Multimedia Đọc Báo in

MLô Y Cla Vi - chim Gur Tuk, Tao vao vẫn hót

10:04, 11/05/2012
Từ những năm 1965-1966, nhất là sau này, khi NSND Tường Vi sáng tạo thành công đoạn staccato - kỹ thuật hát nảy trong bài “Cô gái vót chông”, ca khúc phổ thơ MlÔ Y Cla Vi này của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã nằm trong danh mục những bài bắt buộc của chương trình đại học thanh nhạc dành cho giọng nữ cao Sopranno.
Ca từ bài hát mộc mạc mà thật đẹp “Cô gái Sông Ba đầu búi tóc thon/ tay vót chông miệng hát không nghỉ”, rồi lại nữa “ Em không ngừng tay vót chông rào buôn rẫy/ mai đây giặc chạy rồi/ tre rừng ta làm nhà làm chòi cao”… Sau đó nhiều năm, nhạc sĩ Quang Dũng (Đoàn nghệ thuật Dak Lak) chuyển biên bài hát này cho đàn ghi-ta độc tấu, biểu diễn thành công khắp cả nước. Cho đến tận thế kỷ XXI, vẫn có những nữ ca sĩ của dòng nhạc thính phòng, chọn “Cô gái vót chông” làm bài dự thi các cuộc thi hát cấp quốc gia.
               Buôn làng ngày hội.
Buôn làng ngày hội.

Ngày ấy chưa có từ “thần tượng”, nhưng với một cô học trò miền núi yêu thích văn học như tôi, cái tên Mlô Y Cla Vi đã tương tự với điều gì cao đẹp lắm. Tuy vậy,  sau đó cũng không thấy thêm ở đâu có in thơ của ông, và chúng tôi đã không có điều kiện được biết nhau. Mấy năm trước, nhạc sĩ Kpă Y Lăng, rồi già làng Y Điêng đều nói Mlô Y Cla Vi hiện đang ở huyện Sông Hinh (Phú Yên). Tôi luôn hy vọng có một dịp nào đó ghé thăm nhà văn Y Điêng ở thị trấn Hai Riêng và có thể được gặp Mlô Y Cla Vi chăng? Nhãng quên đi. Đến lúc tìm hiểu về “Văn học dân tộc thiểu số Trường Sơn – Tây Nguyên”, tôi mới chợt nhớ đến ông. May quá, ông vẫn ở Sông Hinh. Một lá thư, một cuộc điện thoại, vậy là kết nối được với “thần tượng” thuở nào của tôi rồi.

Mlô Y Choi - tức Mlô Y Cla Vi rất nhiệt tình. Ông gửi cho tôi không chỉ thơ, mà còn cả những bản gốc các bài báo viết về ông. Thay vì dặn tôi làm xong việc gửi lại cho mình, ông lại rất chất phác và thật thà nhắn “đừng vứt đi nhé”.

22 bài thơ ông gửi đến cho tôi chắc chưa phải là toàn bộ đời thơ của Mlô Y Cla Vi. Nếu lấy mốc bài đầu tiên “Cô gái vót chông” năm 1961, thì có cả những bài thơ từ thời chống Mỹ, còn bài cuối cùng trong số này ghi năm 2009. Nghĩa là trong suốt bao nhiêu năm qua, ông vẫn không ngừng làm thơ.

Thơ Mlô Y Cla Vi chứa đựng nhiều cảm xúc mộc mạc, chân thành của một người miền núi, nghĩ sao nói vậy. Phải là người vùng sâu, vùng xa, không chỉ đói cơm, mù chữ, mà còn phải chịu nhiều mất mát đau thương từ những kẻ xâm lược mang đến “Buôn làng ngày xưa/ giặc Pháp ksok Mỹ/ đốt chòi đốt nhà/ người trần khố rách” (Người Êđê biết ơn Đảng, Bác Hồ) mới hiểu sự lựa chọn quyết liệt của ông khi suốt đời đi theo con đường cách mạng, giải phóng quê nhà “đường hành quân dài, đường cách mạng còn dài/ máu có đổ, rừng núi vẫn xanh tươi/ khi cả nước diệt tan quân ksok Mỹ/ khắp nẻo đường làng buôn rộn tiếng cười” (Hơ Ni). Còn nếu nghĩ dài hơn một chút, rằng đến tận hôm nay, nhiều vùng miền núi Tây Bắc, Việt Bắc lẫn ở Tây Nguyên vẫn còn chưa có đường, chưa có điện (kể cả những nơi người dân dời đi nhường chỗ cho thủy điện), mới hiểu được sự tri ân của người Sông Hinh với Đảng, với Bác Hồ để hôm nay “Đường làng đi lại đến ta/ có điện thắp sáng mọi nhà” (Vui lắm) và đây nữa “nhờ chữ Bác Hồ/ cho em thành người” (Em đến trường).

