Multimedia Đọc Báo in

Từ sông Krông Bông ( Kỳ 39)

09:56, 24/05/2014

Võng thằng Đích treo gần lửa. Nó ngủ không biết tự lúc nào, quên tắt chiếc radio. Hà cũng treo võng cạnh đó nhưng anh chưa nằm. Anh ngồi yên chỗ cũ, kéo tàu lá chuối đậy kín mấy miếng thịt nướng còn lại, rồi đến tắt chiếc radio trên bụng thằng Đích. Anh lặng người bên lửa than đã tàn, nghĩ đến hành trình thấm máu của tập tài liệu, cuối cùng lại rơi vào tay giặc. Món thịt chuột rừng quả thật thơm ngon gợi anh nhớ lại thời niên thiếu về thăm quê ngoại Thanh Trì ở ngoại thành Hà Nội. Ông ngoại Hà mê món thịt chuột, là tay săn chuột số một ở xã Vĩnh Ninh, Thanh Trì. Ở đấy, chuột có nhiều theo mùa. Hà đã hai, ba lần theo ông săn chuột, rất vui. Săn chuột bằng nhiều cách như: dùng rọ, hun khói, bẫy bằng keo. Dân làng thường bắt chuột bằng rọ; chỉ cần đặt rọ vào đầu hang, đổ nước nóng vào, dòng họ nhà chuột trong hang trồi lên, lọt vào rọ hết.

Ông ngoại bảo ăn thịt chuột nhỏ ngon hơn. Thịt chuột chế biến được nhiều món: món chuột giả cầy, món luộc chấm muối ớt, lá chanh, món ướp gia vị rồi rán. Ông ngoại tâm đắc nhất với món chuột nướng vỏ quýt, vừa giòn vừa thơm. Ông gọi bố Hà về trước ngày bố đi nghiên cứu ở Liên Xô. Thì ra, ông muốn đãi bố một bữa thịt chuột để tiễn. Hà thấy chính tay ông làm rất kỹ. Chuột được lấy hết răng, rửa sạch lần cuối bằng rượu, rồi mới ướp gia vị. Nhồi đầy bụng chuột vỏ quýt thái mỏng; phía ngoài cũng có một lớp vỏ quýt bao quanh, rồi lấy lá chuối cuộn lại, đặt lên lò than, nướng. Chỉ một món vậy thôi, với một cút rượu, hai cha con ngồi xếp bằng trên chiếu giữa nền nhà, trước bàn thờ, hết một buổi chiều. Hà thì đi chơi với lũ trẻ trong làng, xem chúng nó săn chuột...

Gió từ sông Krông Bông tràn lên, mát lạnh. Lớp than chưa tàn hẳn không đủ sức soi rõ khuôn mặt Hà. Anh nghĩ: “Thời săn chuột, bắn chim mới đấy mà chín mười năm trôi qua. Ở quê ngoại có bóng dáng làng quê cổ với cánh đồng, lũy tre, đường làng, áo váy nâu sòng, khăn mỏ quạ, chân đất, răng đen và đôi quang gánh. Bức tranh làng quê ấy đã ăn sâu trong tâm trí ta, biết mấy thương yêu... Ừ, ta đoán chắc giờ này Nguyệt chưa ngủ. Ta biết em lo lắng biết bao... Mà không sao. Hãy chờ đến sáng. Anh cũng muốn gặp em ngay bây giờ”.

Hà nằm trên võng, trằn trọc một hồi lâu vẫn không ngủ được. Anh đến lấy cái đài trên bụng thằng Đích. Vừa bật công tắc đã nghe một giọng nữ giới thiệu chương trình nhạc thính phòng, bản tứ tấu đàn dây nào đó. Hà để cái đài trên bụng, hai bàn tay đan chéo sau gáy, cái võng lúc lắc một đỗi rồi đứng yên. Hà vừa nghe, vừa nghĩ: “Cái món âm nhạc thính phòng này thật quỷ quái, không học thì chẳng biết trời trăng gì cả. Chỉ mới nghe cô Xuân Mai giới thiệu mà đã rối mù mù. Cung đô trưởng, giọng la thứ... Dân ngoại đạo có nước chịu chết. Trời ơi, lúc này đây ta nhớ tới Phương Đông biết bao nhiêu. Không biết, giờ này em đã ngủ chưa? Hay em còn mải mê với những dòng âm thanh huyền diệu như đã nhiều lần em nói với ta? Chính em đã bỏ bùa mê dẫn dắt ta vào thế giới âm nhạc. Ta đã yêu em để rồi yêu luôn âm nhạc, yêu cái dòng giao hưởng mà em đã từng so sánh cho rằng giao hưởng trong âm nhạc giống như tiểu thuyết văn chương, như kịch nói trên sân khấu, nó là kì quan của cảm xúc âm nhạc, chịu khó nghe khí nhạc từ dễ đến khó, rồi từ một lúc nào đó sẽ cảm thấy thích thú. Em nói rằng nghe một bản giao hưởng chính là dự một bữa đại tiệc về âm thanh, không biết thưởng thức thì uổng lắm...”.

