Multimedia Đọc Báo in

Nhà thơ Chế Lan Viên làm thơ tặng vợ

13:53, 27/10/2012

Nhà văn Vũ Thị Thường sinh năm 1930, tại thôn Tả Thanh Oai, xã Đại Thành, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Vốn là cán bộ hoạt động phong trào phụ nữ, sau làm báo (chị Thường từng làm báo Kiến An). Tại đây, năm 1959, chị đã viết truyện ngắn “Cái hom giỏ” được giải thưởng Báo Văn học. Nhà thơ Chế Lan Viên khi ấy là biên tập Báo Văn học, do vậy mà hai người có điều kiện quen biết nhau. Ít lâu sau, chị Nga (tên thật của chị Thường là Lê Thị Kim Nga) lập gia đình với nhà thơ Chế Lan Viên rồi sinh được hai cháu Phan Thị Thắm và Phan Thị Vàng Anh. Lúc cháu Thắm mới 1-2 tuổi, chị vẫn đèo con đi thực tế về nông thôn ở huyện Kiến Xương, và huyện Tiền Hải (Thái Bình) để viết về những người phụ nữ tiên tiến xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Anh ở lại ngôi nhà cấp bốn với mênh mông nỗi nhớ vợ, nhớ con.

Là nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà văn hóa lớn của đất nước, Chế Lan Viên từng có nhiều bài thơ hay viết về Tổ quốc, về Đảng, Bác Hồ, về đất nước. Như các nhà thơ khác, ông cũng có những bài thơ viết về nỗi riêng tư. Cụ thể là vợ, là con trong khoảnh khắc cách xa của tháng năm ấy.

Em đi về Kiến Xương

Mùa này mưa bão lắm!

Phòng anh mờ hơi sương

Nhớ em như nhớ nắng

 

Chiều nay ốm một mình

Vắng em ngồi bên cạnh

Ngọn gió đùa trêu anh

Cửa khép rồi vẫn đánh

 

Đường xa trăm cây số

Ngỡ có em về đó

Đắp chăn dày cho anh

Và đứng nhìn anh ngủ.

 

Rồi lại đi Thái Bình

Về Kiến Xương huyện nhỏ

Để lại trời bên cửa

Một màu xanh xanh xanh.

Màu xanh ở đây phải chăng là màu xanh của mây, của lúa Thái Bình hay màu xanh của cây và trời Hà Nội đều được cả. Biết công việc của chị khá bề bộn; bên con, bên cây bút, ông không lỡ “đánh điện” để về chăm sóc khi ốm. Nhà thơ đành làm một giấc mơ gặp vợ cho bớt nhớ, quên đau. Khi viết bài thơ này, Chế Lan Viên đã ngoài 40, chị Thường cũng ở tuổi “băm” rồi. Vậy mà tình yêu của hai người vẫn nồng say như thời trai trẻ.

 

Lần ấy, chị Thường đi thực tế ở miền biển Thái Bình vào thời điểm cuối thu sang đông, Chế Lan Viên viết bài: “Rét đầu mùa nhớ người đi phá bể”

Cái rét đầu mùa anh rét xa em

Đêm dài lạnh, chăn chia làm hai nửa

Một đắp cho em ở vùng sóng bể

Một đắp cho mình ở phía không em

Đắp ở phía không em là không ngoài ai khác là Chế Lan Viên, nồng nàn thương nhau như thế là cùng, nhà thơ chia thương nhớ, chia cái ấm cho vợ qua không gian.

Chế Lan Viên còn dành cho Vũ Thị Thường một bài thơ nữa đó là bài “Hoa ngày thường và chim báo bão”:

Em ơi! Chớ cười anh nhé

Sao đi sông rộng, đèo cao

Mà tấm lòng riêng vẫn nhớ

Hoa ngày ta ở bên nhau.

Sau chuyến đi thực tế ở Thái Bình, Vũ Thị Thường gặt hái được một mùa màng bội thu, là những truyện ngắn: “Cái đĩ con”, “Một ngày của ông chủ tịch xã chúng tôi”, “Vợ chồng ông lão chăn vịt”…

Bình sinh trong đời sống thường ngày Chế Lan Viên là người thẳng thắn, nóng nảy, ngược lại trong các bài thơ viết về vợ con, bè bạn thì lại đằm thắm vô cùng. Phải chăng người hay giận cũng là người hay thương? Vâng! Nhớ thương đâu chỉ vì khi cách xa, ngay cả khi có trái ngon, quả ngọt cũng nhớ thương da diết cần có nhau:

Mới gần đã vội chia xa

Không ăn quả vải vào mùa cùng anh!

Trái hồng khuất lấp cành xanh

Còn lưu quả chót trên cành chờ em.”

(Quả vải vào mùa)

Dẫu chưa bằng Elsa và Aragon, nhưng thơ của Chế Lan Viên viết cho nhà văn Vũ Thị Thường là thơ hay của người có tuổi viết từ trái tim thật sự.

Lê Hồng Bảo Anh (giới thiệu)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.