Multimedia Đọc Báo in

Từ sông Krông Bông (Kỳ 38)

15:30, 18/05/2014

Thằng Đích vặn to chiếc đài. Nó phải chờ gần một năm mới nhờ được anh em đội công tác đem giùm chiếc đài do cha mẹ gửi ra. Lúc nào nó cũng mang cái máy bên mình. Tối ngủ, nó để máy trong võng, ép sát bên hông. Nó nói, nghe lâu ngày, tự nhiên thích tiếng hát nhóm Sơn Ca của Đài tiếng nói Việt Nam. Nó thuộc lõm bõm và có lúc nghêu ngao vài câu trong bài hát Em đi thăm miền Nam của nhạc sĩ nào đó. Còn bây giờ, đài đang phát chương trình Tiếng hát gửi vào Nam. Trong máy vang lảnh lót giọng chị Bích Liên hát bài Nổi lửa lên em của nhạc sĩ Huy Du.

Đối với Hà, đây là một đêm ý vị. Anh nói tâm đắc:

- Đêm nay thật tuyệt vời. Dầu sao, mình cũng cảm ơn thằng Mỹ bắn hộ mình con heo rừng to.

Nghe vậy, thằng Đích chợt cười to:

- Không không, thằng Mỹ tham lam lắm, nó không công bằng chút nào. Đến đây, thằng Đích vặn nhỏ chiếc đài, rồi nói - Để em kể anh nghe thằng Mỹ bắn thú rừng. Hồi anh còn ở Khuê Ngọc Điền, có lần căn cứ bị càn. Mấy chú, mấy anh với em nữa, có năm người. Khi lội qua sông, lên trên bờ, anh có biết không, em thấy một con nai chà bị trực thăng Mỹ bắn trúng. Nó to lắm, hơn trăm ký. Lúc đó gần xẩm tối, anh em trụ lại để làm thịt - Dạ, thì lúc đó bọn hành quân cũng co cụm lại để ăn chiều, ăn tối rồi. Có gì đâu mà sợ. Bữa đó may sao có gạo. Ních một bụng tơi bời khói lửa. Món tái đâu có thua thịt bò. Xương thịt ê hề. Làm giàn sấy. Mấy ảnh nói nay mai đại hội chi bộ cơ quan, khỏi lặn lội đi kiếm cá thịt nữa. Thịt con nai này đủ ăn mệt rồi.

Thay nhau thức đến hai ba giờ sáng để trở thịt và canh chừng cái giàn sấy nóng quá sẽ bị cháy sập. Cuối cùng dập lửa ngọn, cào than rải đều phía dưới dàn một cách cẩn thận. Rồi ngủ lúc nào không biết. Anh Năm Lẹ lơ mơ nghe tiếng chân người lội nước, mở mắt ra, thấy trời sáng bét. Anh ngồi thẳng dậy, nhìn xuống suối. Cha mẹ ơi, bọn lính lội qua sông, có đến một tiểu đội. Chắc có thằng thấy anh, nó xổ đạn lên bờ. Rồi, chúng vừa lên bờ, vừa có bao nhiêu đạn đều xổ hết về phía anh em mình. Anh em mình bị bất ngờ, nhảy xuống võng, chạy thoát thân được là may rồi. Hồn vía đâu nữa mà quơ cái này cái nọ. Giả sử như anh Năm Lẹ không nghe tiếng lội nước, thì chắc bọn lính đến cầm dây võng, lắc qua lắc lại để gọi anh em mình dậy, ôm gói ra Côn Đảo mất rồi. Mất hết võng. Ai có mang theo thứ gì, cũng mất, chỉ còn bộ quần áo trên người. Có anh, khi sấy thịt, nóng quá, chỉ mặc chiếc quần đùi để ngủ, nhờ vậy, lúc lâm nạn, may sao tài sản còn lại chiếc quần đùi sắp rách. Em có kịp chụp đôi dép đâu. Ừ, mà lúc đó đến ông trời cũng không còn hồn vía để nhớ đôi hia đúc bằng vàng của ổng, thì mấy đôi dép râu của mình, ai nhớ được. Mất một cây carbin, một tập tài liệu. Em còn cái đài, bởi lúc ngủ, em thường xỏ cổ tay vô cái dây của nó, nên khi em chạy, cái đài chạy theo. Chạy đến buôn Chàm, anh em dừng lại thở. Ai cũng chân đất, đầu trần. Có anh chỉ mặc quần đùi, không thấy áo xống đâu hết - Mặt mày, mình mẩy, gai cào ngang dọc, đất bùn lấm lem, xơ xác như tàn quân thất trận. May sao da thịt còn nguyên, chỉ có chú Dẫn, mất một bàn tay và mất tập tài liệu, đáng lo lắm.

