Multimedia Đọc Báo in

Đi qua những miền quê đất nước

17:40, 19/10/2018

(Đọc tập thơ “Đi qua ngày nắng” của Hồ Hồng Lĩnh, Nhà xuất bản Văn học, 2018)

Sau hai tập thơ “Quá giang” và “Sang mùa”, nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk vừa trình làng tập thơ thứ ba của mình: “Đi qua ngày nắng”. Ở tập thơ này, người đọc dễ nhận ra đề tài phong phú và có sự chọn lọc tinh tươm hơn; thi pháp chín và nhất quán hơn trong cách thể hiện. Đó là những nét thành công cơ bản trên cái nhìn tổng thể, khách quan.

Với nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh - người con xứ Nghệ sớm xa quê, tình yêu quê hương xứ sở luôn đậm sâu, "nôn nao nhịp thở" ngày anh trở về chốn cũ. Đây là hình ảnh con đường làng kéo dài trong tâm tưởng như nỗi nhớ vô biên dâng trào mãnh liệt: "Tôi chạy trên đường làng/ ký ức xa/ nôn nao nhịp thở/ như đụng vào chiều dài nỗi nhớ/ đôi bờ xanh mải miết xóm làng..." (Đường làng). Tình yêu quê hương xứ sở trong thơ Hồ Hồng Lĩnh còn là mảng hồn của cha mẹ sinh thành, bà con và anh em ruột rà thân thích. Anh sớm tha phương nên tấm lòng trước sau vẫn đau đáu hướng đến những người thân yêu nhất: "Nấm mồ xa/ mẹ nằm trong hoàng hôn cỏ úa/ con nghe nỗi đau phiền muộn..." (Tháng Mười cho ta được nhớ).

Từ quê hương bản quán đến vẻ đẹp núi sông và những miền quê đất nước là mạch ngầm tuôn chảy không sao khác được. Hồ Hồng Lĩnh là nhà thơ bén nhạy với mảng đề tài viết về danh lam thắng cảnh. Nhiều thi phẩm trong tập thơ “Đi qua ngày nắng” đã nói lên điều đó: “Bên hồ Xuân Hương Đà Lạt”, “Về đâu… Thủy Tiên?”, “Núi Đá Voi”, “Trưa Hồ Lắk”, “Về Cần Thơ”, “Nhà hát Cao Văn Lầu”, “Điện gió”... Đây là mảng thơ dường như mang tính sở trường của anh nên phần lớn khá hay và đong đầy cảm xúc. Viết về Đà Lạt, Hồ Hồng Lĩnh có những câu thơ giàu hình tượng, rất thi sĩ: "Như giấc mơ hoa/ đậu xuống phố phường Đà Lạt/ một thung xanh/ mềm nắng trưa hè/ non nước tôi qua/ mảnh hồn nghiêng bóng" (Bên Hồ Xuân Hương Đà Lạt). Với Sài Gòn, nhà thơ có cách cảm nhận riêng thật ấn tượng, không lặp lại bất kỳ ai. Đó là sự phát hiện mối tương quan hai mặt của một phố thị sôi động vào bậc nhất Việt Nam. Sài Gòn phù hoa, náo nhiệt nhưng cũng đôn hậu, dịu dàng: "Đôn hậu nơi Sài Gòn rất mực/ hối hả phù sa vẫn về cho căng trẻ/ gương mặt em ửng hồng hoa trái/ ta vẫn yêu sự sôi động Sài Gòn/ như bước chân em nhịp sông ra biển/ như cuộc tình đôi lứa xuân xanh" (Với Sài Gòn).

Sau hai tập thơ “Quá giang” và “Sang mùa”, nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk vừa trình làng tập thơ thứ ba của mình: “Đi qua ngày nắng”.
Tập thơ "Đi qua ngày nắng" của tác giả Hồ Hồng Lĩnh. 

Đặc biệt với mảnh Đắk Lắk, vùng đất được xem là quê hương thứ hai nơi anh đang sinh sống, anh nhạy bén, dễ xúc động và có cái nhìn ưu ái với mỗi mặt hồ, con suối, dòng sông, ngọn thác... Đến thác Thủy Tiên (huyện Krông Năng), nhà thơ bộc tràn cảm xúc qua lời hô gọi mở đầu tha thiết: "Em ngủ trong rừng sâu", xung quanh "em" là vẻ đẹp thần tiên, thoát tục: "gió thơm, trăng dịu, nắng ngọt ngào" (Về đâu... Thủy Tiên?). Đến Hồ Lắk - một thắng cảnh nổi tiếng, Hồ Hồng Lĩnh lại chạnh niềm cảm khái về món ngon ẩm thực vốn xưa kia là của người dân bản địa giờ đã thành đặc sản ở nhà hàng: "bữa cơm nhà hàng con cá măng đã thành đặc sản/người bản địa đành dùng chung với đồ hấp, đồ lạnh" (Trưa Hồ Lắk). Anh cảm thấy ưu tư khi nhìn văn hóa truyền thống của người dân nơi đây dần bị mai một: "Trưa Hồ Lắk/ đi qua buôn Jun, buôn Liêng/ chái nhà sàn hỗn độn mộc và xây/ không thấy em gái M'nông chằm sợi ngang sợi dọc/ vựa trứng vịt hình như người ta lưu tâm hơn cả" (Trưa Hồ Lắk). Đến thác Dray Nu, nhà thơ không những cảm động bùi ngùi từ huyền thoại "con sông chia đôi sau cơ nhỡ cuộc tình", anh còn lắng lòng mình nghe lời khan của già làng để rồi xa xót nhận ra một hiện thực đau lòng: "Thác Dray Nu trầm hùng và quặn réo/ ta không khóc câu chuyện tình buồn của người đã lùi vào thiên cổ/ khóc cho sự hiển nhiên thất thường no đói của ngươi/khóc cho yết hầu mùa khô dòng sông quắt quay đói khát" (Dray Nu hôm nay).

Đâu đó, ẩn chìm trong các bài thơ viết về cảnh sắc quê hương, bạn bè ngày hội ngộ, thi thoảng có những câu thơ phảng phất hương vị tình yêu một thuở đầu đời. Các thi phẩm “Trăng lạnh”, “Cuối chạp”, “Mua lại dại khờ”, “Hương ổi”, “Đi qua ngày nắng”, “Lời nào cho em”, “Dịu dàng”... xem như một mảng nhỏ thơ tình yêu mà tác giả góp vào tập thơ cho đa thanh, đa sắc. Thơ tình yêu Hồ Hồng Lĩnh không bay bổng, lãng mạn mà "xon xót", cảm thương, nhức buốt nỗi niềm. Bài thơ “Trăng lạnh” ngân lên như tiếng thở dài não ruột: "Xon xót từng giọt khuya/ rớt xuống đèn đường/ ám dụ trăng/ lỡ thì/ vàng vọt/ đêm thở dài hay ai đó thở dài..." (Trăng lạnh).

Thơ Hồ Hồng Lĩnh mới về hình thức, cách tân nhiều ở nhịp điệu câu thơ, giọng thơ. Đọc “Đi qua ngày nắng”, có thể nhận thấy thơ anh tung tẩy, câu thơ buông duỗi ngắn, dài tùy vào cảm xúc chứ không hoàn toàn định vị số tiếng trong mỗi dòng thơ. Nhờ đó, ở tập thơ này cũng như các tập “Quá giang” và “Sang mùa” trước đây, chúng ta vẫn bắt gặp câu thơ anh lạ lẫm về hình hài, vóc dáng. Đó là một sự cố gắng trong sáng tạo nghệ thuật đáng trân trọng.

 Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc