Multimedia Đọc Báo in

Nhà văn Nguyên Hương và miền cổ tích Phật giáo

09:51, 28/04/2019

Kể chuyện cổ tích cho thiếu nhi là một hứng thú sáng tạo của nữ nhà văn Nguyên Hương. Những năm gần đây, chị liên tục xuất bản nhiều tập truyện cổ tích cho các em.

Sau 8 tập “Cổ tích mới” (Nxb Trẻ, 2014 – 2015), tập truyện dịch “Công chúa ngủ và con thoi ma thuật” (Nxb Kim Đồng, 2016), Nguyên Hương tiếp tục kể chuyện cho thiếu nhi qua bộ ba “Cổ tích viết lại”: “Voi chúa và hoàng tử nhỏ”, “Đứng một chân và há mỏ ra” và “Nắng vàng, sáng trăng và mặt trời” (Nxb Kim Đồng, 2019).

Đáng chú ý, 44 truyện trong ba tập nói trên đều được khai thác từ nguồn cổ tích Phật giáo, chủ yếu trong Tiểu bộ kinh (tập V) của Kinh tạng. Đó là hệ thống truyện kể về đời sống quá khứ (tiền thân) của Đức Phật, là giai đoạn Đức Phật sắm nhiều vai khác nhau như loài vật, nhà vua, hoàng tử... Dù đóng vai gì, Đức Phật đều thể hiện một phong cách đạo đức tuyệt vời, xứng đáng là tấm gương sáng cho người đời noi theo để tu tâm dưỡng tính.

Trong “Lời nói đầu”, Nguyên Hương cho rằng những truyện cổ tích về tiền thân của Đức Phật rất dồi dào ý nghĩa giáo dục, hữu ích với mọi đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, trong các tập “cổ tích viết lại’ này, chị chỉ khai thác “tầng cạn” là tầng “dễ hiểu và dễ thương”, phù hợp với các độc giả nhỏ tuổi. Mong muốn của chị là truyền đạt cho các em tinh thần đạo đức Phật giáo, giúp các em thấy được giá trị cao đẹp của lối sống “từ hòa, nhân ái, ân tình…”. 

 Những tác phẩm của  nhà văn Nguyên Hương.
Những tác phẩm của nhà văn Nguyên Hương.

Các tích truyện Phật giáo được Nguyên Hương tái hiện theo hai hình thức tự sự cơ bản là cổ tích và đồng thoại. Sự lựa chọn như vậy là phù hợp với thiếu nhi, nhất là các em ở lứa tuổi nhi đồng. Với các em, chân lý cuộc sống được diễn tả bởi các nhân vật như nhà vua, công chúa, hoàng tử, con chó, con mèo… bao giờ cũng thú vị và dễ hiểu.

“Ngày xửa ngày xưa, trên núi cao, có một bầy khỉ…” (“Vua khỉ”); “Kinh thành Pháp Hoa có cặp vợ chồng mù kiếm sống bằng đàn hát” (“Cây đàn thiếu một dây”)… là cách giản dị và linh hoạt mà Nguyên Hương thường dùng để mở đầu câu chuyện. Chị ít khi “ngày xửa, ngày xưa…” như thường thấy ở truyện kể dân gian. Tuy thế, câu chữ mở truyện của chị vẫn có sức mạnh riêng trong việc thu hút người đọc, người nghe vào nội dung câu chuyện. Các em sẽ cảm thấy hào hứng, thú vị được bước chân phiêu lưu trong miền cổ tích Phật giáo đầy mới lạ. Đó là chuyện người giữ hồ chỉ cho duy nhất người em út con của triệu phú được hái sen vì biết nói những lời thành thực (“Chuyện hoa sen”); hay như chuyện Voi trắng khuyên nhủ mọi người “hãy chào mừng sự lên ngôi vua của hoàng tử bằng lòng độ lượng bao dung” (“Voi chúa và hoàng tử nhỏ”)…

Trong 44 truyện của mình, Nguyên Hương chủ yếu truyền đạt về giá trị của lòng yêu thương, trí tuệ, lẽ công bằng và khả năng thức tỉnh… Mỗi phẩm chất như vậy được thể hiện qua vài ba câu chuyện với các nhân vật và tình huống khác nhau. Nhờ thế, chủ đề giáo dục được khắc sâu, đồng thời tránh cho người đọc cảm giác đơn điệu, nhàm chán.

Truyện kể của Nguyên Hương không có các triết lý răn dạy khô khan; thay vào đó, chị để cho các nhân vật chia sẻ nhận thức, suy nghĩ với bạn đọc về những vấn đề nào đó của cuộc sống. Ở một số truyện, Nguyên Hương còn đưa vào một số bài thơ (mang dáng dấp lời kệ) để mạch văn thêm uyển chuyển, đồng thời lắng vào tâm trí bạn đọc, kiểu như: “Tham lam chìm đắm trong hưởng thụ/Nên đành tận số giữa trùng dương” (“Những người thợ mộc”)…

Mặt khác, chị tạo nên sự hòa điệu giữa cảm quan người lớn và tâm hồn trẻ thơ, đưa cách cảm, cách nghĩ của các em vào trong tác phẩm nên các em dễ dàng đồng cảm vì tìm thấy bóng dáng cuộc sống của mình ở trong đó. Chẳng hạn, khi đọc truyện “Chú bò không ưa nặng lời”, các em sẽ dễ dàng tán đồng việc chú bò Hỷ không chịu kéo xe vì chủ gọi là “ranh con” một cách khinh miệt. Hay trong “Con chó Tài Trí”, các em hết sức ngưỡng mộ chú chó Tài Trí bất chấp nguy hiểm khi tìm gặp nhà vua để quyết làm rõ chân tướng sự việc, đòi sự công bằng cho cộng đồng của mình…

Với lối văn trong sáng và giàu biểu cảm, có thể nói, Nguyên Hương đã mở ra trước mắt trẻ thơ một miền cổ tích vừa xa lạ, vừa gần gũi, làm giàu tâm hồn ngay từ những năm tháng ấu thơ. Đối với người lớn, truyện cổ tích tiền thân của Nguyên Hương cũng rất ý nghĩa, cả về giải trí lẫn tu dưỡng tinh thần…

Lê Nhật Ký


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.