Multimedia Đọc Báo in

Đọc tập thơ Rượu quê của Mai Văn Hoan, NXB Thuận Hóa 2011

Chén rượu quê rưới lên phận thơ mình

08:06, 26/02/2012

Tôi nghĩ về Mai Văn Hoan như một người khách trọ vô tình thấy bên bờ dậu hàng xóm nàng thơ vừa khuất sau liếp cửa. Khách sẽ dò hỏi cặn kẽ rồi lâu sau mới làm quen; hay lập tức bám gót sen hồng. Mai Văn Hoan làm thơ theo cách thứ hai; nghĩa là cảnh tượng đập vào mắt, tâm hồn dội lên cảm xúc, và anh xoãi bút tuôn ra.

Cầm tập Rượu quê của Mai Văn Hoan, là cầm thêm một vật chứng của thời gian. Người gửi hứa quay lại trong phút chốc mà mãi không thấy, người cầm buông tay thì sợ mất, mang đi lại sợ thất lạc nên cứ bồi hồi như cầm những giọt nước mắt còn ấm nóng. Mai Văn Hoan nghiền (chứ không phải nghiện) rượu quê. Thứ rượu “không trộn không pha, mới đôi ba chén mà ngà ngà say”. Chất men rượu quê thức dậy cảm xúc để mà nhớ mà thương, mà đau đáu về nơi nhà thơ từng lấm bùn một thuở. Nơi núi kề bên sông, sông kề bên biển. Và ông đã làm một chuyến hồi hương.

Về quê thăm họ hàng thân thích, gốc đa mái đình, tìm lại những gì đã găm sâu vào bản mệnh dẫu vật đổi sao dời. Mảnh tình như một vầng mây xanh lơ ngày nào giấu dưới đáy giếng làng nhà thơ cũng cố tìm bằng được:

Lỡ tay thương chiếc gàu rơi
Làm xao lòng giếng một thời vụng yêu.

Gàu rơi xuống đáy giếng thì lực mạnh lắm, nhưng chỉ làm “xao lòng giếng”; còn nay trở về sau chặng dài “duyên số dở dang”, tha nhân buông dây gàu nhè nhẹ vẫn “sợ đau giếng làng”, sợ mảnh trăng vàng soi chung đêm nao tan chảy…

Rất nhiều cảnh cũ người xưa giờ chỉ lưu trong tiềm thức của nhà thơ: “Sân đình không còn thấy nữa/ Cây đa ai đốn mất rồi!” (Ký ức tuổi thơ); “Ngôi chùa ấy.../ Thời chiến tranh bom đạn phá mất rồi” (Thanh Quang Tự); “Có một dòng sông mờ tím/ Nước xanh in bóng mẹ nghèo”, bây giờ trôi giữa chiêm bao!... Nhưng ông vẫn cố tìm lại những vệt rêu cứ úa vàng theo hồi ức:

Tôi đi tìm lại hồn quê kiểng
Sông cứ vơi đầy, mây cứ trôi...

Ân nặng thân quyến được Mai Văn Hoan khắc họa đậm nhất, dồn dập, đau thương, và cũng là mảng đáng quý nhất trong tập thơ. Nhà thơ viết về Ông nội, Bà nội, Bà ngoại và chiếc gậy; viết về cha (Bên cha, Buồn trông cửa bể: “Cha ra đánh cá ngoài khơi/ Những chiều con đứng trông vời chân mây”); viết tưởng nhớ cậu Đào Duy Anh (Cây lộc vừng), viết khi tìm mộ người anh là liệt sĩ hy sinh ở Kon Tum (Tìm anh), viết về con (Gửi các con), về thằng cháu cu Tý ngộ nghĩnh trong Bắt chuồn chuồn, viết về người phụ nữ lỡ lấy kẻ “duyên nợ cùng thơ” nên phải lo toan gánh vác (Trước lúc ra tòa, Căn phòng mơ ước)... Đậm nét nhất là Người Mẹ, thể hiện ngay ở những tên bài: Gốc dứa mẹ trồng, Bờ sông nhớ mẹ, Giỗ mẹ, Nói với hương hồn mẹ. Hình bóng mẹ còn ẩn hiện trong nhiều bài thơ khác: “Ánh mắt dịu dàng của mẹ/ Lặng nhìn những đứa con yêu” (Có một dòng sông); “Kéo chăn mẹ đắp ấm thân đêm dài/.../ Bờ sông thưa thớt một vài bông lau/ Mảnh khăn vuông mẹ trùm đầu/ Từng cơn giá buốt luồn vào tận xương” (Mỗi năm cứ đến mùa đông); “Con còn nhớ tuổi thơ/ Đứng trên bờ trông theo thuyền mẹ/.../ Tìm quanh chẳng thấy cánh buồm/ Nước mắt con nhòe/ ướt cả hoàng hôn...” (Cánh buồm tuổi thơ). Dáng mẹ hòa vào hình ảnh con thuyền ánh lên sinh sộng như một bức ảnh nghệ thuật gom cả trời Sao hôm:

Tay mẹ đưa, nước vỗ nhịp mái chèo
Mái chèo xoáy gợn lân tinh ngời sáng
Bóng sao hôm đổ dài lấp loáng
Con thuyền trôi trong sương đêm

Sao chênh chênh soi dáng mẹ nghiêng nghiêng
Lèn ngả bóng trên mặt sông phẳng lặng
Tiếng vạc xa rơi vào đêm sâu thẳm...

Mất mẹ, con bám víu vào cha nhưng cha cũng đã thành hư vô giữa trùng khơi dội sóng. Bóng mẹ lồng vào người cha như một phép lạ của thơ.

Hãy đọc nốt hai bài ở cuối tập, Mai Văn Hoan viết về bố vợ. Thường điếu văn được viết cho người đã nhắm mắt, đọc lúc làm lễ truy điệu. Thương bố vợ sẽ âm - dương cách trở; kể làm sao cho xiết, Mai Văn Hoan đã chong đèn viết liền một mạch đến bốn giờ sáng “nước mắt nhòe thấm ướt cả trang thơ...”, rồi đọc ngay cho ông nghe trước lúc xuôi tay. Mãn nguyện.

Bọ già rồi vẫn lặn lội sớm hôm
Thân tê cóng dầm trong nước lạnh
Con biết bọ bao đêm trường thức trắng
Nhờ miếng trầu chống chọi với mùa đông

Một tập thơ mà chứa chất nhiều ân nghĩa như vậy, có lẽ không nên phô ra đây những câu rỗng ý thừa, những bài thơ mới chỉ là sự xoạc bút ru tình...

Nhụy Nguyên


Ý kiến bạn đọc