Nhà văn Nguyên Hồng “bình luận” bóng đá
Sau mỗi lần miệt mài bên trang bản thảo, nhà văn Nguyên Hồng lại dành một khoảng thời gian nhất định để vận động cơ thể nhằm “giãn xương cốt”, tránh đau mỏi vì “bệnh nghề nghiệp”. Bởi vậy, ông rất ưa vận động, chơi các môn thể thao; những môn thể thao không chơi được thì ông lại rất thích xem, trong đó có bóng đá.
Thời kỳ còn làm Hiệu trưởng Trường Viết văn Quảng Bá (Hội Nhà văn Việt Nam), nhà văn Nguyên Hồng thường hay xem bóng ở sân vận động Hàng Đẫy. Ông đặc biệt thích xem trận cầu giữa đội Công an Hà Nội với Cảng Hải Phòng (hai đội bóng mạnh của phía Bắc lúc bấy giờ). Trong suốt buổi xem trận bóng, ông đứng lên, ngồi xuống không yên. Tâm trạng, cảm xúc của ông thay đổi liên tục theo diễn biến của trận đấu. Ông cổ động hăng hái, cũng hò hét, huơ chân múa tay, nói cười chảy cả nước mắt. Có điều khác lạ là khi xem bóng đá, nhà văn Nguyên Hồng không chú ý nhiều đến kỹ thuật, chiến thuật đá bóng mà ông hay “bình luận” về tính cách, đạo đức chơi bóng của các cầu thủ như: “Cậu hậu vệ này chơi “hỗn” quá, cản bóng không được cứ giò người ta mà nện. Đến nước ấy chỉ có thể tống cổ ra khỏi sân mới yên được!” hay “Anh chàng tiền vệ kia chơi hiền, chẳng cần va chạm nhiều với ai mà cứ hay được bóng”… Rồi một pha bắt bóng chính xác của thủ thành ở “góc chết” khi phải chịu quả phạt đền, ông reo lên như con trẻ: “Chà! Một pha tuyệt đẹp. Nghệ thuật cũng chỉ đến thế là cùng!”…
Khi trận bóng kết thúc, nhà văn Nguyên Hồng dẫn cậu con trai bước xuống sân, bắt tay từng cầu thủ trong con mắt ngạc nhiên của mọi người. Riêng thủ thành, ông còn ôm hôn hồi lâu cảm động cứ như người thân lâu ngày gặp lại và khen tặng: “Tuyệt quá! Hay quá! Trận này không có cậu cứu nguy cú sút hiểm thì đội này hôm nay thua trắng bụng còn gì!”.
Sự cổ động quá nhiệt tình, có phần “Kỳ quặc” của nhà văn thu hút sự chú ý của các cầu thủ và khán giả trên sân. Hỏi ra mới biết vị cổ động viên – “bình luận viên” ấy là nhà văn Nguyên Hồng – tác giả của Những ngày thơ ấu, Bỉ vỏ, Sóng gầm… thì cầu thủ nào cũng muốn chụp ảnh với ông để làm… kỷ niệm.
Trần Văn Lợi (st)
Ý kiến bạn đọc