Nhà thơ Phùng Quán với Côn Đảo
![]() |
Nhà thơ Phùng Quán |
Sau này, mới biết Phùng Quán chưa bao giờ đến Côn Đảo.Tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” được ông viết sau một chuyến đi gặp gỡ tiếp nhận tù nhân được trao trả tại Sầm Sơn, Thanh Hóa năm 1954. Tiểu thuyết được giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1956 và trở thành quyển sách “gối đầu giường” của bộ đội ta lúc bấy giờ.
Năm 1988, tôi được gặp nhà thơ Phùng Quán ở Huế, trong một cuộc rượu ở nhà nhà thơ Ngô Minh. Ông như “lên đồng”, rưng rưng đọc bài thơ “Tạ” như tìm về với quá khứ một thời. “...Con tạ/ đất làng quê/Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất/Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt/Không lá cây nào không mặn chát gian lao/Con tạ/ manh chiếu rách con nằm/ Con tạ/ Câu ca dao mẹ hát/Tất cả thành giọt sữa ngọt/ Nuôi con ngày trứng nước/Để hôm nay con được sống/ được chiến đấu hết mình/Vì tự do của Tổ quốc/Được hát hết mình cho đất nước thành thơ…”. Nhân thế, tôi hỏi đất nước mình giải phóng lâu rồi, anh có ý định ra thăm Côn Đảo, nơi nguyên mẫu của “Vượt Côn Đảo” không? Nâng chén rượu ngang mày, uống cạn một hơi, anh bảo có chớ, có chớ… Côn Đảo là bàn thờ của Tổ quốc, ai cũng muốn ra thắp hương nơi ấy một lần. Và đâu chỉ có “Vượt Côn Đảo”, nhà thơ Phùng Quán còn có Trường ca “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo”, ca ngợi nữ Anh hùng Võ Thị Sáu đã trở thành nguồn cảm hứng cho các bài hát, phim ảnh về chị Võ Thị Sáu sau này. Trong đó, chi tiết chị Sáu trên đường ra trường bắn đã ngắt bông hoa ven đường cài lên mái tóc là một sáng tạo độc đáo của nhà thơ Phùng Quán và trở thành biểu tượng bất khuất của người con gái Đất Đỏ.
“…Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven rừng
Cài lên mái tóc rối tung
Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê…”
Thời gian đi qua, sau khi phục hồi hội tịch Hội viên Hội Nhà Văn năm 1988, và được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007, nhà thơ Phùng Quán như chim sổ lồng, ông đi dọc đất nước từ Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang… đọc thơ, làm người “hát rong” của nhân dân. Thế nhưng trong hành trình xuyên Việt ấy, không thấy ông đến Côn Đảo. Cho đến khi ông mất năm 1995, mơ ước ra thắp hương trên bàn thờ Tổ quốc ở Côn Đảo đã không thực hiện được, tôi cũng không hiểu vì sao?
Cho đến cuối năm 2010, khi bạn bè văn nghệ sĩ và gia tộc họ Phùng ở Huế thực hiện di nguyện đưa hài cốt vợ chồng nhà thơ về quê hương ở xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy (TT-Huế), tôi đem thắc mắc ấy hỏi nhà thơ Ngô Minh, người bạn vong niên, người đã sưu tầm, biên soạn 3 cuốn sách về Phùng Quán sau khi ông mất (Nhớ Phùng Quán, Ba phút sự thật, Phùng Quán còn đây), đồng thời là người chủ trì việc quyên góp cát, đá xây lăng mộ vợ chồng nhà thơ Phùng Quán. Nhà thơ Ngô Minh cho biết: Phùng Quán rất muốn một lần ra thăm Côn Đảo và thực tế ông đã có giấy mời ra tham quan Côn Đảo hẳn hoi. Đó là năm 1987, anh Lê Quang Vịnh, người cựu tù Côn Đảo nổi tiếng, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Côn Đảo, đã gửi thư mời tác giả tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” ra thăm đảo. Phùng Quán sướng run người, vì đây là dịp để kiểm chứng lại những gì mình viết. Ông định đi từng chặng vào Vinh, rồi Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang... đến TP. Hồ Chí Minh sẽ đi tàu thủy ra Côn Đảo. Nhưng tính anh thích gặp gỡ, người yêu thơ cả miền Trung dằng dặc nghe tên, thuộc thơ anh nhưng lần đầu mới gặp người, nên cứ níu kéo đòi anh đọc thơ hoài. Thế là anh đọc thơ “phục vụ nhân dân” ngày này sang ngày khác. Mỗi nơi anh ở tới một vài tuần, có nơi như Huế anh ở tới hai tháng. Vì thế gần 6 tháng trời mà ông mới đến được Nha Trang thì nhận được tin vợ ốm nặng phải quay về, thế là lỡ chuyến đi một đời mong ước. Và như để chia sẻ nỗi thắc mắc, nuối tiếc của tôi, nhà thơ Ngô Minh đã đọc to bài thơ “Gặp Phùng Quán ở Côn Đảo” của anh viết trong lần ra thăm Côn Đảo: “Anh chưa đến Côn Đảo bao giờ/ Thế mà ở đây hỏi anh ai cũng biết…/Phùng Quán ơi/ thế là anh mãi sống/ với Côn Lôn với những tử tù/ Với chị Sáu/ Và con thuyền vượt biển/Chị Sáu đã thành Cô Sáu linh thiêng/ Dân đảo thờ và nhớ/Như nhớ thơ/ Và chuyện đời anh…”
Ngô Minh Thuyên
Ý kiến bạn đọc