Multimedia Đọc Báo in

NGƯỜI NGHỆ SĨ CỦA VÙNG SÂU

16:18, 22/01/2012

Từ Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) lưu lạc lên Dak Lak năm 1994, vào tận xã Cư Đrăm (Krông Bông), cách TP. Buôn Ma Thuột trên 100 km,  phải làm nhiều nghề để kiếm sống, mãi đến năm 2007, Dương Thanh Khôi mới đến với nhiếp ảnh nghệ thuật. Vậy mà chỉ một năm sau, anh đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (2008) và đến năm 2009 trở thành nghệ sĩ của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (A.FIAP)…

Con đường đến với nhiếp ảnh nghệ thuật của Dương Thanh Khôi rất tình cờ. Chụp ảnh dịch vụ kiếm sống, hằng tuần phải chạy cả trăm cây số từ xã vùng sâu vùng xa Cư Đrăm ra TP. Buôn Ma Thuột để làm ảnh, tình cờ được gặp một số nghệ sĩ nhiếp ảnh như Bảo Hưng, Phạm Huỳnh, Hương Vượng, Đào Thọ…ngồi trong quán cà phê đàm đạo về nhiếp ảnh nghệ thuật, Dương Thanh Khôi nghe thấy thích liền “xin nhập bàn” để “hóng hớt”. Nghe nhiều lần thì thấy mê, muốn “chơi”. Được các đàn anh giúp đỡ tận tình, cộng với sự thông minh vốn có, nên chỉ sau một năm chơi ảnh nghệ thuật, năm 2008 Dương Thanh Khôi đã đoạt gần chục giải thưởng nhiếp ảnh trong, ngoài nước và được kết nạp hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; và năm sau (2009) được phong tước hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (A.FIAP). Tính đến nay, sau bốn năm hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật, Dương Thanh Khôi đã có 150 lượt tác phẩm được triển lãm, trong đó có 40 lượt tác phẩm được trao các giải vàng, bạc, đồng, hoặc nhất, nhì, ba, bằng danh dự… trong các cuộc thi và triển lãm ảnh trong và ngoài nước.

Nghệ sĩ Dương Thanh Khôi
Nghệ sĩ Dương Thanh Khôi

Đấy là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của Dương Thanh Khôi mà còn của người dân Krông Bông, vùng sâu, vùng xa Tây Nguyên. Bởi những hình ảnh của quê hương xứ sở, những gương mặt yêu quý thân thuộc của bà con mình, những sinh hoạt đời thường được Dương Thanh Khôi đưa vào tác phẩm đã đến được với không chỉ đồng chí, đồng bào trong nước mà cả bạn bè quốc tế ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Áo, Úc, Singapore, Hong Kong, Ma Cao… Nét nổi bật trong tác phẩm của Dương Thanh Khôi là hình ảnh những người mẹ, những người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa được phản ánh một cách sâu đậm với tất cả tình cảm trân trọng, yêu thương. Đây cũng là điều tất nhiên và là thế mạnh của anh bởi anh đã có gần 17 năm sống giữa buôn làng. Anh hiểu đồng bào không chỉ là những tập quán thông thường mà hiểu sâu tâm tư tình cảm, nét độc đáo trong đời sống văn hóa tinh thần, biết rõ nhà nào có mái tranh mỗi sáng lại ấm nồng khói bếp, nơi nào có ngọn dốc đầy lau trắng, các cô gái Êđê, M’nông đi gùi nước leo dốc, hình bóng  rực rỡ và lãng mạn trước mặt trời mỗi ban mai, biết rõ nơi nào, mùa nào sẽ có lễ hội, lễ cúng… Nhờ vậy mà anh chọn đúng thời điểm và khoảnh khắc bấm máy để có những bức ảnh đẹp, mang được hồn cốt của quê hương, xứ sở. Từ những bức ảnh đầu tiên anh chụp một bà mẹ M’nông già nhưng khỏe khoắn đứng chống gậy bên cầu thang có đôi bầu vú tượng trưng cho chế độ mẫu hệ của căn nhà dài truyền thống, đến bức ảnh cậu bé M’nông với cặp mắt mở to đầy trong sáng, hồn nhiên đang thập thò nhìn khách lạ qua bức vách… đều thể hiện thế mạnh và tình cảm của anh với mảnh đất, con người nơi anh đang sinh sống.

Vượt lũ

Dương Thanh Khôi cũng là người khá tinh nhạy trong sáng tạo. Nói đến Dương Thanh Khôi, hầu hết giới nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam đều biết đến bức ảnh “Vượt lũ” của anh chụp cảnh người mẹ với đứa con trên lưng, đứa con bên nách, một nách khác là nồi niêu xoong chảo, sau lưng là một con chó đang ngoi ngóp trên mặt nước theo chủ, sau con chó là một đứa con nữa với cặp sách nặng trĩu đang vượt qua cơn lũ mênh mông, khi nước đã dâng lên nửa vách nhà và mưa vẫn đang xối xả. Bức ảnh không chỉ phản ảnh nỗi khổ của người dân vùng lũ mà còn phản ánh tình mẫu tử sâu sắc, vai trò to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong chăm lo, bảo đảm cho cuộc sống và hạnh phúc của mỗi gia đình… Bức ảnh được nhiều người trong giới nhiếp ảnh nhận xét là có tính nhân văn sâu sắc, mang một thông điệp lớn về người phụ nữ Việt Nam và vì thế đã được trao huy chương vàng, bạc, đồng ở Hàn Quốc, Singapore, Ma Cao và một số nước khác. Đây cũng  là bức ảnh có bố cục chặt, không thừa chi tiết, tông ảnh chuẩn, sử dụng kỹ thuật photoshop vừa phải, hợp lý.

Trong sương sớm
Trong sương sớm

Dù ở vùng sâu vùng xa nhưng hầu như tuần nào Dương Thanh Khôi cũng có mặt ở Buôn Ma Thuột. Đi, về tới 200 cây số, Dương Thanh Khôi vẫn không nản, anh lên Buôn Ma Thuột nhiều khi chỉ để gặp gỡ anh em nghệ sĩ khác trao đổi, tâm tình về những bức ảnh mới, về tình hình nhiếp ảnh trong và ngoài nước, về những cuộc thi ảnh sắp tổ chức… Đây cũng là một cách để Dương Thanh Khôi được sống trong không khí nghệ thuật, qua đó nuôi cảm hứng sáng tác, đồng thời cập nhật những thông tin mới nhất về nhiếp ảnh. Hẳn đây cũng là một cách để Dương Thanh Khôi học tập và không ngừng tiến bộ.

Đặng Bá Tiến
 


Ý kiến bạn đọc