Những góc nhìn gai góc trong "Tôi hát về ngày không em"
(Đọc “Tôi hát về ngày không em” - Thơ Bùi Minh Vũ - NXB Hội Nhà văn - 2018)
"Quê hương không có chân nhưng có mắt/Nhìn rõ mặt ai cắn vào quê hương ăn quê hương/Vò xé linh hồn quê hương” là những câu thơ trong bài “Quê hương yêu thương”. Cứ tưởng thơ Bùi Minh Vũ phiêu du trong tình trường, thế mà lại nặng tình quê hương như vậy. Quê hương có mắt nên nhìn rõ kẻ cắn, ăn, vò xé – những động từ mạnh, liên tiếp lên án những kẻ đổi quê hương lấy vàng, đô-la đã và đang diễn ra ở nhiều nơi.
Liền mạch quê hương có bài “Cánh diều”: “Ngôi biệt thự/Mọc trên cánh đồng/Làm đứt cánh diều trẻ thơ”. Chỉ vẻn vẹn mười ba âm tiết nhưng nhiều điều thơ gợi ra ý tại ngôn ngoại. Cái ngôi biệt thự chắc do mua bán đất mà có, lại ở trên cánh đồng, thu hẹp lại khoảng trời xanh vui chơi của trẻ thơ. Đứt cánh diều cũng là xóa đi ước mơ, hy vọng bay cao của lớp trẻ quê hương.
Bài “Đồng tiền” cực ngắn, chỉ có hai dòng: “Bia chảy lênh láng xuống nền nhà/Đồng tiền nằm khóc. Rất khó cho người bình, vì quá ngắn. Chỉ có thể cảm nhận tâm trạng của tác giả chất chứa ẩn ức qua hình ảnh đối lập: Bia lênh láng - tiền nằm khóc. Bia cứ chảy tràn xuống nền nhà thì đồng tiền đó là bất chính. Tiền do lao động chân chính mà có không ai lãng phí thế.
“Một hôm cây đổ/Tiếng khóc vọng quanh/Giai điệu cắt tiết/Như cái đầu rơi trên sa mạc” (Ngọn lửa). Nạn phá rừng tiếp diễn. Cây còn đổ là còn tiếng khóc của rừng. Nhưng so sánh “Giai điệu cắt tiết” thì chưa ai viết. Tiếng máy cưa gầm rít đúng là "cắt tiết" rừng. Đầu rơi trên sa mạc càng mau chóng cạn kiệt máu, sự tàn khốc đẩy lên cực điểm. Kết thúc bài thơ, Bùi Minh Vũ láy lại câu mở đầu và nâng lên cảm xúc: “Một hôm cây đổ/Tiếng khóc vọng quanh/Khắc lên trời xanh/Ngọn lửa”.
Bài “Lời thẳm sâu” là sự đồng cảm, sẻ chia với những cô gái dứt áo ra đi, thương phận nghèo của mẹ, lại bị thiên tai hung dữ mà chẳng làm được gì cho mẹ: “Em quẳng gánh ra đi nước mắt nhỏ trên vai/Ướt nhòe đời mẹ.../Nhỏ xuống ngàn lời thẳm sâu/Trong không gian bồng bềnh mùa nước lũ”. Quẳng gánh - tưởng dứt khoát mà dùng dằng vì nước mắt còn ướt nhòe đời mẹ nên mới có ngàn lời thẳm sâu từ trong tâm khảm.
“Em mang theo chiếc áo rách thời gian/Vá bằng âm thanh/Tru tréo” (Vắng mặt nhau). Đã xa nhau, thời gian qua đi, áo rách là giả định. Nhưng “vá bằng âm thanh” làm lạ hóa cho thơ. Chẳng còn dịu êm mà tru tréo. Dẫn đến cái kết: “Vắng mặt nhau/Những bài thơ tình/Chẳng còn ngọt ngào để phổ nhạc ru con”. Cái kết buồn, dư vọng một cuộc tình không trọn vẹn.
Thơ Bùi Minh Vũ nhiều bài ngắn chỉ có ba dòng nhưng lại mang tính triết lý: “Người câm/Trái tim biết nói/Người nói trái tim câm” (Trái tim). So sánh đối nghịch giữa miệng và tim, giữa nói thành lời và sự im lặng đáng quý. Hay “Mùa xuân/Không bao giờ trần truồng/Vì có hương hoa che kín” (Mùa xuân). Cái đẹp thực sự chỉ được phủ che bằng sự tao nhã, thanh khiết như hương hoa bao bọc mùa xuân.
Bài “Tôi hát về ngày không em” được lấy tên chung cho tập sách dài tới 33 đoạn (hoặc gọi là 33 bài cũng được). Những cung bậc cảm xúc của tình yêu được phản ánh, có giận hờn, tan vỡ, chia ly, tiếc nuối. Không em nhưng vẫn hát: “Tôi hát về ngày không em/Tiếng đàn đêm/Rót vào tôi mềm nhũn/Tôi hát về ngày không em/Trăng vỗ tay bần thần/Quên nhặt những vì sao rụng muộn”. Đoạn thơ có chút mông lung, phiêu bồng trong hư ảo, không gian đồng cảm với người. Trăng bần thần, quên nhặt những vì sao rụng muộn khi không có em.
Trong tập thơ, cái đọng lại là tình yêu day dứt, có cả lãng mạn, bồi hồi, lo lắng. Có tình với quê hương mùa lũ mà đồng cảm. Có cả triết lý dù chưa thật thành công.
Cả tập thơ là thơ tự do, tùy hứng. Vắng bóng hoàn toàn các thể thơ truyền thống. Thơ Bùi Minh Vũ khó đọc và kén người đọc.
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc