Sức mạnh tinh thần từ tự truyện “Không gục ngã” của Nguyễn Bích Lan
Nguyễn Bích Lan hiện là một dịch giả tiếng Anh với 23 đầu sách đã được xuất bản, trong đó có nhiều tác phẩm đã gây được sự chú ý như: “Vũ điệu trái tim”, “Triệu phú khu ổ chuột”, “Cuộc sống không giới hạn”…; chị còn là tác giả của nhiều bài thơ và truyện ngắn, tham gia viết báo và biên soạn sách. Vậy mà ít ai ngờ được rằng con người làm rất nhiều công việc ấy chỉ là một cô gái yếu ớt với sức khỏe chỉ bằng 15% người bình thường, luôn luôn phải đối mặt với những cơn mệt do chứng suy tim gây nên. Đọc tự truyện “Không gục ngã” của Nguyễn Bích Lan (NXB Hội Nhà văn), độc giả sẽ cảm nhận được chính lòng ham sống mãnh liệt, luôn khao khát được làm việc đã tạo nên “sức mạnh” để chị kiên cường đấu tranh với bệnh tật và gặt hái nhiều thành công.
Sinh ra khỏe mạnh như bao người khác, Nguyễn Bích Lan từng có những năm tháng tuổi thơ hạnh phúc với rơm rạ, với những trò nghịch ngợm hấp dẫn của con trẻ. Tương lai tưởng chừng rộng mở với một cô bé xinh xắn, học giỏi, mê đọc sách và thích văn chương. Nhưng mọi ước mơ dường như đã dừng lại vào năm Bích Lan 13 tuổi, khi chị mắc bệnh loạn dưỡng cơ tiến triển – một căn bệnh hiểm nghèo mà đến nay y học vẫn chưa tìm ra cách chữa trị. Cơ thể chị ngày càng gầy đi nhanh chóng, khả năng vận động mất dần. Nghỉ học và bắt đầu hành trình chữa bệnh qua hàng chục bệnh viện, những năm tháng tuổi hoa của Bích Lan dường như “trôi đi trong một đường hầm tối tăm, mờ mịt không chút ánh sáng le lói” và có những lần đã “chạm vào cánh cửa của cõi chết”. Bệnh tật đã khiến cuộc sống của chị phải quanh quẩn giữa bốn bức tường trong căn phòng chỉ 10m2, không khóc vì đau, vì tuyệt vọng mà khóc vì “ngày của mình quá dài mà chẳng có cách nào giết chết thời gian”. Thế rồi chị đã tìm thấy “ánh sáng trong đường hầm tối” bằng cách tự học tiếng Anh. Quá trình tự học tiếng Anh của chị là một nỗ lực ghê gớm, trong đó khó nhất là vượt qua bản thân – và Bích Lan đã làm được. Chị đề ra cho mình một thời khóa biểu tự học nghiêm ngặt; tuân thủ những sát hạch định kỳ; nghĩ ra nhiều cách để ghi nhớ từ vựng, thực hành những kiến thức đã học. Chị tự luyện nghe nói bằng cách dò đài BBC, VOA; thậm chí khi chiếc catset hỏng, chị tự nghĩ ra một người bạn “ảo” có tên “Mr.Hope” để hằng ngày luyện nói bằng cách tâm sự với người bạn ấy. Chị tự học giáo trình tiếng Anh cao cấp và các môn học bắt buộc đối với sinh viên ngoại ngữ; theo học chương trình đào tạo từ xa các môn đại cương của hệ đại học; nghiên cứu tiếng Anh thương mại… Với vốn kiến thức học được, chị đã mở lớp học Cây táo để dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ quê mình và việc dạy học đã mang đến niềm vui mới cho cuộc sống của chị, dù chị phải dùng hai tay để nâng viên phấn, đánh liều với sức khỏe mong manh của chính mình để duy trì các lớp học.
Thử thách luôn đến với Bích Lan. Năm 2000, chứng suy tim khiến chị phải chấm dứt việc dạy học sau 5 năm duy trì lớp học tiếng Anh tại nhà. Rồi “một cánh cửa khác lại mở ra”, đưa chị đến với việc dịch sách văn học. Say mê với công việc dịch sách, năm 2004, khi nước ta ký công ước Berne về bảo hộ bản quyền, không còn nhận được sách từ nhà xuất bản để dịch, Bích Lan lại vắt óc suy nghĩ cách để được làm việc. Chị đã tự tìm sách, tự liên hệ với các tác giả và đại diện của họ, tham gia vào quá trình giao dịch bản quyền với tư cách là cầu nối giữa tác giả với các nhà xuất bản trong nước. Miệt mài làm việc, đến nay chị đã có 23 cuốn sách văn học dịch được xuất bản; trong đó có những bản dịch xuất sắc, đáng chú ý như “Triệu phú khu ổ chuột” (đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam) và năm 2010, Bích Lan đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Không chỉ dịch, chị còn sáng tác nhiều bài thơ và truyện ngắn, trong đó tập truyện ngắn “Sống trong chờ đợi” của chị đã được xuất bản và gây được nhiều sự chú ý của bạn đọc. Chị vinh dự là một trong tám người phụ nữ đương đại được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tôn vinh tại phần trưng bày mới của bảo tàng.
Qua hơn 300 trang sách trong cuốn tự truyện của Nguyễn Bích Lan, người đọc như được tiếp thêm sức mạnh qua những lần vượt qua thách thức của chị. Với Bích Lan, mọi thách thức của cuộc sống không phải là khó khăn cản bước tiến mà đó chính là nguồn thúc đẩy sự quyết tâm, ý chí và khả năng sáng tạo. Chị còn coi những thách thức, khó khăn chính là cơ hội cần nắm bắt để thay đổi hoàn cảnh, thay đổi cuộc sống. Từ những trải nghiệm của bản thân, chị đã chiêm nghiệm lại những điều đã giúp chị đứng vững và vươn lên trong cuộc sống, đó chính là không đổ lỗi, bắt đầu từ những gì còn lại, khi buồn hãy nghĩ đến những người còn buồn hơn mình, không sợ khó, học để đổi đời, dám sống với đam mê, tự gieo mầm hy vọng…
Chắc chắn cuốn tự truyện của Nguyễn Bích Lan sẽ gieo những hạt giống tâm hồn, giúp ích cho rất nhiều người tìm lại niềm tin yêu vào cuộc sống, tiếp thêm nghị lực cho mọi người để dù rơi vào hoàn cảnh nào cũng sẽ tiếp tục nỗ lực vươn lên…
Hải Hà
Ý kiến bạn đọc