địch. Bài hát “Ba Đình nắng” ra đời từ đó. Khi bài hát được phát sóng, lập tức được công chúng cả đất nước hưởng ứng nhiệt liệt và hát mê say. Cho đến tận bây giờ, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, mỗi khi bài hát cất lên đều làm xao xuyến lòng người.

Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ tâm sự: “Viết “Ba Đình nắng” tôi thật sự rung động. Bất cứ một văn nghệ sĩ nào, khi thật sự rung động là có thể cảm thấy tác phẩm sẽ có hồn, có sức sống, có thể “đứng” được. Bài hát này, tôi phổ thơ của nhà thơ Vũ Hoàng Địch. Bài thơ đã tạo ý và giai điệu cho nhạc. Ngược lại, nhạc đã “rước” thơ lên”.

Với hình thức tráng ca, “Ba Đình nắng” có nhiều đoạn như lời hịch chống ngoại xâm. Nhạc sĩ đã dùng nhiều tiết tấu khác nhau để tả nhiều trạng thái tình cảm, đặc biệt đưa lời nói lịch sử của Bác Hồ trong buổi lễ trọng thể đọc Tuyên ngôn Độc lập “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” với nét nhạc nhuần nhị, không khiên cưỡng mà tạo được sự tha thiết và xúc cảm cho người nghe. Nét chung nổi bật là bài hát đã gợi lại cái không khí hào hùng và xúc động của cả dân tộc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, gieo cho người nghe những ấn tượng không bao giờ phai nhạt.

Phạm Thành Nghi (st-bs)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.