“Cát và pha lê” – cái nhìn bằng thơ về kẻ cơ hội
Trên báo “Nhân Dân” số ra ngày 20-3-2011 có đăng bài thơ “Cát và pha lê” của tác giả Phan Huy.
Cát và pha lê Nơi hoang mạc chung tình với cát Nhà sáng tác Đà Lạt 6-11-2008 Phan Huy |
Sau khi đọc và suy ngẫm, chắc rằng bạn đọc và tôi đều có chung cảm nhận: bài thơ không phải nói về chuyện “Cát và pha lê” mà nói về số phận một con người. Điều này phù hợp với bản chất của thơ nói riêng, của văn học nói chung: văn học là nhân học… Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra: nhân vật trữ tình trong bài thơ này là loại người nào? Câu trả lời tùy thuộc vào sự thẩm định “nhân tình thế thái” của từng người. Phần tôi, mạn phép bạn đọc, trộm nghĩ: Phải chăng đó là hình bóng số phận của kẻ cơ hội, hãnh tiến và lời nhắc nhủ của nhà thơ?
Bài thơ có 5 khổ, khổ 1 và 5 đều có hai câu, kết cấu theo lối “thủ vĩ tương ứng” nhưng không hoàn toàn lặp lại mà hai câu cuối bài là một kết thúc “có hậu”: Cây xương rồng chung tình với cát đã qua cái thời “gầy guộc lắt lay” để có cái kết quả tốt đẹp “qua hạn khát nở hoa” – một triết lý sống không nằm ngoài chuẩn mực đạo đức chung của dân tộc. Đó phải chăng là lời nhắc nhủ với kẻ gặp may: “Bỗng một ngày thăng hoa” nhưng không biết giữ mình, tu thân, luyện chí khi được “vua biết mặt, chúa biết tên”, “chạm môi hoàng đế”, mà lại “ngạo nghễ”, tỏ ra coi thường, bất chấp tất cả để “mơn trớn cung phi/ Rượu tràn ly/ thâu đêm tiệc không tàn”. Điều này dẫn đến một hậu quả tất yếu: “Rồi một lần vỡ tan/ Pha lê về với cát”…
Tôi không rõ tác giả Phan Huy bao nhiêu tuổi, đã từng trải nghiệm cuộc đời như thế nào nhưng khi đọc các câu thơ: “Rồi một lần vỡ tan/ Pha lê về với cát/ trăm ngàn nhọn sắc/ Hóa thân thành cái ác/ lẩn khuất trong mịn màng” quả là những phát hiện tinh tế của tác giả về sự biến chất của những kẻ từ “cát” thành “pha lê” nhưng không biết tu dưỡng, rèn luyện mình để đến khi “thất sủng”, “vỡ mộng” trở về với cát thì ác độc và thâm hiểm với cuộc đời và con người được che đậy, lẩn khuất trong cái “mịn màng” mà người đời không dễ phát hiện… Loại người này chúng ta đã từng gặp trong cuộc đời…
Ngoài giá trị cảnh tỉnh từ nội dung, bài thơ còn có những thành công nhất định về ngôn ngữ thơ.
Phan Huy đã khéo dùng các từ ngữ miêu tả quá trình biến chất của kẻ cơ hội, hãnh tiến: “Bỗng một ngày thăng hoa”: “Thăng hoa” với nghĩa gốc là “chuyển trực tiếp từ trạng thái rắn sang trạng thái khí không qua trạng thái lỏng”. Phải chăng quá trình “đốt cháy giai đoạn” này, mà làm cho pha lê ngộ nhận về tài đức của mình và quên nguồn gốc sinh ra từ cát?
Trên đây là đôi điều cảm nhận về bài thơ “Cát và pha lê”. Hy vọng bài thơ đứng được trong lòng bạn yêu thơ.
Trương Tử Kỳ
Ý kiến bạn đọc