Thanh Tịnh và những vần thơ còn mãi
“Rồi một hôm nếu cha về hỏi/ Mẹ ở đâu con biết nói sao?/ - Con hãy bảo trông cha mòn mỏi/ Mẹ từ trần sau mấy tháng đau/ - Nếu cha hỏi sao nhà vắng vẻ/ Mẹ khuyên con hãy trả lời sao? - Con hãy chỉ bình hương khói rẽ/ Và trên giường chỉ đĩa dầu hao/ - Nếu cha hỏi cặp đào trước ngõ/ Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng?/ - Con hãy chỉ một cây đào nhỏ/ Bên cây tùng rồi đứng lặng im/ - Còn mồ mẹ nếu cha muốn biết/ Phải hướng nào con nói cùng cha?/ - Con lặng chỉ bầu trời xanh biếc/ Và bầu trời chỉ nội cỏ xa xa...” (Rồi một hôm). Tôi từng đọc đi đọc lại những vần thơ này của nhà thơ Thanh Tịnh. Đọc đến say mê và vô cùng thích thú.
Và thế là những lúc nỗi lòng trĩu nặng, tôi vẫn hay tìm đến với thơ Thanh Tịnh. Trong mơ màng tôi cứ nhởn nhơ : “Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ/ Tìm thử chân mây khói tỏa mờ/ Có bóng tình quân muôn dặm ruỗi/ Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ/.../ Này lặng em ơi , lặng lặng nhìn/- Phải chăng mình ngựa sắc hồng in/ Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống/ - Chị sợ trong sương bóng ngựa chìm/ Ngựa hồng đã đến bên hiên/ Chị ơi trên ngựa chiếc yên ... vắng người ! (Mòn mỏi). Những vần thơ chữ nghĩa thật nhuần nhuyễn, ý tứ thật nhất quán khiến mạch cảm xúc rất tập trung. Đọc thơ, ta thấy văng vẳng đâu đó một giai điệu buồn xa vắng. Với tôi, thơ đi vào cõi lòng mình là thơ hay, thế thôi. Và thơ Thanh Tịnh là những vần thơ như vậy.
Sống tiếp với những vần thơ của ông, đến với thơ ông, ta thấy ông là một nhà thơ khá đặc biệt. Thanh Tịnh có hơn ba mươi năm phục vụ cách mạng và cũng chừng ấy tháng năm ông xa nhà, xa Huế. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông không kịp về thăm Huế. Sống giữa lòng Hà Nội bao năm mà nhà thơ vẫn mang Huế theo mình với những ký ức không phai mờ về sông Hương, núi Ngự. Nhớ Huế, ông gửi sợi tơ lòng mình vào đó: “Mười một năm trời mang Huế theo/ Đường cao nắng tắt, bóng cheo leo/ Giọng hò mái đẩy vờn mây núi/ Man mác sông Hương lướt đỉnh đèo” (Nhớ Huế quê tôi). Nhà thơ luôn dành cho Huế những tiếng nói sâu xa của cõi lòng; nó đọng lại và ngự trị trong trái tim của nhà thơ: “Có người bảo Huế xa, xa lắm/ Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng”. Khi đất nước thống nhất, nhà thơ được trở về quê hương. Qua những miền đất vừa lạ, vừa quen, gặp lại những người bạn cũ lòng nhà thơ dạt dào cảm xúc: “Người cũ đây rồi bạn cũ đây/ Cầm tay lại nói chuyện chia tay/ Ba mươi năm chẵn xa lâu nhỉ/ Mà tưởng cách nhau có mấy ngày”… Quả thật là: “Ba mươi năm tiếp bước qua nhanh/ Trăng đọng hương quê nặng trĩu cành/ Tóc rẽ thời gian đầu chớm bạc/ Mà trời thu cũ vẫn còn xanh”. Con người nhà thơ là vậy. Rất giàu