Niềm hạnh phúc dâng trào trong ngày toàn thắng
Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập
Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện
Rau muống xanh như hái tự ao nhà
Trời còn đầy ắp hoa và pháo
Nhìn nhau chưa vội mở vung ra.
Màu xanh - sân cỏ xanh mải miết
Quây quần đồng đội đến vui chung
Hàng cây so đũa cùng ta đó
Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng.
Khách thường: Thương mấy anh nhà báo
Theo tăng băng dốc mấy mươi ngày
Sáng chiếm núi Bông, chiều cửa Thuận
Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây.
Tăng vẫn dàn theo đội hình chiến đấu
Xích còn vương đất đỏ Phan Rang
Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận
Chia thêm tổng - thống - ngụy - đầu - hàng.
Kìa gắp đi anh, ai nấy giục
Có gắp chi đâu, mải ngắm trời
Tự do xanh quá, mênh mông quá
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi
Bỏ lại đằng sau bao trận đánh
Kịp vào thành phố sáng tên Người
Độc lập theo tăng vào cổng chính
Cờ treo trên đỉnh nước non ơi!
Ta trẻ như cờ ta trẻ mãi
Ta reo trời đất cũng reo cùng
Ta no cười nói, say đôi mắt
Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông.
Hữu Chỉnh
Chọn thời khắc và sự kiện đặc biệt mở đầu cho một bài thơ, từ đó phóng chiếu cảm xúc lên đến đỉnh điểm và vỡ òa trong niềm vui chiến thắng là nét độc đáo của "Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập”. Thơ Hữu Thỉnh dung dị, dễ neo đậu và lắng sâu vào lòng bạn đọc nhờ cách biểu đạt như thế, chí ít là ở bài thơ này.
Sau hai mươi mốt năm vượt biết bao gian khổ, người lính miền Bắc mới được tiến vào thành phố Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cái phút giây "Ôi, nỗi mừng hơn mọi nỗi mừng/trào vui nước mắt cứ rưng rưng" ấy làm sao mà không xúc động! Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chính quyền ngụy Sài Gòn giờ được tiếp quản từ tay những người lính tăng thiết giáp còn rất trẻ. Bữa cơm dã chiến mà lại được nấu bằng bếp điện thì nghe lạ quá, cứ như trong cổ tích. Tất cả vẫn đang ngỡ ngàng trước một cảnh tượng quá bất ngờ:
Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện
Rau muống xanh như hái tự ao nhà
Trời còn đầy ắp hoa và pháo
Nhìn nhau chưa vội mở vung ra.
Cái "bữa cơm ở đích cuối cùng" thật vui vẻ, đồng đội đến quây quần giữa sân cỏ với "màu cỏ xanh mải miết", xanh đến nao lòng trước hạnh phúc sum vầy. Hàng cây như hòa vào nhịp sống người lính, cũng "so đũa" với mọi người như thầm cảm ơn bao nhiêu vất vả, hy sinh mà người lính tăng suốt mấy mươi ngày băng dốc, vượt đường đất đỏ tiến vào giải phóng thành đô. Bữa cơm dọn ra đàng hoàng thế, ngon lành thế, lại ăn giữa không gian rất xanh màu cỏ thanh bình vì không còn sợ súng đạn của quân thù, vậy mà ai nấy nhìn nhau ngây ngất, có lẽ cái bụng đói không bằng tâm hồn đang khao khát tự do, tất cả ngửa mặt nhìn lên bầu trời xanh biếc ngắm cho thỏa niềm vui độc lập đang dâng trào mãnh liệt:
Kìa gắp đi anh, ai nấy giục
Có gắp chi đâu, mải ngắm trời
Tự do xanh quá, mênh mông quá
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi
Bốn câu thơ diễn đạt giản dị mà thấm thía cảm xúc. Hai từ "quá" lặp lại như nhấn mạnh thêm niềm hạnh phúc vỡ òa trong tâm hồn người lính sau khi "vượt mấy ngàn bom" mới đến được cái đích cuối cùng. Kết thúc bài thơ là tiếng reo vui náo nức của tác giả bằng phép điệp cấu trúc câu ngân lên dào dạt, mạnh mẽ thể hiện một niềm tự hào sung sướng vô biên:
Ta trẻ như cờ ta trẻ mãi
Ta reo trời đất cũng reo cùng
Ta no cười nói, say đôi mắt
Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông.
Bài thơ "Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập" nằm trong cảm hứng chung của mạch thơ viết về ngày 30-4 toàn thắng. Điều làm người ta nhớ là nhờ cách lựa chọn một "chi tiết" đắt giá thông qua một thời điểm hiếm hoi với bữa cơm chiều nơi sào huyệt cuối cùng của giặc. Từ đó, Hữu Thỉnh thể hiện niềm vui sướng vô biên, một hạnh phúc lớn lao không chỉ của lòng mình mà của muôn triệu tâm hồn con người Việt Nam trong ngày ca khúc khải hoàn chiến thắng.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc