Multimedia Đọc Báo in

"Lá cờ Đảng" - ca khúc hay viết về Đảng

09:30, 03/02/2012

Ra đời từ năm 1980 vào dịp kỷ niệm 50 năm sinh nhật Đảng, đã trên 30 năm trôi qua, ca khúc "Lá cờ Đảng" vẫn tươi rói sức sống và khẳng định vững vàng giá trị của một ca khúc hay về Đảng CSVN.

Đảng Cộng sản Việt Nam - cụm từ thiêng liêng, là cội nguồn của mọi cảm xúc nghệ thuật. Từ cội nguồn ấy đã ra đời biết bao sáng tác có giá trị, sống mãi với thời gian. Tuy nhiên sáng tác âm nhạc trực tiếp nói về Đảng nếu chỉ có cảm xúc không thôi chưa đủ. Đối tượng biểu hiện ở đây cần tư duy lý trí, cần người viết phải có sự nhận thức đầy đủ ý nghĩa của chân lý nằm trong sự thiêng liêng của một khái niệm giản dị. “Lá cờ Đảng” của nhạc sĩ Văn An đã làm được điều này.

“Lá cờ Đảng” viết về Đảng, nhưng lại thông qua một hình tượng cụ thể: lá cờ búa liềm của Đảng. Đây là nét riêng của tác giả. Nhạc sĩ Văn An thường hay tìm những cách nói riêng về cùng một vấn đề đã được nhiều người nói tới. Trực tiếp ca ngợi Đảng ngay từ những năm kháng chiến chống Pháp đã xuất hiện một bài hát rất có giá trị của nhạc sĩ Đỗ Minh. Đó là bài "Ca ngợi Đảng lao động Việt Nam" - một ca khúc có sức sống bền vững trong mấy chục năm qua. Sau đó nhiều tác giả khác cũng viết về Đảng theo hướng ca ngợi trực tiếp.

Nhạc sĩ Văn An nghĩ tới một cách nói khác: Biểu hiện linh hồn của Đảng ở lá cờ là một hình tượng cụ thể. Chọn hình tượng này, nhạc sĩ sẽ không bị sa vào tình trạng ca ngợi chung chung như một số bài đã mắc phải. Ông có điều kiện để khai thác hình ảnh búa liềm và màu đỏ thắm của lá cờ, là biểu tượng của niềm tin, ý chí, sức mạnh đoàn kết và ý nghĩa của mỗi hy sinh cho sự nghiệp của Đảng. Với biểu tượng này, nhạc sĩ nói được phản ánh được những nội dung ấy mà lại không phải sử dụng đến những từ ngữ khô cứng, khuôn sáo. Hãy nghe tác giả mở đầu ca khúc: “Đất nước bốn ngàn năm ôi tự hào biết mấy. Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái. Còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm...”

Dàn hợp xướng trình bày ca khúc “Lá cờ Đảng”
Dàn hợp xướng trình bày ca khúc “Lá cờ Đảng”

Có thể nói cách đặt vấn đề này đã rất trúng, đã khái quát được sâu sắc một bối cảnh lịch sử hiện tại. Hạnh phúc ở đây chỉ mới “đang nở hoa kết trái” chứ chưa phải  là đã nở hoa kết trái. Và trong quá trình "đang" thì có thể còn gặp bao nhiêu khó khăn cần phải vượt qua. Nhưng cái điều luôn củng cố niềm tin cho ta chính là vì ta luôn có Đảng ở bên, với hình ảnh lá cờ là đẹp nhất.

Rất tự nhiên tác giả dẫn dắt: “Còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm. Đảng ta đó hân hoan một niềm tin. Trong đêm đen, lá cờ của Đảng rạng soi đường đấu tranh. Thắm máu đào, cờ Đảng hồng tươi sắc thắm máu hy sinh...”. Ngay trong đoạn nhạc mở đầu bài hát, đã có sự chuyển điệu để tăng thêm hiệu quả thú vị của hòa âm. Tác giả xử lý từ chất son thứ sang son trưởng rồi rê trưởng ở đoạn 1 tạo một sự xúc động rất cần thiết trong tâm hồn người nghe mỗi khi nghĩ đến lá cờ Đảng. Như vậy, nhạc sĩ Văn An đã đạt được một điều: Nói đến một khái niệm đầy chất lý trí nhưng lại từ một tình cảm dạt dào thắm thiết thiêng liêng, chững chạc mà vẫn mềm mại sinh động.

Với mạch âm nhạc ấy, tác giả đã phát triển sang giai đoạn 2, vẫn duy trì sự đan dệt giữa các điệu trưởng thứ tạo nên một giai điệu phong phú màu âm. ở đoạn 2, ông dành để nói về lá cờ, kể khái  quát về vị trí của nó trong cuộc đời chiến đấu của người chiến sĩ. Cũng dễ hiểu bởi tác giả là nhạc sĩ quân đội nên ông đã nói thay tình cảm của đội ngũ mình đối với lá cờ thiêng liêng. Trong đoạn này, ông đã rất khéo đưa vào bài hát lời dạy của Bác đối với quân đội: “Trung với Đảng, hiếu với Dân”. Nội dung ấy được chuyển tải bằng một câu nhạc mềm mại đằm thắm nên khi hát lên người nghe thấy bị thuyết phục, không một chút sắp đặt gượng gạo.

Lá cờ Đảng là một bài hát hàm súc gọn gàng, có bố cục chặt chẽ với một giai điệu có tìm tòi, có sự vận động độc đáo trong cách phát triển. Lời lẽ bài hát giản dị được chọn lọc đạt tính khái quát cao. Đây là một ca khúc dạng trữ tình chính luận bởi vì nó biểu hiện một nội dung nặng chất lý trí, chứa nhiều tính khái niệm trừu tượng nhưng lại dạt dào cảm xúc, phù hợp với tình cảm tự nhiên của chúng ta đối với Đảng. Một thế mạnh của ca khúc này là có thể trình diễn với nhiều hình thức: đơn ca, tốp ca, đồng ca, hợp xướng có hoặc không có nhạc đệm (acapella). Hình thức nào cũng đạt hiệu quả cao, bởi sự phong phú về phương diện hòa thanh trong cách tiến hành giai điệu của tác giả.

Ra đời từ năm 1980 vào dịp kỷ niệm 50 năm sinh nhật Đảng, đã qua hơn 1/4 thế kỷ, "Lá cờ Đảng" vẫn tươi rói sức sống và khẳng định vững vàng giá trị của một ca khúc về Đảng CSVN.

(Theo VOV)


Ý kiến bạn đọc