Giọng thằng Đích lắng lại hồi lâu, sau đó, giọng nó có vẻ bình thường trở lại. Nó nói:

- Mấy thằng công tử Mỹ chơi không ngon, nó tham quá. Nó có công bắn con nai, mình có công mổ xẻ, rồi sấy mệt thấy mồ, mà nó bợ tuốt, không để lại cho mình một mẩu nào. Té ra, mấy anh em mình làm không công cho thằng Mỹ. Tức thật - Thằng Đích chợt vỗ tay, kêu lên tiếc rẻ - Ờ, sao bữa nớ em lại quên phứt cái chuyện kéo con nai xuống ngâm dưới sông? Thì mình cứ mổ bụng, lấy hết ruột gan, phèo phổi, rồi ngâm con nai dưới nước. Sáng mai, thịt vẫn tươi ngon, anh em mình khỏe. Lại khỏi làm không công cho mấy thằng Mẽo. Trời ơi, vậy mà quên cha nó đi. Chắc bởi lúc đó anh em mừng quá, nên sơ ý không nhớ ra.

Tiếp theo, thằng Đích kể lại chuyện mất tài liệu - Lửa than tàn gần hết. Tuy không thấy rõ khuôn mặt thằng Đích, nhưng nghe tiếng nói, anh biết nó buồn và chắc vẻ mặt có phần căng thẳng. Chuyện thằng Đích kể, Hà đã nghe Nguyệt kể lại kỹ càng hôm trước.

Trong đêm anh em sấy thịt nai có một người tên Dẫn. Anh Dẫn, cán bộ bên bộ phận tuyên truyền, một người dỏng cao, da đen, ốm yếu. Năm nay anh bốn mươi tuổi. Anh bảo trước học trường Tây, cô giáo người Pháp gõ thước bầm cả hai tay. Chắc vì vậy, anh viết chữ đẹp quá, không một ai trong cơ quan viết đẹp bằng. Anh là người tốt bụng đã đành, ai cũng thừa nhận. Tuy vậy, khi tiếp xúc với anh, ai cũng canh cánh trong lòng với ấn tượng là mình đang tiếp xúc với “Ông vua cẩn thận”, nên cũng hơi dè chừng. Không biết có thật hay không, Hà nghe bọn trẻ kháo nhau về tính cẩn thận quá mức của anh Dẫn. Như đang đi trên lối mòn cơ quan, nếu gặp một nhánh cây nhỏ xíu nằm trước mắt, anh Dẫn đều bốc nhánh cây đó bỏ sang một bên rồi mới bước. Đang nằm ngủ lúc nửa đêm, nhớ để dép dưới võng chưa ngay ngắn, thì thế nào anh cũng mò dậy sửa sang đôi dép thẳng thớm rồi mới ngủ yên. Chúng nó còn vừa kháo vừa cười thích thú chuyện ông vua cẩn thận té võng trong một chuyến công tác đông người.

Cánh thanh niên kêu đói bụng, lo nấu cơm trước. Anh Dẫn cứ từ từ, treo võng trước cái đã, nấu nướng sau. Treo võng xong, anh ngồi quàng hai chân qua võng, nhún lên nhún xuống mấy lần, thấy võng được treo một cách chắc chắn, mới rút gói thuốc rê quấn một điếu. Vưa bập thuốc, anh vừa xách ăng-gô xuống suối vo gạo. Ăn cơm xong lúc trời xẩm tối. Anh Dẫn từ từ ghé hai mông xuống võng, đưa hai chân lên và lưng ngả xuống. Nằm yên đâu vào đó chừng một phút, bỗng dưng một dây buộc thân cây phía đầu võng sút ra, đầu và lưng anh rớt xuống đất. Cánh thanh niên thấy vậy, chúng bụm miệng, không thể cười khi một người lớn tuổi đang bị đau. Nhưng làm sao chúng có thể giấu được tiếng cười. Chúng nó kêu lên rằng sở dĩ dây võng của anh Dẫn sút ra, chỉ tại cái tính anh quá cẩn thận. Còn chúng nó, tự cho mình là ẩu tả, dây võng tréo qua tréo lại vài vòng, rồi ném mình lên võng, đưa nhanh như đu, mà có sao đâu. Chúng vừa đưa võng rung hai cây hai đầu, vừa nghêu ngao hát “Xuân chiến khu nhớ tình làng quê, xóm cũ”(*).