Hà xuống võng, đến gom than đỏ còn sót lại, bỏ thêm củi rồi thổi bùng bếp lên. Nét mặt anh chợt vui lên bởi anh nhớ lại có lần Phương Đông đóng vai cô giáo dạy nhạc, gọi anh lên bảng làm bài. Lần kiểm tra bài ấy diễn ra sau hơn một năm Phương Đông hướng dẫn anh đọc sách, nghe nhạc. Phương Đông gõ thước lên tấm bảng đen nhỏ treo trên tường, còn Hà thì ngồi trên chiếc ghế nhựa cạnh chiếc bàn gỗ hình chữ nhật, trước bảng đen. Giọng Phương Đông bắt chước cô giáo, ra vẻ nghiêm khắc. Có lần Phương Đông dọa: “Nếu em Hà không thuộc bài, cô phạt. Em phải áp mặt vô vách tường, đứng im cho đến hết buổi học”. Còn câu hỏi kiểm tra được cô yêu cầu trả lời ngắn gọn, đại loại: Giải thích cho “cô” nghe thế nào là thể loại âm nhạc giao hưởng; trong một phút, kể tên bốn nhóm chính trong cơ cấu của dàn nhạc giao hưởng; tại sao khi thể hiện chủ đề chính phần âm nhạc trong vở Ôpêra Hồ Thiên Nga, Traicốpxki lại sử dụng kèn Ôvoa?; bài tập về nhà, một tháng sau nộp bài làm cho cô. Đầu đề được chép rõ trên bảng: Nếu có người ngoài hành tinh đến, chỉ trong một tiếng đồng hồ, có thể giới thiệu cho họ hiểu trái đất và cuộc sống nhân loại, thì tốt nhất nên mời họ nghe bản giao hưởng số chín của Bêtôven. Hãy nêu cảm nghĩ của mình về ý kiến trên đây.

Câu hỏi nào của cô giáo, Hà đều kêu khó quá. Riêng câu nói đến kèn ôvoa, cô giáo vừa đọc qua, Hà liền khoanh tay đứng lên, lễ phép nói: “Thưa cô, bố em đã từng đến nhà hát Bansôi để xem vở Hồ Thiên Nga. Ông nói đã xem được cái cần xem trước khi chết. Thế mà em tin chắc rằng cụ không làm sao trả lời được câu hỏi này. Với em, em biết thân phận của mình, nên xin kéo cờ trắng đầu hàng”.

Ngập ngừng một lát, anh tiếp:

- Thưa cô, xin cho em biết cuối năm mới nộp bài tập về nhà. Em có ba đầu, sáu tay cũng không xoay xở nổi trong một tháng như cô ra hạn. Chắc chắn đến cuối năm em có bài nộp. Em cũng xin thưa thật với cô là, em sẽ nhờ đứa em gái em làm hộ bài tập này. Thế nào nó cũng làm xong trước khi bay sang nhập học tại nhạc viện Traicốpxki. Đánh máy bản viết tay của nó để nộp cho cô thì khả năng em có thừa, cô yên trí.

Nghe Hà nói vậy, cô giáo nghiêm sắc mặt, kết luận:

- Học hành gần hai năm, không làm được bài tập đó, em ở lại lớp.

