Từ sông Krông Bông (kỳ 17)
Khi người đàn bà đội nón dẫn Hồng Ánh cắt ngang đường, vượt lên lưng chừng vùng đất cà phê thoai thoải như một ngọn đồi đối diện sau vườn quán Sơn Cước thì nghe tiếng chân tốp lính chạy dọc hàng rào, kêu thình thịch. Không rõ là sắc lính gì, số lượng bao nhiêu. Nhưng chắc chắn đây là tốp lính có nhiệm vụ bao bọc phía sau quán. Hồng Ánh và người đàn bà biết là lính không phát hiện được hai người, nhưng không dám dừng lại để quan sát tình hình bởi còn phải đề phòng chúng quất đèn pin đến bất ngờ, cà phê non mới cao ngang ngực, thẳng tắp từng hàng, trống trải lắm, nên rất dễ bị nhìn thấy. Họ lên ngọn đồi, đi chậm lại để thở. Hồng Ánh dừng lại, ngó về phía quán Sơn Cước, trong lòng nặng trĩu tâm tư, chân như không muốn bước. Cô kêu lên thảng thốt trong lòng: “Trời ơi, ở đó còn có bà chủ quán, một người chị mà từ lâu mình đã mang máng ngờ rằng đây là người bảo vệ mình hằng ngày như chú Cửu đã nói. Biết chị có bị bọn nó làm tình làm tội không? Chị ơi, vì em mà chị phải đối mặt với chúng nó. Biết chị có bị lộ không? Mà chắc là không, bởi chị có vỏ bọc quá chắc chắn...” Đến đây, lòng cô quặn lại, nhớ đến một chuyện mà mỗi khi nhớ, cô không dám tin là sự thật - Bởi nó quá đau lòng, đau đến xót xa mà chị đã chấp nhận... Cách nay không đầy một tháng, có một người đàn bà lịch thiệp chắc hơn chị vài tuổi, đến thăm chị và hai người chuyện trò suốt buổi tại ngay góc quán vắng khách. Không biết họ nói chuyện gì, chỉ biết tối hôm đó và cả ngày hôm sau, chị bỗng tư lự, suy nghĩ đăm chiêu, có vẻ hơi thẫn thờ. Rồi sau đó vài ngày, chị nhận lời đi chơi với đại tá tỉnh trưởng nhân ông đi công cán ở Sài Gòn... Biết đến đấy Hồng Ánh đã thấy rùng mình.
Còn bao chuyện cô đâu có biết...
Họ đã cùng tắm biển và ngủ qua đêm tại Vũng Tàu. Để đánh cắp hồ sơ quan trọng của ngụy quyền, chị đã khéo léo bỏ một chút thuốc mê trong ly rượu, khiến cho ngài đại tá chưa kịp ái ân đã lăn ra ngủ như chết. Chị liền mở cặp của đại tá, đã coi và cố nhẩm thuộc lòng các nội dung chính của kế hoạch hủy diệt vùng ven, vùng giải phóng và cả mật khu Việt cộng vừa mới được tổng thống Việt Nam cộng hòa phê chuẩn. Để bảo vệ chị trong chuyến công tác mạo hiểm này, tổ chức không cho phép mang theo bất kỳ một phương tiện nghiệp vụ nào, ngoài trí nhớ tuyệt vời của chị, mà chị vốn là cô giáo dạy hóa học trường Đồng Khánh bên bờ sông Hương, đã từng thuộc lòng bản tuần hoàn Menđêlêép. Chỉ sau một ngày về Buôn Ma Thuột, các nội dung chị thuộc lòng trong khách sạn ấy đã được gửi ra vùng giải phóng...
Hồng Ánh đâu có biết...
Đến như ông Cửu bí thư Buôn Ma Thuột cũng coi quán bar Sơn Cước và cô chủ quán giống như mọi quán xá khác chỉ có một việc buôn bán mưu sinh. Ông không hề biết ban an ninh Khu năm đã lo tiền bạc để một người đàn bà xứ Huế khá xinh đẹp mua lại cái quán của một người Tàu. Nhờ làm ăn được và sẵn đất còn rộng nên sau vài năm, cái quán nhỏ được mở mang thành quán bar Sơn Cước ở vị trí cách cổng chính sư bộ hai mươi ba chưa đầy hai trăm mét. Bỗng một hôm có người đàn ông đứng tuổi đến và cãi nhau kịch liệt với cô chủ quán. Hai bên xô xát và nếu không có mấy sĩ quan thực khách can ngăn lại thì ông ta đã châm lửa đốt quán.
Nghe lời qua tiếng lại, khách ăn mới biết nội tình của hai người. Và câu chuyện nhanh chóng lan truyền trong cư dân Buôn Ma Thuột.
