Một "cung trầm" thương nhớ
(Đọc tập thơ Cung trầm của Bích Xoan, NXB Hội Nhà văn, 2018)
Là một kế toán của Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột song Bích Xoan lại yêu thơ và tìm đến với thơ một cách tự nhiên như là duyên nợ. Sau khi xuất bản tập thơ “Gửi nắng qua sông” (2015), chị được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk. Mới đây, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã ấn hành tập thơ thứ hai của chị mang tên “Cung trầm”.
Tập thơ gồm 50 bài thơ với nhiều thể thơ khác nhau được nhà thơ Bích Xoan nâng niu, chắt lọc suốt ba năm đi tìm cảm hứng sáng tạo. Trên phương diện nội dung, “Cung trầm” ngập tràn hương sắc tình yêu. Lúc khao khát nồng nàn, khi âu lo khắc khoải; lúc buồn thương vương vấn, khi thầm trách vu vơ... Tất cả cứ chân thành, bộc trực bằng chính trái tim thiết tha, đắm say và sống trọn vẹn với cõi tình vạn thuở.
Trong bài thơ “Cung trầm” - cũng chính là tên của tập thơ - Bích Xoan đã có những câu thơ thật hay, thật xúc động về tình yêu đôi lứa. Phải trải nghiệm và thấu hiểu, tác giả mới có được cảm nhận về một không gian đầy tâm trạng trong cái "đêm thương" kỳ diệu của tâm hồn: "Đêm thương, đêm chẳng sắc màu/Ngày thương mây xám nhuộm sầu không gian/Cạn dầu, tội bấc khô khan/Mùa đi, mặc kệ gió ngàn xác xơ".
Tập thơ “Cung trầm”. |
Bên cạnh mảng thơ viết về tình yêu với những "cung trầm" thao thiết, nhà thơ Bích Xoan còn có nhiều bài thơ hay viết về nghĩa mẹ, tình quê sâu thẳm ân tình. Có thể nói đây cũng là mảng thơ giàu cá tính của chị bởi tất cả đều cất lên từ những khoảnh khắc tâm tình rất thật khi được trở về với mẹ nơi chốn quê xưa.
Suy tư và trăn trở về quê hương và hình ảnh mẹ hiền một thời khó nhọc, Bích Xoan đã có những bài thơ thật sâu lắng, mang nhiều nỗi niềm về một đoạn đời cơ cực. Nơi đó bóng mẹ, tình quê đan lồng vào nhau, vất vả và sâu nặng ân tình: "Núi cao trong dáng mẹ ngồi/Giếng quê trong vắt như đời mẹ tôi/Về vùi lòng mẹ đưa nôi/Cho con mơ tận cuối trời thẳm xa" (Nghĩa mẹ, tình quê). Trong “Cung trầm”, Bích Xoan còn có một chùm bài thể hiện cảm thức mùa qua những hồi ức tơ vương gắn với kỷ niệm về tình yêu đôi lứa: “Khúc hạ giã từ”, “Chỉ là...”, “Bóng mây”, “Em gọi xuân về”, “Hạ về”, “Xuân mơ”...
Về phương diện nghệ thuật, thơ Bích Xoan là điệu hồn bộc trực nên hình tượng thơ thường "găm" trực tiếp vào lòng người đọc bằng những tâm sự chân thành, không vòng vèo đánh bóng câu chữ. Tuy vậy, nếu tinh ý, chúng ta vẫn có thể phát hiện qua các lớp ngôn từ nghệ thuật một số nét thi pháp khá đặc sắc trong tập thơ “Cung trầm” của chị.
Chẳng hạn về hệ thống nhan đề các tác phẩm, nhà thơ đã dùng rất nhiều các chủ từ nhân xưng "anh", "em" để khẳng định cái tôi trữ tình tác giả: Cho em mượn một bờ vai/ Đêm không anh/ Em gọi xuân về/ Em sợ lắm/ Em sẽ về thăm quê anh miền Tây/ Em ước/ Nhớ anh/ Về Hà Tĩnh anh ơi!/ Em về nơi đó tìm anh... Bích Xoan đấy, một Bích Xoan nồng nàn, mê đắm; mãnh liệt và rất đỗi chân thành.
Đó chính là cái tôi tha thiết và bộc trực mà người đọc rất dễ dàng nhận ra khi đọc thơ chị qua các nhan đề trong thi tập. Đọc qua 50 bài thơ trong tập “Cung trầm”, lòng ta bỗng vấn vương nhiều tâm sự, nhiều nỗi niềm được đánh thức giữa những bôn ba khó nhọc đời thường. Có lẽ từ những cảm xúc nhân văn, tha thiết và nồng cháy ấy, nhà thơ Bích Xoan đã chia sẻ cùng bạn bè thi hữu mối đồng cảm ngàn đời về tình yêu lứa đôi, tình mẫu tử thiêng liêng cũng như nỗi niềm quê kiểng.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc