Nhà văn Nguyễn Tuân kỹ tính về chữ nghĩa
Có lần, nhà văn Nguyễn Tuân đưa cho nhà văn trẻ nọ một tờ báo rồi nói với thái độ kém vui:
-Anh đọc đi rồi cho tôi biết ý kiến.
Bài báo chi chít những dấu sửa lỗi của Nguyễn Tuân. Cách sửa của ông rất đặc biệt, không giống ai: từ trong khối chữ chạy ra lề những đường thẳng, đường gãy, đường ngoằn nghèo để dẫn đến những chữ, có khi cả một câu, một cụm câu. Có lẽ nét chữ to hay nhỏ ở những lỗi phải sửa phụ thuộc vào tâm trạng Nguyễn Tuân. Khi ông quá giận thì một dấu phẩy phải thêm vào sẽ to bằng móng chân gà.
Nhà văn trẻ nọ chăm chú đọc. Nguyễn Tuân nóng nảy:
-Tiếng Việt mình không đến nỗi nghèo. Ít nhất thì nó cũng không nghèo đối với trình độ mấy thằng cha cầm bút kém chữ thời nay. Chữ “y” chỉ đàn ông, “thị” chỉ đàn bà, rành rành. Vậy mà mấy thằng thất học nó lại dám nghĩ rằng tiếng Việt ta bần hàn, chúng mới thương tình đẻ rặn ra một cái từ ghép “y thị” để chỉ mụ đàn bà phạm tội. Khốn khổ thay cho cái tiếng Việt của ông cha!
Trông ông thiểu não như chính ông bị xúc phạm.
Để trêu đùa Nguyễn Tuân một chút cho vui, nhà văn trẻ nọ thưa rằng ông không nên nổi nóng, biết đâu cái từ kép đó lại hay. Nó có thể đắc dụng cho tiếng Việt để chỉ một người ái nam, ái nữ; vấn đề là liệu nó còn tồn tại được không, có được nhân dân chấp nhận không? Từ ngữ cũng giống như con người, trước hết nó phải được sinh ra đã, sau đó là chuyện khác. Nếu nó không chết yểu thì sống lâu khắc lên lão làng.
Nguyễn Tuân trợn mắt, gắt ầm lên, rằng ông không cần để mấy thằng kém cỏi ấy nhảy vào nơi vốn chẳng phải của chúng, rằng chẳng ai khiến chúng sáng tạo thêm tiếng Việt…
Nói ra được nỗi bực bội, vơi được nỗi phiền muộn rồi, Nguyễn Tuân trở lại tâm trạng vui vẻ thường ngày.
Đỗ Phương Nhâm (st)
Ý kiến bạn đọc