Từ sông Krông Bông (Kỳ 36)
Nằm trên võng cả tiếng đồng hồ, Quang không sao ngủ được. Mấy anh trinh sát quân khu nói yêu cầu của chuyến khảo sát đã đạt được. Thì cũng nói chung vậy thôi. Quang biết không nên hỏi thêm. Thật tình anh muốn biết xem họ khảo sát đồn cây số mười tám để làm gì? Và họ dự định đặt đài quan sát ở đâu? Có hỏi, họ cũng không hó hé gì nữa đâu, nên tốt nhất là đừng hỏi. Đấy là công việc của họ. Số phận của anh trinh sát tỉnh đội mới thật đáng lo. Không biết anh ta sống chết ra sao, có bị trúng đạn chỗ nào không, và chắc anh ta đói vàng mắt. Còn cái bao mang của anh ta, sao mà nặng đến vậy? Quang nghĩ: “Chắc thằng cha này khùng khùng, điên điên rồi. Ai đòi, đi công tác phải luồn rừng, qua sông, qua suối, rúc bụi, rúc bờ, lại mang theo một bao nặng chịch. Ừ, mà điên sao được. Tính tình anh ta vui vẻ. Đầu óc anh ta lanh lợi, thông minh. Người thì cao to như ông hộ pháp. Như vậy mới xứng danh một chiến sĩ trinh sát. Phải, mình điên thì có, chớ không phải anh ta”.
Thật trớ trêu thay, Quang đâu có biết...
Trên đường từ tỉnh đội đến thị ủy để nhờ người dẫn đường, anh trinh sát tỉnh đội gặp xác một chiếc trực thăng tại bìa rừng gần Khuê Ngọc Điền. Chắc chiếc trực thăng mới bị bắn rơi đâu vài ba ngày, không thấy xác phi công. Anh trinh sát thâu mặt trong chiếc máy bay, đủ thứ vật dụng. Trong đó có chiếc máy định vị, gọi là “cây nhiệt đới” khá nặng ký. Ở đầu cái bao được buột chặt có thòi ra đầu mấy cái ống thép và ăngten máy định vị. Lúc bốn giờ chiều ngày thứ ba, nhóm trinh sát xong nhiệm vụ, Quang đưa họ về địa điểm đội công tác, ngủ lại một đêm. Trong khi Quang về thăm và ngủ với hai anh em đội công tác, tại vị trí nhóm trinh sát ngủ gần đấy, anh trinh sát tỉnh đội đã mở bao, lấy máy định vị ra ngắm nghía, sờ sờ, nắn nắn. Chính anh ta cũng chẳng hiểu đây là cái gì. Không biết như thế nào, chiếc máy vận hành... Đến mờ sáng hôm sau, Quang trở lại nhóm trinh sát, anh ta đau bụng đi ngoài. Rồi địa điểm bị bọn thám báo tập kích - Quang mang cái bao ấy đến bây giờ...
Ở cơ quan thị ra, sau khi Quang và nhóm trinh sát quân khu đi về phía căn cứ tỉnh đội, chừng một tiếng đồng hồ, vào lúc tám giờ sáng, pháo từ đồi Chư Ri ầm ầm dội tới. Suốt gần hai tiếng đồng hồ, pháo 105 làm tan nát vùng cơ quan thị đóng quân tại buôn Lum.
Tới chiều, khi trở về, trước cảnh tang thương đổ nát, anh Bắc văn phòng hỏi ông Bảy:
- Anh nghĩ sao, anh Bảy ? Cậu Quang ở địa bàn, địa bàn bị tập kích. Cậu Quang mới rời chỗ này, chỗ này bị pháo băm nát. Thế nghĩa là sao ?
Vẻ mặt ông bảy trầm ngâm, nặng nề. Ông đang ngồi trên thân cây to bằng bắp vế mới ngã xuống sau trận pháo. Ông chậm rãi mà nói rõ ràng:
- Ừ, anh nói đúng. Nhưng tôi chưa nghĩ sao hết.
Nét mặt anh Bắc lộ vẻ căng thẳng. Anh đi đi, lại lại trước mặt ông Bảy. Khi đứng trước ông Bảy anh nói:
- Tôi sực nhớ tấm hình cậu Quang trong hộc bàn của một sĩ quan mật vụ, mà anh cũng đã biết. Anh nghĩ sao, chuyện tấm hình và chuyện đội công tác bị tập kích, chuyện cơ quan thị bị pháo có liên quan đến nhau không?
