Multimedia Đọc Báo in

Đinh Khánh An (TP. Buôn Ma Thuột): Đoạt giải Nhất cuộc thi “Cảm thức ảnh”

11:17, 18/01/2012

Đây là cuộc thi dành cho đối tượng học sinh, sinh viên trong cả nước tham dự, do Báo Sinh viên Việt Nam tổ chức. “Cảm thức ảnh”: Từ một bức ảnh cụ thể trong album gia đình, bè bạn, hoặc từ các bức ảnh đăng trên báo chí mà ta tình cờ được xem, nhưng đã làm cho trái tim ta rung động về vẻ đẹp của quê hương, đất nước, hoặc làm ta xót thương, cảm phục, trân trọng về con người, về những tình cảm cao đẹp trong cuộc sống… Và những rung động đó được thể hiện trong một bài viết ngắn, gọn. Đấy cũng là  ý nghĩa rất nhân văn sâu sắc của cuộc thi. Mặc dù thời gian phát động ngắn, chỉ từ tháng 7-2011 đến hết 12-2011, nhưng ban tổ chức đã nhận được 5.000 bài viết của bạn trẻ ở khắp các tỉnh thành trong cả nước tham gia.

Với bài viết “Hãy biết ơn cuộc sống”, em Đinh Khánh An, ở 58 Trần Cao Vân, TP. Buôn Ma Thuột đã xuất sắc giành giải nhất, với giải thưởng 5 triệu đồng. Từ bức ảnh “Kền kền chờ đợi”, phản ánh nạn đói ở Sudan năm 1993, do nhà báo Kevin Carter người Nam Phi chụp đăng trên tờ New York Times (Mỹ) năm 1994, sau đó được tặng giải báo chí quốc tế Pulitzer mà hầu hết chúng ta đã từng biết và từng xúc động, Đinh Khánh An đã có một bài viết rất “đặc biệt”.

 Kền kền chờ đợi
Kền kền chờ đợi

Không viết về nỗi thương xót thông thường về phận người, như bao người khác từng thương xót mà ngòi bút của Đinh Khánh An đã vươn tới một tầm kích cao hơn của bản lĩnh sống, của sự nhân văn… Bài viết của em thực sự là một lời tâm tình bổ ích, rất có ý nghĩa không chỉ với đối tượng là học sinh, sinh viên mà cả với chúng ta…

Hãy biết ơn cuộc sống

Bạn đã bao giờ xem bức ảnh này?

Bức ảnh được chụp bởi Kevin Carter – phóng viên ảnh người Nam Phi, với thực tế là nạn đói ở Sudan năm 1993, được đăng đầu tiên trên tờ New York Times số ra ngày 26.3 cùng năm. Vào ngày 2.4.1994 Kevin đã giành giải thưởng cao quý nhất trong giới nhiếp ảnh – giải Pulitzer cho “Kền kền chờ đợi” – tên của bức ảnh.

Thế nhưng Kevin lại tự kết thúc cuộc đời mình ở độ tuổi sung mãn nhất – 33 tuổi. Anh bị ám ảnh bởi nỗi thống khổ mà con người phải chịu đựng, và cả áp lực của dư luận về việc số phận bé gái trong ảnh bị bỏ mặc. Phản hồi của độc giả trên những trang báo mạng đa số là: Kinh hoàng, xót xa, phẫn nộ… Tôi cũng có cùng những xúc cảm như họ, nhưng đọng lại trong tôi còn có những điều khác.

Tuổi trẻ, ai chẳng có đôi ba lần so sánh mình với thiên hạ: Bạn A xài iPhone4 trong khi mình phải trung thành với “cục gạch di động”, cô B đi Vespa kinh coong còn mình phải ngồi xe Cub, chị C có khuôn mặt trái xoan trong khi mặt mình như bánh bèo, cô D, chú E thế này trong khi mình thế nọ… Đôi khi bạn lại dằn vặt bản thân vì “Tôi không có một bà mẹ tâm lý”, “Tôi không có một ông bố hoàn hảo”, hay “Bạn bè không ai hiểu tôi hết”… Để từ đó thốt lên rằng “Cuộc đời này thật chẳng công bằng với tôi”.

Nếu cuộc đời không công bằng với bạn, vậy ai sẽ đòi lại công bằng cho bé gái trong ảnh? Tôi tin rằng với cô bé, hạnh phúc có thể chỉ gói gọn trong hai chữ “được sống”! Được sống như một con – người – thực – sự! Bởi bấy lâu nay người ta chỉ nhắc tới kền kền chờ xác chết động vật, đâu ai ngờ trong hoàn cảnh tàn nhẫn này, con người lại là mục tiêu của chúng… Nếu đem số phận của bé gái trong ảnh và số phận của chúng ta đặt lên bàn cân, thì chắc chắn những người được coi là bình thường nhất trong xã hội ngày nay cũng có thể được coi là ông chúa, bà hoàng… Có thể bạn không được ăn ngon, nhưng bạn không lo chết đói. Có thể bạn không mặc đẹp, nhưng bạn được mặc đủ. Có thể cha mẹ bạn không hoàn hảo, nhưng họ chưa bao giờ để bạn rơi vào hoàn cảnh “kền kền chờ đợi” cả… Bạn được sống và còn sống là còn hy vọng!

Vậy nên, nếu bạn đang có ý định than thở về đôi mắt một mí, đôi chân không dài, hay một gia đình khuyết, một biến cố cản đường bạn… thì hãy lạc quan lên bạn nhé! Bởi dù sao đi nữa cuộc sống đã ưu đãi cho ta rất nhiều, phải không bạn?     

 Đinh Khánh An

Đặng Bá Tiến (giới thiệu)
 


Ý kiến bạn đọc