Ngày ấy Lê Lựu tập viết văn
Là bạn vong niên của Lê Lựu, Trần Đăng Khoa rất cảm phục tài văn của bậc đàn anh. Thế nhưng, người hậu sinh lại cho biết rằng, thuở nhỏ, Lê Lựu không phải là một học sinh giỏi văn. Trên báo Văn nghệ trẻ (số 43 ngày 22-10-2000), khi trả lời phỏng vấn, nhà thơ thần đồng cho biết, thầy dạy văn của Lê Lựu tâm sự “Tôi không thể ngờ Lê Lựu lại trở thành nhà văn nổi tiếng. Hồi còn là học sinh của tôi, anh ấy không có dấu hiệu gì khá về môn văn cả. Có lần tôi đã cho anh ấy điểm 2 văn”. Ấy thế mà Lê Lựu vẫn rất yêu văn chương, tha thiết muốn trở thành nhà văn. Khi vào bộ đội, Lê Lựu bắt đầu viết. Ngày nào cũng viết, rồi gửi các báo. Mấy năm đầu chẳng báo nào in. Nhưng chàng trai trẻ yêu văn vẫn không nản chí.
Có lần, nhà văn Xuân Thiều công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội xuống đơn vị tìm hiểu thực tế để viết. Khi ấy Lê Lựu đang là chiến sĩ thông tin tuyên truyền. Buổi tối hôm ấy, Lê Lựu chuẩn bị sẵn một bài văn (cũng có thể gọi đó là một bài báo) viết về tiểu đoàn mình, rồi cứ chõ cái loa sắt tây vào cửa sổ phòng khách – nơi nhà văn Xuân Thiều đang ở mà đọc, đọc một cách diễn cảm. Sáng sớm hôm sau, khi nhà văn Xuân Thiều ra giếng rửa mặt, Lê Lựu bèn mon men đến rụt rè hỏi: “Hôm qua thủ trưởng có nghe không?”. “Nghe gì?”. “Nghe em đọc truyện trên loa”. “Ô, thế thì mình đi ngủ sớm, không biết. Mà cậu đọc cái gì cơ chớ?”.
Lê Lựu vẫn không buồn. Anh lại viết và tiếp tục gửi bài đến các báo. Mãi đến sau này mới được in trên tờ tin nội bộ của Quân khu ba. Tác phẩm đầu tiên ấy của Lê Lựu là một bài báo. Trần Đăng Khoa nhận xét: Đúng ra đó chỉ là một cái tin. Lê Lựu cắt mảnh báo có cái tin đó ra, nâng niu cho vào túi nylon. Những lúc rỗi rãi, ông giở ra ngắm nghía.
Đỗ Phương Nhâm (st)
Ý kiến bạn đọc