Trong suốt những năm đất nước chống Mỹ (1954-1975), thơ Mlô Y Cla Vi tràn đầy niềm tin vào một ngày mai chiến thắng, hay nói cách khác “chủ nghĩa lãng mạn cách mạng” thấm đẫm trong thơ ông. Không chỉ là hình ảnh những cô gái làng vừa “vót chông nhiều làm cạm bẫy/ đuổi ksok Mỹ xuống biển sâu/ em chặt tre làm đinh hot đinh năm/ quanh lửa hồng em vui em hát/ đón Awa Hồ vô nam uống rượu cần” (Cô gái vót chông), vừa chung thủy với người yêu đi bộ đội đánh giặc “anh ơi em chờ/ núi rừng vẫn xanh/ buôn làng chim hót/… bão táp phong ba/ đôi ta là một” (Em vẫn chờ anh); mà còn cả những cô dân công “gai cắn bàn chân không cắn nổi lòng em/giữa chiến trường em hát những bài ca quyết chiến” (Hơ Ni), hay cô du kích “Khẩu súng trên vai/ em cùng buôn rẫy/ giết bọn tay sai” (Em của núi rừng); hoặc những anh bộ đội người làng mình “anh đi chiến trường/ đánh giặc giữ làng / không nề xương máu” (Nhớ các anh). Đó cũng chính là hình ảnh thật đẹp của Tây Nguyên trên những nẻo đường đánh Mỹ bảo vệ quê hương thân yêu ngày nào. Ký ức của một thuở hào hùng, như ngọn lửa cháy sáng mãi trong tâm hồn ông.

Nhờ có niềm tin và sự lãng mạn ấy, mà chứng kiến sự đổi thay của quê hương, buôn làng sau ngày thống nhất đất nước, tâm hồn ông bỗng như đứa trẻ thơ hồn nhiên hát vang lên niềm vui sướng tột cùng của mình “đường ta đã mở/ xây lại cuộc đời/… lúa nương chín vàng/ nương ngô xanh biếc/ cồng chiêng âm vang/ mừng ta được mùa/ buôn làng đổi mới” (Trời đã sáng rồi). Bởi đã phải chịu đựng mất mát quá nhiều (toàn bộ gia đình Mlô Y Choi đã bị giặc Pháp giết hại) mới có được cuộc đời hôm nay, nên tình yêu và niềm tự hào về quê hương thật là sống động trong ông “Ea Trol quê tôi/ xuân về hoa nở /quả chín đầy rừng/ lúa vàng chín rộ/… tiếng đàn tiếng hát/ bài ca nghìn đời/ Xing Nhã Đăm Ji/ vẫn còn vang vọng” (Ea Trol quê tôi), hay “Em nhảy cho hay/ lễ hội xoay cột/ buôn làng mừng vui/ quê hương đẹp giàu” (Múa xoang). Ông yêu vùng đất “suối nhạc lời vàng/ cây knia thêm rễ/ hoa aring nở rộ” (Hát nữa đi em), yêu cả đến “nước chảy hoa thơm/ đàn bò gặm cỏ” (Krông Hinh quê ta). Tình yêu ấy, ông mang cả vào cái “nghề” Phó Ban Tuyên giáo huyện khi dặn dò người buôn làng bằng thơ rằng “Mây song vô kể/ trầm kỳ vàng bạc/ buôn sang giữ lấy/ tài nguyên môi trường/ dựng xây đất nước/ buôn làng nở hoa” (Yêu quê hương), hay đối với bảo tồn văn hóa truyền thống “Từng câu từng lời…/ mọi người im lặng/ mọi người thao thức/ không bao giờ quên” (Kể khan).

