Nhạc sĩ Nguyễn Cường và “cái duyên” với Tây Nguyên
Nguyễn Cường được biết đến như một “nhạc sĩ Tây Nguyên” qua nhiều ca khúc: Ly cà phê Ban Mê, Ơi M’Drak!… Lần này, ông trở lại Dak Lak để giới thiệu sáng tác mới dành riêng tặng nhân dân Cư Kuin nhân kỷ niệm 4 năm thành lập huyện. Chia sẻ cảm xúc của chuyến đi này, PV Báo Dak Lak đã có cuộc trò chuyện với ông
*Thưa nhạc sĩ, được biết ông đến Dak Lak lần này là để ra mắt tác phẩm mới viết về huyện Cư Kuin, ông có thể cho biết đôi điều về tác phẩm?
Chỉ riêng hai chữ Cư Kuin đã vang lên trong tôi một giai điệu nào đó rồi. Trong ca khúc “Bay lên Chư Kuin”, tôi muốn nhắc đến một khát vọng bay cao, vươn xa của một huyện trẻ được giới thiệu ở đây, nhân chuyến tôi vào công tác hồi tháng 5 năm 2011. Đó là sự kết hợp giữa chất liệu dân ca mang đậm nét văn hóa của người Êđê và điệu ví dặm Nghệ - Tĩnh. (Ở Cư Kuin, ngoài dân tộc bản địa thì người Nghệ An - Hà Tĩnh chiếm số đông – PV). Điều làm tôi hài lòng nhất là hai chất liệu này tưởng chừng như trái ngược nhau, nhưng lại có thể cùng “đứng chân” trong một tác phẩm, tạo nên một giai điệu vừa mượt mà, tâm tình, vừa rộn rã chất rock mang đậm âm hưởng Tây Nguyên hùng tráng. Theo đó, trong “Bay lên Chư Kuin” cũng không thể thiếu những địa danh quen thuộc của địa phương như: Cư Êwi, Ea Bông, Ea Ktur và câu chuyện huyền thoại gắn với thầy giáo Y Jut - người con ưu tú sinh ra ở mảnh đất Krông Ana (nay thuộc huyện Cư Kuin), có công đầu trong việc đặt nền móng cho bộ chữ Êđê ngày nay. Đây được coi là một món quà tinh thần, tâm huyết mà tôi dành tặng nhân dân huyện Cư Kuin.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Tôi gắn với Tây Nguyên như một cái duyên, một định mệnh... |
*Nhạc sĩ là người có nhiều ca khúc nổi tiếng về Tây Nguyên. Vậy, tính định lượng, những tác phẩm của ông về vùng đất này chiếm bao nhiêu phần trăm trong sáng tác của mình?
Tôi sáng tác rất nhiều nhưng tính đến nay, khoảng ¾ trong tổng số đó viết về Tây Nguyên. Và với riêng Giải thưởng Nhà nước chuyên ngành âm nhạc - một vinh hạnh lớn trong cuộc đời sáng tác của tôi - trong số 5 tác phẩm thì đã có đến 3 sáng tác viết cho vùng đất này rồi. Quả thật, Tây Nguyên nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng đã cho tôi rất nhiều. Mỗi lần đến mỗi lần đi, cảm xúc lại về và ca khúc mới lại ra đời. Dak Lak đã đổ đầy khoảng trống trong tâm hồn tôi!
*Thưa nhạc sĩ, điều gì khiến một người gốc Hà Nội như ông lại gắn bó với Tây Nguyên nhiều đến vậy?
Tôi gắn bó với Tây Nguyên như một cái duyên, một định mệnh. Năm nào tôi cũng dành thời gian để về với mảnh đất này cho thỏa nỗi nhớ. Với tôi, Tây Nguyên có những điều mà những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh không có được. Như tôi đã từng chia sẻ trong tác phẩm “Bay lên Chư Kuin”: Tôi có thể “Nghe được cái gió, ngó được cái trăng…”. Và cũng chính lần đi thực tế sáng tác bài hát này đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng mà tôi không sao quên được. Đó là lần khi đến xã Cư Êwi, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà sàn, cất tiếng gọi mãi mà không thấy ai, lúc sau mới có một cô gái Êđê chừng 16, 17 tuổi bước ra cúi chào. Không cần biết chúng tôi là ai, cô bé lặng lẽ ra vườn hái một quả đu đủ chín, xẻ mời khách, ăn xong, mới hỏi thăm chúng tôi là ai? Đến đây có việc gì? Tôi nghĩ đó là phong tục đẹp, sự hồn hậu, niềm hiếu khách của con người nơi đây thật đáng yêu. Phải chăng điều kỳ diệu đó làm tôi thêm yêu, thêm quý vùng đất này! Trời-mây, gió- nắng, núi- rừng và tâm hồn khoáng đạt nơi đây như là “bùa ngải” mê hoặc tôi! Còn nhớ một lần khác, tôi cùng một anh bạn đồng nghiệp có chuyến lên Buôn Ma Thuột, khi vừa bước xuống sân bay, một luồng không khí mới tràn tới, tôi thấy mình đầy ắp năng lượng và tươi vui hẳn lên. Tôi khẽ hỏi anh bạn đi cùng; “Anh có nghe thấy gì không?”. Người bạn tỉnh queo: “Không”. “Nhưng tôi, tôi ngửi được cái mùi rất lạ. Hình như đó là mùi nắng và gió”. Tôi đã “phải lòng” Tây Nguyên mất rồi! (cười!). Nếu không có gì thay đổi, sau này, cứ mỗi 1 năm, tôi sẽ cố gắng viết ca khúc về 1 đến 2 huyện của Dak Lak để làm bộ “sưu tập” về huyện của Dak Lak. Đó là một ước nguyện lớn của tôi.
Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc