Multimedia Đọc Báo in

Nơi lòng dân hội tụ ở quanh Người

07:45, 24/07/2018

Nơi Đại tướng trở về

 

Đấy là nơi ngọn gió trong lành

chưa ô nhiễm bởi đời khói bụi

 

Đấy là nơi sớm tối

ánh sáng trong veo của chính mặt trời

 

Đấy là nơi chim hót bởi yêu người

không phải hót cho đời trang điểm

 

Đấy là nơi lời ru của biển

thật thà lời ru không xu nịnh bãi bờ

 

Đấy là nơi Bà Huyện* đọc thơ

trăng ngẩn ngơ trong tiếng đàn Đại tướng

 

Đấy là nơi bốn phương tám hướng

lòng dân hội tụ ở quanh Người

chẳng còn nữa những muộn phiền thế sự

“Vạn đại dung thân”**

thanh thản giữa đất - trời!

........................................                                                                                 

* Đèo Ngang: Nơi Bà Huyện Thanh Quan làm bài thơ “Qua Đèo Ngang” nổi tiếng

** Câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Đặng Bá Tiến

Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành quen thuộc trong nền thi ca dân tộc, nhất là từ khi ông theo Bác Hồ và các vị anh hùng tiền bối khác vào cõi “Mác - Lênin - thế giới Người Hiền” (Tố Hữu) vào ngày 4-10-2013. Mỗi nhà thơ, từ góc nhìn và sự chiêm nghiệm riêng của bản thân lại có những cảm xúc khác nhau, nhờ đó diện mạo tâm hồn, vẻ đẹp nhân cách Đại tướng càng phong phú và được lan tỏa dưới nhiều ánh sáng nhân văn mới mẻ. “Nơi đại tướng trở về” của nhà thơ Đặng Bá Tiến là bài thơ hàm súc, giàu chất triết lý, khơi gợi trong tâm hồn người đọc về sức mạnh của lòng dân, về sự bao dung của đất trời thanh thản trước một con người vĩ đại làm rạng rỡ nước non.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu)

Nơi Đại tướng yên nghỉ ngàn năm là Vũng Chùa - Đảo Yến bốn mùa dạt dào sóng vỗ. Không gian thanh khiết, sáng trong như một cõi minh triết của đất trời ban tặng cho ông khi đã về bên kia cõi thế. Vì vậy, hai câu thơ đầu là sự giới thiệu về không gian thực tại nơi Đại tướng trở về yên giấc ngàn thu. Song, đó cũng chính là ý nghĩa ẩn dụ mà tác giả muốn gửi đến người đọc, vì suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không màng lợi danh, đạo đức trong sáng, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân nghĩa, trí tín. Không gian giờ đây có “ngọn gió trong lành”, chưa ô nhiễm khói bụi mà chỉ có “ánh sáng trong veo của chính mặt trời”. Câu thơ đẹp và lộng lẫy khác thường. Mặt trời từ Biển Đông mỗi sớm mai chiếu sáng hay đó là mặt trời của một vĩ nhân, một con người được nhân dân suốt đời kính trọng, mến yêu. Mặt trời tự nhiên và mặt trời ẩn dụ từ một vị Đại tướng lúc này thống nhất làm một, hòa làm một để tất cả dâng lên thành bản hòa ca. Ngay cả tiếng chim trời cất tiếng véo von cũng tràn ngập yêu thương và tự nhiên như những gì vốn có trong đời: “Đấy là nơi chim hót bởi yêu người/không phải hót cho đời trang điểm”.

Từ ánh mặt trời chiếu sáng đến tiếng “chim hót bởi yêu người”, từ tiếng sóng vỗ bờ như lời ru dịu dàng “không xu nịnh bãi bờ” đến lời thơ Bà Huyện Thanh Quan ngân nga khi qua đèo Ngang với nỗi niềm nhớ nước, tất cả sự cao đẹp, thanh khiết, lớn lao, thiêng liêng ấy đều tập trung về đây. Quả vậy, nơi Đại tướng trở về là nơi không cần lầu son gác tía, lộng lẫy xa hoa mà chỉ là nơi thanh bình, yên vắng của biển bờ ngàn năm sóng hát để mãi mãi sáng trong và thanh bạch như chính cuộc đời ông lúc sinh thời.

Cao quý nhất vẫn là tình người bốn phương tám hướng kết đọng về đây lắng vọng tin yêu và tưởng nhớ, dâng vạn tấm lòng, vạn tình thương cho giấc ngủ của Đại tướng được ngàn thu sáng tỏa. Ý thơ càng lúc càng sâu lắng, tăng tiến thêm lên để mở ra muôn ngàn tình cảm mến yêu hướng về Đại tướng. Quả chỉ có tấm lòng của nhân dân mới thiết tha và vững bền vạn đại. Đó chính là điểm tựa không gì có thể chuyển lay, không gì có thể mất đi. Nơi Đại tướng trở về vì thế thật sự là nơi hội tụ của tình người, của tình thương và sự ngưỡng vọng suốt đời của nhân dân thấu suốt và anh minh. Nơi đó không còn muộn phiền thế sự, nơi đó để cho ông được “vạn đại dung thân” như câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm một thuở: “Đấy là nơi bốn phương tám hướng/ lòng dân hội tụ ở quanh Người/ chẳng còn nữa những muộn phiền thế sự/ “Vạn đại dung thân”/thanh thản giữa đất - trời!”.

Xuyên suốt bài thơ là bút pháp song trùng của nghệ thuật lặp cú pháp qua cụm từ mở đầu: “Đấy là nơi...” như để khắc sâu hơn về một sự lựa chọn cho mình nơi bình yên thanh thản, nhưng đồng thời đó cũng chính là sự đền đáp có tính quy luật của đất trời và lòng người trước một cuộc đời vĩ đại, một nhân cách lớn lao của Đại tướng - Người mà suốt đời đã dành trọn vẹn cho nước, cho dân. “Nơi Đại tướng trở về” quả là thi phẩm có tứ thơ rất hay, giàu sức khái quát, như một sự tổng kết đầy chiêm nghiệm nhưng cũng gần gũi và tự nhiên qua chiều sâu triết lý mà tác giả Đặng Bá Tiến muốn gửi đến người đọc.

Lê Thành Văn

 


Ý kiến bạn đọc