“THƯƠNG VỢ”– Một bài thơ hay của nhà thơ Tú Xương
Chắc đã có nhiều người say mê, tâm đắc với hình ảnh cảm động của người hiền phụ trong ca dao hay trong bài hát sau đây của Nguyễn Công Trứ: “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/ (…)/ Ngoài nghìn dặm một trời một nước/ Trông bóng nhạn bâng khuâng từng bước/ Nghe tiếng quyên khắc khoải năm canh/ Nghĩa tép tôm ai nỡ dứt tình/ Ơn thủy tổ phải đền cho vẹn sóng/ Trường tên đạn xin chàng bảo trọng/ Thiếp lui về nuôi cái cùng con/ (…)/ Đồng hư rạng chép thẻ son/ Chàng nên danh giá thiếp còn trẻ trung/ Yêu nhau khăng khít giải đồng”. Thật không có hình ảnh nào hơn để lột tả hết sự khó nhọc lẻ loi của người vợ, thân gái dặm trường, gánh gạo đưa chồng như lời bài ca, cũng sẽ không có gì cảm động hơn khi nghe được lời dặn dò của người vợ. Đặc biệt, với những người vợ, người phụ nữ Việt Nam xưa nay, điều làm ta khâm phục, trân trọng nhất đó là cái đức hy sinh hết mực của họ. Đức tính cần cù, hy sinh, nhẫn nại này đã được đề cao trong văn chương từ cổ đến kim. Và “Thương vợ” của nhà thơ Tú Xương cũng là một trong những “bức tranh thơ” đầy cảm động như thế.
Bà Tú Xương trong “Thương vợ” là một hình ảnh tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, một hình ảnh quen thuộc thuở xưa, người vợ hiền quanh năm làm lụng đầu tắt mặt tối để nuôi chồng ăn học thành tài. Xin hãy đọc lại bài thơ “Thương vợ” của cụ Tú xưa: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông/ Một duyên hai nợ âu đành phận/ Năm nắng mười mưa dám quản công/ Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không”. Mở đầu bài thơ, ông Tú đã nói lên được hết những nỗi vất vả của bà Tú. Trong khi người tài trai sức dài vai rộng như ông không làm được việc gì cả thì một tay người vợ buôn bán nuôi đủ năm con với một chồng. Nào cảnh lặn lội một mình trên quãng vắng, nào cảnh om sòm tranh nhau lên xuống ở những chuyến đò đông, sự vất vả của bà Tú được lột tả bằng những con chữ, những hình ảnh thật cảm động. Rồi lại còn cảnh “Một duyên hai nợ âu đành phận/ Năm nắng mười mưa dám quản công” cho ta thấy cả một cảnh đời, một tấm lòng đầy đức hy sinh. Hai câu cuối cùng là thác lời bà Tú chửi kẻ bạc tình? Hay là lời ông Tú thể hiện sự ăn năn và hối hận? Với lời lẽ vừa có vẻ đùa cợt, vừa có vẻ âu yếm để tỏ cho bà Tú thấy rằng, ông chồng vô tích sự đã thấy rõ công lao của bà và cũng biết tội của mình là nhiều, nhiều lắm. Mà thực vậy, tội của ông thì nhiều quá. Bây giờ, ông không còn dương dương tự đắc tuyên bố: “Tiền bạc phó cho con mụ kiếm…”, rồi lại còn: “Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ/ Rượu chè trai gái đủ tam khoanh” (Tự trào); “Hay là mình thấy tớ nay hàng Thao, mai phố Khách mà bụng mình ghen; hay mình thấy tớ sáng Tràng Lạc, tối Viễn Lai mà lòng mình sợ” (Văn Tế sống vợ). Có thể thấy, cũng như bao đức ông chồng hồi ấy, ông Tú quả là người “quá quắt”. Ông đã vung phí những đồng tiền mà người vợ nhọc công kiếm được vào những xóm cô đầu hay nơi ca lâu tửu quán. Có những lúc ông đi hát mà đến nỗi mất cả ô để cho bà lại phải sắm ô mới cho ông, điều đó cũng đã tỏ cái hiền đức vô bờ bến của bà. Nhưng quá quắt hơn là đi hát để rồi mắc bệnh khiến bà phải chạy tiền, chạy thầy, chạy thuốc để chữa cho ông: “Thua bạc ra đi với mẹ nhà/ Bệnh gì chẳng phải bệnh tiêm la/ Quá vui nên nỗi ra người dại/ Lỡ bước cho nên nhắm mắt qua”. Rồi những ngày ông ốm thì thật là cơ cực : “Im ỉm thâu đêm lại tháng ngày/ Bệnh đâu có bệnh lạ lùng thay/ Thuốc thang nghĩ lại chua mà đắng/ Đường mặt xem ra ngọt hóa cay …”. Vậy mà bà Tú vẫn không một lời than thở, vẫn đêm ngày bên cạnh giường bệnh của chồng, lâm râm cầu nguyện cho chồng tai qua nạn khỏi. Cái phần thưởng mà ông dành cho công lao khó nhọc của bà có lẽ chỉ là một vài lúc hạnh phúc rất ngắn ngủi vào dịp Tết vợ chồng ngồi hàn huyên khi ông viết câu đối: “Viết vào giấy dán ngay lên cột/ Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay/ Rằng: Hay thì thật là hay/ Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú tài/ Xưa nay em vẫn chịu ngài”. Hai chữ “chịu ngài” có một cái gì đó thật dí dỏm, vui đùa, âu yếm. “Chịu ngài” không chỉ về tài văn chương mà còn “chịu ngài” về cả cái lối chơi ngông, cái tài khảo tiền để rượu chè tửu quán ca lâu nữa. Một lần nữa cho ta thấy cái đức tính rất mực thuần hòa của bà Tú. Một phần thưởng nữa với bà Tú có lẽ là bài Văn tế sống vợ sau đây: “Con gái nhà dòng lấy chồng kẻ chợ/ Tiếng có mà không gặp chăng hay chớ/ Mặt mày nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo/ Ai dám chê rằng béo rằng gầy/ Người ung dung tính hạnh khoan hòa, chỉ một bệnh hay gàn hay dở/ Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười/ Trong họ ngoài làng vụng lẽ chào dơi nói thợ”. Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất dành cho bà Tú, ấy là nhờ có cái công lao khó nhọc gánh vác giang sơn nhà chồng, nhờ có đức tính cần cù, nhẫn nại, hy sinh, khoan hòa thuần hậu của bà mà ông Tú đã trở thành một văn nhân nổi tiếng một thời. Bà Tú cũng đã treo một tấm gương sáng chói cho người phụ nữ Việt Nam suốt đời chỉ biết hy sinh chịu đựng cho chồng, cho con; hy sinh mà không tự biết, coi đó là lẽ tự nhiên không hề để ý đến chuyện kể công hay tự đề cao bao giờ. Trong đời sống cơ cực của nhà thơ, bà Tú chính là một làn ánh sáng, là chỗ nương tựa cho ông, giúp ông vượt qua những lúc quẫn bách bần cùng…
Nguyễn Thị Thọ
Ý kiến bạn đọc