Đã từng có nhà báo kể rằng: “ông sáng tác nhiều thơ về Đảng, về Bác Hồ bằng cả tiếng Kinh và tiếng Êđê. Ông đọc những bài thơ đó cho lũ làng nghe, ai cũng khen hay. Già làng Ama Blok bảo: thơ của Ama Luê (tên thường gọi của Mô Y Choi) nói trúng cái bụng lũ làng. Nghe thơ Ama Luê, lũ làng càng yêu kính Bác, làm theo lời Bác dạy, đoàn kết xây dựng buôn làng no ấm. Còn Ama Bong thì bảo: mình thuộc hết những bài thơ của Ama Luê về Đảng, về Bác Hồ. Mình vẫn thường đọc cho bọn trẻ nghe. Chúng rất thích và cũng thuộc luôn”.  Không nhiều  nhà thơ có được niềm hạnh phúc ấy đâu.

Một đề tài chiếm kha khá trong số lượng những bài thơ ông gửi cho tôi là tình yêu và đặc biệt là hình ảnh các em gái Tây Nguyên (theo cách nói của Mlô Y Cla Vi rằng “cứ cầm bút là hình ảnh các em hiện về, vậy là mình viết thôi”). Có lẽ vì nhà thơ là người yêu cái đẹp “sao em đẹp thế/ tay em nhịp nhàng/ chân em nhịp bước/quanh ánh lửa hồng” (Múa xoang), ông say sưa “Lắng nghe em hát/ Bài ca Đam San” (Hát nữa đi em); để rồi dù cách xa hai phương trời Nam – Bắc, nhà thơ vẫn như thấy tận mắt không chỉ những các cô gái đêm ngày vót chông, mà còn hình ảnh cả những cô gái làng, cô du kích trong thời chiến tranh “Tóc đã dài chân đã vững bước đi / tạm cất vòng khỏi vướng tay đánh Mỹ” Hơ Ni)  để “ra mặt trận/ rừng núi reo vui/ tin về chiến thắng” (Em của núi rừng). Thời bình, xúc cảm của nhà thơ tươi nguyên từ bức tranh cô chị cõng em giữa cảnh núi rừng “Hoa rừng vẫn tươi/ suối ngàn róc rách/ tiếng đàn t’rưng”, dỗ em  “đừng khóc em cưng/ cứ ngủ cho say/ trên lưng chị đây/ chiều sương cha về”  (Ngủ đi em) đến hình ảnh em thơ tung tăng chân sáo đến lớp “Hôm nay em vui/ em được đến trường/ học chữ Bác Hồ/ lòng em vui quá” (Em đến trường). Rồi ông vui cả với tình yêu của tuổi trẻ “Anh thổi đinh gut…/ đánh thức em dậy/giã gạo lúa thơm/…Em thổi đinh buôt/ chuyện trò đêm trăng…/hai đứa bên nhau/ mãi mãi không phai” (Tiếng sáo đêm trăng). Đây nữa, ông kể về những tập quán hẹn hò yêu đương của người miền núi thật giản đơn mà vẫn rất đẹp  “Chiếc còng em tặng/ chiếc gương anh trao/ đôi ta là một/ rừng không tách núi/ đồi không tách tranh/ đôi ta thêm chặt” (Hát arei). Và mùa xuân khiến cho trái tim nhà thơ tám mươi mùa rẫy bỗng trẻ lại, giục giã như một chàng trai đang yêu “Hát đi em ơi/ ngày hội đến rồi/ cùng tà áo mới/ tình xuân phơi phới/ ý xuân rộn ràng/ lễ hội buôn làng/ bài ca vang vang/ tình ta thêm chặt” (Hát nữa đi em)… Có thể trích dẫn rất nhiều những tình cảm thấm đượm yêu thương cuộc đời và con người như thế, mới chỉ trong một số những bài thơ mà Mlô Y Cla Vi gửi đến cho tôi thôi.

Có nghĩa là, dẫu chẳng hề xuất hiện trên văn đàn miền Bắc sau khi cho ra đời “ Cô gái vót chông”, nhưng như bầy chim Gur tuk, chim Tao vao vẫn hót cho vui rừng già, thơ cũng vẫn hồn nhiên gắn liền với nhịp đập của trái tim Mlô Y ClaVi, dẫu ngày nay ông đã bước qua tám mươi mùa con nước Krông Hinh vơi đầy.

Hy vọng một ngày nào đó, Mlô Y Cla Vi – Mlô Y Choi  sẽ có một tuyển thơ riêng, như ông xứng đáng được như vậy.

Linh Nga Niê Kdam


Ý kiến bạn đọc