Còn chuyện anh Dẫn để mất tài liệu thì ai cũng thấy thương anh. Người ngoài cơ quan, khi nghe chưa rõ đầu đuôi, thường cứ xuýt xoa: “Vua cẩn thận mà để mất tài liệu thì lạ quá”.

Thực ra anh Dẫn cẩn thận ở mọi lúc, mọi nơi, từ nhiệm vụ cơ quan giao đến chuyện lặt vặt đời sống hằng ngày.

Hôm chạy càn, trong túi dết nhỏ của anh chỉ có mấy thứ bất ly thân: Võng, ni lông che mưa, cây đèn pin. Nay thêm một tài liệu được cuộn tròn, đút vô ống lồ ô khô, to bằng cán dao. Nắp túi dết được gài bởi hai nút nhựa đen, to bằng ngón tay cái. Để cho chắc, anh Dẫn lấy một đoạn sợi lạt mây được chuốt rất kỹ, quấn hai vòng quanh thân túi dết, vặn mối lạt lại, rồi nhét đầu mối vào kẽ túi quai mang. Suốt ngày, lúc nào cái túi dết cũng nằm sau lưng anh, hơi lệch sang phía hông bên phải. Lúc tạm ngả lưng lên đá, lên đất ở một nơi nào đó để nghỉ trưa, anh Dẫn chỉ kéo cái túi dết làm gối, còn quai túi dết vẫn không gỡ ra khỏi cánh tay. Như vậy, nếu chẳng may có địch đến, phải vùng dậy chạy bất ngờ, thì cái túi dết vẫn không bị mất. Đến khi ăn tối xong, anh em xúm nhau làm giàn, xẻ thịt ra để sấy, thì đã chín giờ. Lúc này anh Dẫn mới lột túi dết ra khỏi người, treo võng ngả lưng một chút rồi lúi húi sấy thịt. Trong túi dết còn lại ống lồ ô đựng tài liệu và tấm ni lông đi mưa không cần lấy ra. Anh Dẫn treo cái túi lên ngay đầu trụ le cột võng. Anh nghĩ rằng không có cách nào cẩn thận hơn thế. Đến lúc sấy thịt xong, lên võng ngủ, anh Dẫn tuy mệt nhưng rất vui vì thịt nai đến vào lúc anh em làm rẫy mà chỉ húp nước canh lá giang với muối suốt chín mười ngày nay. Đồng thời, giấc ngủ đến với anh rất êm, bởi trong lòng anh có sự an tâm, thanh thản. Cái túi dết treo ngay trên đầu võng, với tay là đụng nó ngay. Lúc này là nửa đêm, thằng địch cũng co cụm lại rồi.

Bao lớp người đi trước dạy cho anh Dẫn nhiều điều, nhưng chưa ai dạy cho anh hiểu một chữ, đó là chữ ngờ. Anh đâu có ngờ, khi chưa kịp mở mắt, anh đã nghe tiếng súng và tiếng người kêu thất thanh “Địch, địch”. Đạn bay véo véo về hướng võng anh, anh chỉ kịp lật úp người xuống đất theo phản ứng vốn có. Nhưng cũng trong vài giây, anh rất biết cần phải lấy cái túi tài liệu. Nhanh như cắt, anh nhổm người lên, đưa cao tay để gỡ dây túi dết ra khỏi đầu trụ le. Nhưng không kịp rồi. Đạn xuyên tới, nát bàn tay vừa chạm dây túi dết. Anh cùng đồng đội chay như tên bắn giữa làn đạn của không biết bao nhiêu khẩu tiểu liên AR15 và hai khẩu M79. May sao, cây rừng che chở các anh.

(*) Một câu trong ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Hồng.

Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.