Giọng ông Bảy gay gắt:
- Nghĩa là anh nghi ngờ Quang?
Bắc bình tĩnh phân bua:
- Tôi không nghi ngờ Quang. Tôi chỉ căn cứ thực tế tình hình, nêu lên ý kiến như vậy. Anh cứ nghĩ coi, ý kiến của tôi rất có lý. Ngừng một lát, Bắc tiếp - Mình cần xâu chuỗi các sự kiện, nghiên cứu mối liên quan của nó, rồi rút ra kết luận hợp lý. Tình hình phức tạp mà cứ năm câu, ba sợi, cứ nghĩ khơi khơi, làm sao nắm được bản chất cốt lõi của vấn đề. Anh cứ ngẫm mà coi.
Sáng hôm sau, lúc nắng vừa mới lên, cơ quan thị ủy đang được dọn dẹp thì thấy ba chiếc trực thăng nối đuôi nhau bay ngang qua đầu. Đến trưa, giao liên đi trực hướng căn cứ sông Krông Bông về báo, trực thăng đổ quân hốt cơ quan tỉnh đội.
Nghe vậy, Bắc nói ngay với ông Bảy :
- Đấy, anh có thấy không, anh nói cậu Quang về tỉnh đội để trả bao mang của ai đó vào ngày hôm qua, thì sáng nay trực thăng đổ xuống hốt tỉnh đội. Tôi cũng không hiểu sự thể ra thế nào ?
Ông Bảy chần chừ :
- Ừ, tôi cũng không hiểu ra làm sao.
Liền đó, ông Bảy với tư cách phó bí thư, triệu một số cán bộ đến hội ý - Họ bàn bạc căng hơn một tiếng đồng hồ tất cả những gì đã diễn ra liên quan đến Quang _ -Ông Bảy quyết định cử một đồng chí thường vụ và một cán bộ xuống ngay địa bàn cánh Đông. Về trường hợp Quang, anh Bắc phát biểu:
- Tính tôi nghĩ sao nói vậy, nên nhiều người không ưa. Nhưng vì trách nhiệm với phong trào, nhất là đối với địa bàn trọng yếu như địa bàn cánh Đông, tôi đề xuất thường vụ không để anh Quang bám địa bàn đó nữa. Lý do tại sao ấy à ? Thì tại... thì xuất phát từ những diễn biến phức tạp đến khó hiểu mà các đồng chí mới cày qua, xới lại đó chớ đâu xa. Cứ như thế này, tôi không hiểu tình hình sẽ diễn biến đến đâu.
Ông Bảy hỏi :
- Nếu vậy thì bố trí cậu Quang vô chỗ nào ?
Bắc cười :
- Thì chuyện đó là của thường vụ. Mấy hôm rày, chẳng phải đã bàn miết mà chưa cử ai phụ trách tổ sản xuất đó sao ?
Ông Bảy càng ngạc nhiên :
- Không lẽ đưa cậu Quang về tăng gia sản xuất ?
Bắc cười đủng đỉnh :
- Có ai xem nhẹ mặt trận ấy đâu. Ông bà từ xưa đã dạy nhiều rồi.
Có năm người hội ý, mà đã ba người tán thành ý của Bắc. Cuối cùng ông Bảy kết luận:
- Tôi không nói đưa cậu Quang làm tổ trưởng, tổ phó đội sản xuất gì hết, nhưng tôi đồng ý đưa cậu ấy về tổ sản xuất. Đưa về đó tạm thời vài ba bữa thôi. Ngày mai, cậu ấy về đây, tôi sẽ thuyết phục được. Tôi cho rằng, trước mắt, tâm lý cậu ấy chưa thật ổn định, xuống địa bàn ngay là chưa nên. Cứ dừng chân ở đội sản xuất vài hôm cho bình tâm lại đã. Còn chờ ý kiến anh Cửu bí thư nữa. Với anh em cán bộ đứng mũi, chịu sào ở các địa bàn, ta phải rất thận trọng và trách nhiệm, không thể nóng vội, hấp tấp khi đưa ra một đánh giá, một kết luận.
Xong cuộc hội ý, ông Bảy xuống suối rửa mặt. Chị nấu bếp bước gấp gáp, đuổi theo ông Bảy. Đến ngang ông, chị vừa nói vừa thở mạnh:
- Chú Bảy, thằng Y Ví cánh Đông về, nó muốn gặp chú.