cảm xúc, đầy tâm trạng. Trong những ngày tháng Chạp năm 1972, một người bạn già ở phố Khâm Thiên hẹn Thanh Tịnh đến chơi, nhưng khi nhà thơ đến thì người bạn già đã ra đi sau sự cày xới của bom B.52. Nhà thơ đau đớn bàng hoàng thốt nên những vần thơ nấc nghẹn: “Một sáng mùa đông anh hẹn tôi/Trưa ngày 27 đến anh chơi/ Gác nhìn ngõ chợ Khâm Thiên ấy/ Nhà cạnh hàng cây cổ mấy đời/ …/ Tôi đến thăm anh trước nửa ngày/ Đâu nhà? Đâu gác? Đâu hàng cây?/ Giữa chồng gạch vụn anh nằm đó/ Tóc bạc nhuộm hồng gió hây bay”…
Ngoài phần thơ trữ tình, Thanh Tịnh còn viết truyện thơ “Đi từ giữa một mùa sen” thuật lại quãng đời niên thiếu của Bác Hồ. Truyện thơ mang đến cho người đọc những chi tiết mới về hoàn cảnh sống của Bác Hồ vào những năm cuối thế kỷ 19. Qua hình tượng Bác Hồ thuở nhỏ, nhà thơ đã chọn lọc những chi tiết xúc động thể hiện quan hệ tình cảm giữa Bác Hồ với gia đình, làng xóm, quê hương. Những câu thơ lục bát trong truyện thơ vừa nhuần nhụy, man mác, bâng khuâng, vừa ước lệ, cổ kính, phảng phất một phong vị Việt Nam cổ truyền mà ta thường bắt gặp trong các truyện Nôm xưa: “Có lời thấp thoáng mưa ngâu/ Mênh mông cỏ nội sạm màu gió sương/ Có câu ngoắt nghéo dặm trường/ Chênh vênh bờ núi nhớ thương bến làng/ Có lời đằm nước sông Lam/ Thuyền rung dìu dặt tơ đàn sông Hương/ Có câu xa vắng Tiền Đường/ Sóng còn vỗ thảm gieo thương bên lòng” … Ngoài ra, nhà thơ Thanh Tịnh còn để lại những vần ca dao đầy dấu ấn của mình. Những vần ca dao viết cho nhân dân, động viên nhân dân đề cao tinh thần cảnh giác với kẻ thù và đồng thời ngợi ca sức mạnh của quần chúng công-nông-binh. Và quả thực, nhà thơ đã rất hạnh phúc khi được nghe những vần ca dao của mình vang trong đêm trăng chống hạn: “Trông trời, trông đất, trông mây/ Không bằng trông ở sức tay của mình”; hay được viết trên những tấm bia như những câu khẩu hiệu có vần: “Đừng để ao cá vắng tăm/ Chuồng gà vắng trứng, buồng tằm vắng tơ”… Nhiều thế hệ người Việt đã từng sống và chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm của dân tộc đã từng thuộc nằm lòng những vần ca dao như thế của nhà thơ: “Mồ hôi mà đổ xuống đồng/ Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương/ Mồ hôi mà đổ xuống vườn/ Cây lên xanh tốt vấn vương tơ tằm”.
Nhà thơ Thanh Tịnh là vậy đó. Suốt cả cuộc đời mình, ông vẫn luôn khiêm nhường ao ước có một điều bình dị: “Ước gì để lại mùa sau/ Một câu một chữ đậm màu dân gian”. Những điều ao ước đó của ông đã là hiện thực. Không phải là một chữ, một câu mà là cả một kho tàng thơ văn mà nhà thơ đã để lại cho đời!
Nguyễn Thị Thọ
------------
TLTK : Tập “Phê bình, bình luận văn học”-NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh-1999. Giai thoại văn học-NXB Văn hóa dân tộc-HN, 2000.
Ý kiến bạn đọc