Họ là một cặp, anh chồng tuổi trạc năm mươi, cô vợ chắc cũng ngót bốn mươi. Anh chồng là công chức trong tòa hành chính Huế, có một cô nhân tình và thua bạc đến mức phải làm giấy bán nhà để thoát khỏi sự hành hung của băng cờ bạc. Cô vợ sôi máu lên, cầm dao dọa sẽ tự tử trước mặt bàn dân thiên hạ và đã giật lấy cái giấy bán nhà từ trong tay người mua. Rồi anh chồng tháp tùng công cán lâu ngày tận trong Sài Gòn. Ở nhà, cô vợ bán nhà, ẵm tiền bạc và dắt hai đứa con, bỏ xứ ra đi biệt tích. Mãi ba năm sau, vào đầu năm một ngàn chín trăm sáu mươi hai, anh chồng mới tìm được nơi vợ mình đang trốn. Cô vợ thẳng tay đuổi anh chồng và căm phẫn hét to lên là nếu anh vác mặt tới một lần nữa thì cô ta sẽ thuê bọn dao búa chém bỏ. Anh chồng hỏi con, cô vợ bảo khi nghỉ đêm tại ngã ba Ninh Hòa, cộng sản và quốc gia đánh nhau dữ dội, hai đứa con bị lạc mất.
Chuyện về quán Sơn Cước và cô chủ quán, mọi người đều biết như thế. Các cơ sở nội thị báo với ông Cửu như thế. Và Hồng Ánh cũng đã từng nghe anh Kỳ cho biết như thế.
Ở Dak Lak, chỉ có hai người biết rõ thực chất mọi chuyện. Người thứ nhất là cô chủ quán. Người thứ hai là một chiến sĩ tình báo của Ban an ninh Khu năm đang mang lon đại úy trong ban tham mưu sư bộ hai mươi ba. Ban an ninh mua quán và cử một nữ chiến sĩ tình báo vốn là một cô giáo trường Đồng Khánh có tên Hương Giang, giữ vai trò chủ quán. Chuyện anh chồng từ Huế lên tìm vợ rồi xô xát ồn ào ở quán chỉ là một cảnh giàn dựng đã được chuẩn bị rất kỹ của Ban an ninh. Một chiến sĩ tình báo đã cắm trong tòa hành chính Huế giữ vai chồng cô chủ quán. Còn chồng của cô hiện là đại đội trưởng một đơn vị quân giải phóng Quảng Trị - Hai đứa con đang độ tuổi niên thiếu, khi đến Đà Nẵng, các cháu đã được tổ chức đưa lên chiến khu rồi cho ra Bắc học hành.
Chỉ huy hoạt động nhánh tình báo này là một cán bộ Ban an ninh Khu năm. Họ thường liên lạc với nhau qua máy vô tuyến điện khi người chiến sĩ tình báo trong sư bộ hai mươi ba ngồi trên chiếc sõng câu cá giữa hồ Ea Nhái, cách Buôn Ma Thuột không xa. Người cán bộ an ninh khu về Dak Lak đều theo một nhu cầu công việc nào đó do ông hoạch định và chưa bao giờ ông nhỏ to một tiếng với Bí thư Tỉnh ủy về quán bar Sơn Cước.
Quán chỉ nghỉ bán mấy hôm sau vụ truy bắt Hồng Ánh, rồi đâu lại vào đó như thường lệ. Nhìn vẻ bên ngoài thì vậy, còn cô chủ quán lại trằn trọc thâu đêm, cô hình dung các tình huống chưa lường trước được sẽ đến, thậm chí nó có thể bất chợt ập đến ngay bây giờ.
Một người khác đã khiến Hồng Ánh bồn chồn lo lắng đó là bà Mười. Cô cầm chắc là thế nào tai họa cũng đổ xuống đầu bà, ngay vào lúc nửa đêm này. Nhưng sự thể như thế nào, cô chưa hình dung được. Vừa đi, cô vừa nhớ đến Quang, nhớ đến Nguyệt - Và cô cứ hỏi mãi, hỏi với chính mình cái câu hỏi mà cô không sao trả lời được: “Vì sao mình bị lộ?”. Cô cố nhớ và lần lượt xem xét lại tất cả các tình huống trong suốt thời gian hai năm đứng ở quán Sơn Cước, xem đâu là chi tiết sơ hở mà bọn mật vụ có thể để ý, theo dõi. Rồi cô lắc đầu, không hiểu được.
Hai người lần từng bước trên ngọn đồi cà phê, vào lúc ban ngày, thấy có hình dáng như một chiếc nong lật úp lại. Con đường quanh chân đồi, lâu lâu có tiếng xe nhà binh chạy hối hả. Khi ép vào vạt cây sát mé đường, hai người thấy bóng dáng mờ mờ chừng năm sáu tên lính đi im lặng. Không biết là sắc lính gì, nhưng chắc chắn đây là lính tuần tra trong vụ vây ráp Hồng Ánh. Lúc vượt qua đường, vào một lối phố nhỏ tối om, ngửi thấy mùi thuốc lá thơm, lại nghe tiếng chó ăng ẳng ở mấy ngã tư - Bọn cảnh sát, mật vụ ẩn mình phục kích trong đêm tối. Chắc là như vậy. Các đường phố, nếu nhà nào không có tường rào bằng gạch thì chúng bắt rào bằng dây thép gai như ở ấp chiến lược. Khi leo qua rào dây thép gai để đi đường tắt, lỡ mà bị chó phát hiện thì khó mà thoát được. Trời sắp sáng, đành phải trở lại ngôi nhà nhỏ của người đàn bà đội nón lá.
Người đàn bà nói nhỏ:
- Về nhà chị cũng không yên đâu. Nhưng mình cũng đã sơn cùng, thủy tận. Cứ về, rồi tính tiếp.
Hồng Ánh không biết nói gì, chỉ lẳng lặng đi theo.
(còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc