Mùa thu nguyên vẹn trong anh
Em – Mùa thu
Em đừng tiếc đã gặp anh quá chậm
Trong tình yêu nhanh chậm nghĩa gì đâu
Chỉ tiếc phút hững hờ khi cần say đắm
Tiếc chưa hết mình những lúc sống cho nhau
Trong cuộc sống anh là người biết đợi
Đợi hết mùa xuân khi hoa đã lìa cành
Đợi thêm mùa hè qua cơn mưa nông nổi
Biết heo may về sẽ tới nắng hanh
Lửa phượng tắt, sen hồ tàn tạ hết
Thì còn đây hoa sữa chín trên cành
Với hoa sữa có điều gì phải tiếc
Em – Mùa thu nguyên vẹn ở trong anh
Nguyễn Hoàng Sơn
“Em đừng tiếc đã gặp anh quá chậm”
Ở trong vòng tay người yêu rồi mà cô gái còn tiếc nuối điều gì? Cô không được hạnh phúc sao? Không phải. Cô hạnh phúc lắm chứ, được yêu mà! Nhưng chính cái hạnh phúc ấy đã làm cô phải hối tiếc. Cô tiếc là tiếc cái thời gian xuân xanh trước đây cô đã dành quá nhiều cho những cuộc tình không đâu để cái thời gian hạnh phúc sau này trở nên ngắn ngủi, mong manh. Cái tiếc của cô còn là một nỗi ân hận khi để người yêu mình phải chịu thiệt thòi mất mát vì sự dở dang của mình. Cô gái đáng yêu thật! Lo cho mình hay lo cho người yêu, lo cho người yêu cũng chính là lo cho hạnh phúc của mình đấy thôi!
Thông cảm với nỗi khổ tâm của người phụ nữ không gặp may trên đường tình-có thể dở dang mấy lần mà thành tình muộn, từ trái tim nhân hậu mình, Nguyễn Hoàng Sơn rót vào tai các cô những dòng êm dịu ngọt ngào để giải thích, khuyên răn, an ủi:
“Trong tình yêu nhanh chậm nghĩa gì đâu
Chỉ tiếc phút hững hờ khi cần say đắm
Tiếc chưa hết mình những lúc sống cho nhau”
Theo nhà thơ, cái đáng tiếc không phải là số lượng của thời gian. Cái đó không ý nghĩa gì cả. Sống với nhau mà không yêu nhau chỉ làm khổ nhau. Cái đáng tiếc là sao ta không biết tạo ra những phút giây say đắm, nồng nàn cho nhau mà lại đi tiếc nuối những cái đâu đâu. Quá khứ không vui nhắc lại thêm buồn chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Cái đáng nói bây giờ là ta phải yêu nhau hết mình, phải sống cho nhau thật đẹp, phải dồn tất cả cho hạnh phúc hiện tại, tương lai.
Em chậm, anh không chậm sao? Em dở dang, anh chẳng dở dang sao? Riêng anh, anh gọi đó là “thời gian ủ” và anh biết đợi chờ nó. Tình yêu anh và cả tình yêu em đều đã trải qua một thời xuân sắc xôn xao, bao kẻ may mắn đã hưởng hạnh phúc sớm, ta chúc mừng họ, còn ta chưa sớm được may mắn và đã gặp phải những đối tượng mà thời gian mách bảo là không hợp ý thì đành phải thôi, phải kiên nhẫn chờ đợi mặc dù tuổi xuân ngày một hao mòn sau những cơn mưa tình nông nổi rạo rực mùa hè dần tắt. Ta chờ đợi là một việc làm đúng chứ có tội gì đâu mà em phải lo phải hối tiếc?
Và theo thời gian, khi mà :
“Lửa phượng tắt, sen hồ tàn tạ hết
Thì còn đây hoa sữa chín trên cành”
Tình muộn được nhà thơ ví như hoa sữa nồng nàn mùa thu. Hóa ra cái muộn ấy không phải là muộn thật mà là độ chín. Có được một tình yêu chín như thế phải trải qua khoảng “thời gian ủ”- mùa xuân, mùa hạ trên kia, mà cô gái từng hối tiếc. Ai định đoạt được tình yêu và cuộc sống của mình? Những cái hối tiếc đã qua, lắm cái cũng đáng trách thật, đáng trách quá đi chứ với những cô gái nhẹ dạ cả tin mê danh hám lợi, những cô gái lao vào cuộc sống buông thả ăn chơi bán rẻ lương tri, phẩm giá, nhưng rất đáng thương cho những cô gái trên đường tình gặp phải rủi ro! Với Em – Mùa thu, rất thông cảm cho những cảnh ngộ này, Nguyễn Hoàng Sơn có một cách lý giải thuyết phục để sẻ chia, an ủi họ. Nhà thơ nghĩ sau cái rủi ro còn là một kinh nghiệm sống giúp cho sau này ta sống đẹp hơn. Trong tình yêu, biết đâu có khi ta gặp nhau muộn lại tốt hơn gặp nhau sớm cũng nên. Trong thực tế rất nhiều mối tình đầu đã không cùng nhau đi hết cuộc đời, trái lại những cuộc tình muộn vẫn nồng nàn như hoa sữa mùa thu ấy! Có lẽ Nguyễn Hoàng Sơn đã đúng chăng?
Thế là:
“Với hoa sữa có điều gì phải tiếc
Em – Mùa thu nguyên vẹn ở trong anh”
Chỉ là những dòng thủ thỉ tâm sự nhưng bài thơ Em - Mùa thu của Nguyễn Hoàng Sơn là một phát hiện độc đáo, một so sánh tài tình, xứng đáng là một sáng tạo - một bài thơ hay, không những thuyết phục được người phụ nữ gặp hoàn cảnh dở dang yên tâm sống, yên tâm hạnh phúc mà còn thuyết phục đến những người khác để họ có một cái nhìn thông cảm về những số phận con người.
Ngô Hà Phương
Ý kiến bạn đọc