Đến với bài thơ hay
Phật và chùa
Phật và chùa (1)
Thác thân vào đá
Phật Bà thiền trong ngôi tháp cổ
Thời gian lay
tháp đổ
thì Phật ngồi với cỏ
Phật ngồi phơi nắng mưa
mắt khép trầm tư
môi hé nở
phảng phất hương nụ cười
bàn tay buông trên lòng thư thả
lặng lẽ nhìn thời gian
Chùa dựng lại
vàng son
Phật vẫn thiền nguyên chỗ
đèn nến lung linh
chạm trổ
trùng trùng vây trước sau
Tam Bảo, Cửu Long, Văn Thù, Bồ Tát…
Phật ngồi trong hương ngát
vẫn ngày xưa:
nụ cười thoảng cặp môi hé nở
và trên lòng, thư thả
bàn tay
những bệ thờ đổi thay
chùa có đổi phật vẫn thiền nguyên chỗ
cỏ lút, vàng son
Ve vuốt nỉ non, ầm ào dậm dọa
bàn tay ngỏ giữa lòng trần thư thả
Bình an…
Vũ Quần Phương
(1) Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, Bắc Ninh
“Thác thân vào đá
…
bình an…”
Vũ Quần Phương là nhà thơ quen thuộc với nhiều thế hệ bạn yêu thơ. Năm 2012, ông đã bước sang tuổi 72 với nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời.
Đọc “Phật và chùa”, chắc nhiều bạn đọc cùng nhận ra một điều dễ thấy: nhà thơ Vũ Quần Phương không nói về Phật và chùa cụ thể khi miêu tả pho tượng Phật A Di Đà (A Di Đà là tên của một vị Phật được thờ nhiều trong các chùa ở các nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản… tượng trưng cho từ bi và trí tuệ, luôn nguyện giúp chúng sinh tái sinh vào cõi cực lạc…) mà là từ miêu tả để nêu lên những suy nghĩ của mình về cách đối nhân xử thế qua các cuộc bể dâu từ những triết thuyết của đạo Phật với các khái niệm “vô thường”, vô ngã”, “Nhân quả”, “luân hồi”…
Nhà thơ đã miêu tả Phật Bà thiền trong hai không gian khác biệt: trong ngôi tháp cổ, ngồi cùng với cỏ, phơi nắng mưa và trong ngôi chùa: “vàng son… đèn nến lung linh/chạm trổ/trùng trùng vây trước sau”.
Hai không gian đối lập trong thế giới hữu hình của cõi trần không làm Phật Bà thay đổi tư thế thiền định. Ở không gian nào thì Ngài cũng “môi hé nở” và bàn tay “thư thả”.
Những thay đổi ngoại cảnh, dù là “phơi nắng mưa” hay là “ngồi trong hương ngát” thì Phật Bà vẫn “thiền nguyên chỗ” vì Ngài đã “Thác thân vào đá”, vào nơi vô thủy vô chung trong cõi vĩnh hằng.
Ngày nay, vào dịp nghỉ lễ, nghỉ tết, nhiều người đến với không gian văn hóa Phật giáo (ngôi chùa) để được tĩnh tâm, tìm lại sự “bình an” của lòng mình sau những ngày lao động vất vả mưu sinh và xử lý những tình huống khó khăn “ve vuốt nỉ non, ầm ào dậm dọa” của cõi chúng sinh…
Chắc rằng, nhà thơ Vũ Quần Phương cũng đã tìm được sự “bình an” của lòng mình khi đến thăm chùa Phật Tích ở Bắc Ninh và ngắm nhìn tượng Phật A Di Đà…
Thế đấy, cái triết lý về lẽ “vô thường”, vô ngã” của nhà Phật cũng vẫn là cái thức ăn của cõi đời vì nó nhắc ta phải nhớ: thế gian này không có cái gì là vĩnh cửu cả, nó luôn sinh ra và mất đi (kể cả cái “tự ngã” – cái tôi cá nhân của mỗi con người). Dù rằng có lúc ta “ngồi với cỏ… phơi nắng mưa” hay ở nơi “vàng son… trong hương ngát” thì hãy giữ lấy “môi hé nở” với cuộc đời và con người và luôn giữ mình “lòng thư thả”.
Trương Tử Kỳ
Ý kiến bạn đọc