- Ừ, thì nói nó đợi trên đó, tao rửa mặt rồi lên. Chuyện chi mà mặt mày mi tái mét như sắp có trực thăng đổ quân.
Giọng chị cấp dưỡng gần như thì thào:
- Chú Bảy ơi, thằng Y Ví muốn chú ra chỗ nó, thì chỗ cây bứa to to bên kia suối chớ đâu nữa. Nó định vô kéo chú ra thì bất ngờ gặp cháu đi kiếm măng, nó nhờ. Nó còn dặn chỉ nói một mình chú thôi - Nó với thằng Nam, khiêng một người nào bị thương chú à. Chú đi mau.
Mặt ông Bảy chợt biến sắc, tái hẳn đi. Ông nghĩ chắc có chuyện chẳng lành.
Hai chú cháu đến nơi. Ông hỏi ngay:
- Thế nào Y Ví, đầu đuôi chuyện này là sao?
Không chờ nghe Y Ví trả lời, ông Bảy kéo bọc võng để xem người nằm trong. Và ông lặng đi hồi lâu. Ông không khóc nhưng mặt ông méo xệch, hai hàng nước mắt thật to chảy xuống hai gò má sạm đen. Ông cúi xuống thấp hơn, đưa tay vuốt nhẹ hai má và cằm Thanh Xuân. Thanh Xuân mở mắt. Ông Bảy bật lên tiếng kêu “Con...”. Rồi ông cố lắm mới ngăn được tiếng khóc nghẹn trong cổ. Chị nấu bếp quỳ hai gối bên võng, áp mặt mình lên tóc Thanh Xuân. Chị khóc lặng lẽ.
Y Ví kéo ông Bảy ngồi xuống. Anh thuật lại chuyện xảy ra bằng một giọng nho nhỏ, không muốn Thanh Xuân nghe. Anh nói thêm:
- May quá, đến sáng thì gặp đội phẫu tiền phương của tỉnh đội. Anh em cho ăn, cho uống. Nếu không thì làm sao đến cơ quan được trưa nay. Họ còn khám, cho thuốc, băng bó vết thương cho chị Sáu. Họ nói phải đưa chị đi bệnh xá tỉnh ngay, không được chậm trễ. Một bác sĩ nói số chị rất hên. Đạn trúng phổi. Dịch sang một chút, trúng ngay tim, thì không còn chuyện gì để nói nữa.
Như vậy, Y Ví cũng không biết tình hình hai anh em bám ở đội cánh Đông, cũng không biết tình hình của Quang và tổ trinh sát. Ông Bảy không cho Y Ví biết tình hình của Quang và tình hình hai anh em bám đội cánh Đông, ông chưa nắm được. Ông dặn Y Ví và Nam chút nữa vào cơ quan, nghỉ lại một tối và sáng mai trở về đội cùng một đồng chí thường vụ. Ông còn dặn hai người giữ kín chuyện chị Sáu bị thương. Sau đó, ông báo chị nấu bếp đến gặp cán bộ buôn Lum, cho huyện xin ba dân công khiêng thương binh đi bệnh xá. Ông còn dặn chị không được hé răng nói với ai tất cả những chuyện chị chứng kiến ở đây.
Ông Bảy không biết rằng khi hai chị em bên nhau, Thanh Xuân có nhờ chị một việc - Bằng một giọng yếu ớt, cô vừa nằm trên võng vừa nói. Thanh Xuân nói muốn viết mấy dòng cho anh Quang, nhưng không ngồi dậy viết được. Cô nhờ chị nói với anh Quang rằng... Quang đã nói với Thanh Xuân, lúc anh mới sinh, mẹ đặt tên anh là Khả. Khi thoát ly, anh lấy tên Quang, nhưng lúc nào anh cũng quý cái tên Khả. Trên chiếc khăn tay, Thanh Xuân thêu hai chữ K-X là chữ cái đầu tiên của tên hai người. Chữ K là tên của Khả, của Quang, không phải là của một ai khác.
Nghe đến đây, chị nấu bếp chợt kêu lên: “Trời ơi, vậy mà...”, khiến cho ông Bảy phải hỏi “Có chuyện gì vậy?”. Chị nấu bếp khóc, nhận lệnh ông Bảy, đi buôn Lum và sau đó, chị không có cơ hội gặp Quang.
Ông Bảy nắm chặt vai Y Ví, nói gọn một câu:
- Cậu cừ lắm.
(còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc