Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về nhà văn Nguyễn Tuân

09:02, 08/06/2012

† Đi thực tế bằng thuyền độc mộc:

Sông Đà là một con sông dữ dằn chảy qua địa phận tỉnh Hòa Bình. Trước khi nhà máy thủy điện Hòa Bình được xây dựng, nhà văn Nguyễn Tuân đã có chuyến đi thực tế tìm hiểu con sông này. Sau chuyến đi ông đã cho ra đời tập tùy bút rất nổi tiếng “Sông Đà” dày hơn 200 trang.

Thời điểm chuẩn bị lấp sông Đà đợt một, ban lãnh đạo công trình thủy điện quyết định mời nhà văn Nguyễn Tuân đi ngược sông Đà một chuyến, trước khi con sông này được chế ngự. Hôm ấy, cùng đi với nhà văn còn có nữ sĩ Anh Thơ. Biết hai vị khách mời đã cao tuổi, ban lãnh đạo công trình thủy điện Sông Đà bố trí hai vị khách đi bằng ca-nô. Nhưng Nguyễn Tuân “phản đối” ngay: “Không được! Đi chơi sông Đà trên ca-nô thì còn gì là thú vị nữa. Xin cứ để chúng tôi đi bằng thuyền độc mộc. Chết sống là có số rồi, phải không chị Anh Thơ”.

Mặc dù ban lãnh đạo công trình đã hết lòng trần tình, nhưng không thể nào làm trái ý ông nhà văn khó tính này, nên đành lo một chiếc thuyền độc mộc cho nhà văn Nguyễn Tuân và nữ sĩ Anh Thơ. Nhưng đề phòng bất trắc, ban lãnh đạo công trình vẫn bí mật bố trí một chiếc ca-nô đi hộ tống xa xa phía sau.

Sau chuyến đi “mạo hiểm” này, trở về Hà Nội Nguyễn Tuân đã viết bài bút ký “Đi thuyền độc mộc trên sông Đà” đăng trên báo Văn học với bút pháp rất độc đáo, rất...Nguyễn Tuân.

Ước ao chết cùng vợ:

Người ta thường nói: Đằng sau những thành công của đàn ông có bóng dáng người vợ. Nguyễn Tuân cũng không ngoài số đó, cụ bà Nguyên Tuân là người phụ nữ rất quan trọng, góp phần làm nên sự nghiệp văn học của Nguyễn Tuân. Điều này,  sinh thời Nguyễn Tuân có lần bộc bạch với cụ bà: “Giữa tôi với bà thì ai nên “đi” (chết) trước”. Cụ bà bảo ngay: “Chỉ có tôi mới chăm sóc được ông trên đời. Ông ăn không nhiều nhưng ăn tinh. Giò mua của ai thì ông mới ăn, rượu mua của ai thì ông mới uống. Món ăn thế nào thì mới hợp khẩu vị ông, chỉ có tôi biết. Nên nếu tôi đi trước thì tôi thương ông lắm”. Nghe cụ bà nói vậy, Nguyễn Tuân xúc động lắm, nói: “Nhưng nếu tôi đi trước thì tôi biết bà rất buồn! Hay là tôi với bà cùng “đi” một lần vậy...”.

Nhưng ước ao được chết cùng vợ của nhà văn Nguyễn Tuân  không thực hiện được, bởi ông đã mất (1987) trước cụ bà. Mấy năm sau cụ bà Nguyễn Tuân mới xuống thế giới bên kia để chăm sóc cho ông.

Lê Hồng Bảo Uyên (st)


Ý kiến bạn đọc