Nhớ lại bao chuyện vui, dẫn đến nỗi nhớ Phương Đông da diết. Có lần cô còn dặn anh không nên để mất thì giờ tiếp xúc với các sản phẩm âm nhạc kém tính nghệ thuật. Cái cô này mới lạ, trong đầu ngổn ngang bao bản nhạc bác học phương Tây, mà vẫn tấm tắc khen lấy khen để các bài dân ca Người ơi, người ở đừng về” và “Hoa thơm, bướm lượn” của đồng bằng Bắc bộ. Anh ngỡ ngàng nhận ra một điều, nhờ có  Phương Đông, anh mới biết chút ít cái tuyệt vời của âm nhạc, mới có khả năng kiên nhẫn ngồi bên máy quay đĩa Mêlôđia để nghe trọn vẹn một chương giao hưởng, tuy anh vẫn tin chắc mười mươi rằng mình chỉ mới mơ hồ cảm nhận sức mạnh to lớn của nó có thể chuyển tải mọi sắc thái đa dạng của cuộc sống con người. Trong trạng thái trái tim dạt dào cảm xúc, anh bỗng thấy hiện lên trong tâm trí anh hình ảnh dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đang biểu diễn trên sân khấu nhà hát lớn và khuôn mặt của Phương Đông cứ lúc ẩn, lúc hiện ngay giữa dàn nhạc. Anh chợt kêu lên trong đầu: “Em và dàn nhạc giao hưởng. Hay em là dàn nhạc giao hưởng của đời anh. Em có biết không, vào giờ phút này đây, anh đang ngồi bên dòng sông Krông Bông xa lắc, xung quanh chỉ có cây rừng, thế mà anh... thế mà anh vẫn có cảm như đang cùng em nghe bản số 5 của Bêtôven, một bản giao hưởng vĩ đại, rất khó nghe, do dàn nhạc Béclin biểu diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng đại tài Karadan. Em đã nhiều lần kiểm tra để xem anh có nhớ điều đó không. Giờ đây, trong đầu anh nổi lên bao cung bậc âm thanh chồng chéo lên nhau. Anh thấy các nhạc công đang dán mắt xuống tập nhạc phía trước, thấy mảng mồ hôi trên trán nhạc trưởng Karadan. Chao ôi, thế mà anh đang nghe  một mình. Hình như lớp lớp cây rừng là những nhạc công. Anh nghe trong tâm tưởng mình, với vô vàn cảm xúc trào dâng”.

Mấy hồi mõ đuổi thú rừng từ một rẫy gần vọng tới như nhắc Hà thời gian đã lắng giữa khuya. Chiếc đài đã im tiếng từ lâu mà anh không để ý. Anh thực sự cảm thấy mệt mỏi khắp thân thể và đau đầu. Lên võng nằm, mạch suy nghĩ của anh vẫn cứ ào ạt.

Phải, nhờ Phương Đông - Hà nghĩ - nhờ có cô ấy ta mới có được những giờ phút sảng khoái, cuốn hút một cách mê say theo những chuỗi âm thanh diệu kỳ mà loài người đã sáng tạo nên. Phải chăng đó cũng là một hạnh phúc khi ta tồn tại trên mặt đất này? Tâm hồn thánh thiện của cô ấy đã lan tỏa sang ta. Ta yêu em biết mấy nhưng ta không mở miệng nói lời hẹn ước khi lên đường. Bởi ta biết lắm, phía trước cuộc đời em, đường mở rộng thênh thang. Còn phía trước đời ta có bom đạn và thử thách. Anh với em không thành vợ, thành chồng, nhưng mãi mãi là của nhau, là có nhau trong tâm tưởng. Anh mang theo trong tâm khảm cho đến cuối cuộc đời hình ảnh em đứng thẫn thờ chờ trông trước sân nhà hát lớn, bất ngờ dúi vào tay anh hai tấm vé, rồi vừa khóc vừa chạy theo đường Lê Thánh Tôn. Đồng thời, trong tâm khảm anh khắc sâu hình ảnh người con gái gắn bó máu thịt với anh giữa những ngày gian lao - Thu Nguyệt mặc bộ bà ba đen, ngồi đánh máy dưới đáy hố bom sâu hoắm, bốn bề đất đỏ tươi. Đợt bom thứ ba, cánh rừng rung chuyển, đất rung chuyển, đất tung lên, rơi xuống ào ào trên đầu Nguyệt…

Nằm lâu, không ngủ được, Hà chợt ngồi dậy. Anh nhấn mạnh ý nghĩ đang cuồn cuộn trong đầu: “Phải, Phương Đông thuộc thế giới thánh thiện, xa vời vợi. Giờ đây, Thu Nguyệt ở bên ta... Không, Thu Nguyệt ở trong máu thịt, trong từng nhịp thở của ta. Cô ấy là cuộc sống của ta. Làm sao có thể hình dung được, giữa cuộc chiến đấu này, cô ấy lại không ở trọn vẹn trong ta. Phải, phải, một trăm lần phải...”.

Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.