Thiêng liêng hạnh phúc gia đình
Tiễn em
Tiễn em buổi sáng đi làm
Nón quên anh nhắc, chiếc làn anh đưa
Tần ngần một thoáng dây dưa
Trao em chiếc cặp lồng trưa quá nghèo
Xa em từ sáng đến chiều
Mà nghe phấp phỏng bao điều trong anh
Đường bằng nhưng lắm khúc quanh
Xe đông, người vội nên thành khó đi
Một ngày nào có ngắn chi
Mỗi giây qua những điều gì đợi em
Xuôi tay chiều phút yếu mềm
Là thôi có thể mất em trong đời
Nói ra thì sợ em cười
Đàn ông sao lại có người như anh
Nhưng mà hạnh phúc mong manh
Ngọn đèn đêm trống xung quanh gió lùa
Nào ai học hết chữ ngờ
Điều thiêng liêng hóa trò đùa đắng cay
Cùng em buổi sáng chia tay
Thầm mong lương thiện một ngày đón em.
Nguyễn Hoàng Sơn
Nhan đề “Tiễn em” nghe thật trang trọng và có chút gì khách khí, vì đây là cảnh người chồng đưa vợ ra cửa để đi làm trong một ngày bình thường. Nhưng đọc hết bài thơ, lắng đọng cùng tâm tình tác giả, nhất là đặt bài thơ giữa cuộc sống bộn bề tranh tối tranh sáng trong giai đoạn giao thời của đất nước mới thấy tác giả rất dụng công và có ý tứ sâu sắc khi đặt nhan đề cho tác phẩm. Vì vậy, “Tiễn em” đã là một tứ thơ sâu sắc, kết đọng tâm tình lớn lao của nhà thơ muốn chuyển tải thông điệp đến người đọc.
Mở đầu bài thơ là cảnh buổi sáng người vợ đi làm, người chồng tiễn chân đến tận cửa. Bình dị thế thôi mà sao nghe thấm thía và cảm động. Bởi lẽ, chính cái giây phút "tần ngần" ấy đã gói ghém biết bao tâm sự, lắng đọng những suy tư thắm thiết nghĩa tình. Các hành động "nhắc", "đưa" cái nón, chiếc làn cho vợ vì vội vã mà quên mang theo thật đáng trân trọng. Thương nhất là động tác "trao em chiếc cặp lồng cơm quá nghèo" đã diễn tả được tình yêu thương chan chứa của người chồng giữa cuộc sống kham khổ, vất vả một thời mà bất kỳ gia đình nào cũng trải qua:
Tiễn em buổi sáng đi làm
Nón quên anh nhắc, chiếc làn anh đưa
Tần ngần một thoáng dây dưa
Trao em chiếc cặp lồng trưa quá nghèo
Thái độ ân cần, chăm sóc đầy trách nhiệm của người chồng mới thật đáng quý làm sao! Thế nhưng, quan trọng hơn cả những cử chỉ quan tâm âu yếm kia chính là nỗi âu lo, "phấp phỏng" của anh trong một ngày xa vợ. Thời gian xa cách chỉ có từ sáng đến chiều vậy mà trong tâm thức người chồng lại là "một ngày nào có ngắn chi". Trên con đường của người vợ đi làm biết bao nhiêu là cạm bẫy đang giăng chờ, những vô lương rình rập. Quả thật, chỉ chừng ấy cảm xúc, người đọc đã nhận ra ở đây tình thương yêu vô hạn của người chồng đối với vợ mình. Thương yêu mới lo lắng, mới dự cảm những điều trái ngang có thể ập đến bất thình lình. Chỉ cần một "phút yếu mềm" của em "là thôi có thể mất em trong đời". Nói thẳng ra thì "sợ em cười", nhưng điều đó cũng đã từng xảy ra với biết bao lứa đôi giữa cuộc sống đầy chông gai, bất trắc này. Chính vì những dự cảm, lo sợ ấy nên người chồng mới hình dung nỗi cô đơn giữa "ngọn đèn đêm trống xung quanh gió lùa" nếu không biết giữ gìn tình cảm vợ chồng, hạnh phúc gia đình bền vững:
Nhưng mà hạnh phúc mong manh
Ngọn đèn đêm trống xung quanh gió lùa
Nào ai học hết chữ ngờ
Điều thiêng liêng hóa trò đùa đắng cay
Hai câu kết bài thơ là nỗi niềm khát khao hết sức nhân văn của tác giả. Đó là nỗi lòng của nhân vật trữ tình xưng "anh" - người chồng trong bài thơ, đồng thời cũng là niềm yêu thương, mơ ước của mỗi con người Việt Nam giữa cuộc sống bộn bề, phức tạp. Tâm thức và ước vọng xây đắp hạnh phúc gia đình bền vững, niềm tin yêu trong tình cảm vợ chồng được diễn đạt nhẹ nhàng mà sâu lắng chính là sức hút của hai câu thơ cuối bài đầy thấm thía và cảm động:
Cùng em buổi sáng chia tay
Thầm mong lương thiện một ngày đón em.
Quả vậy, trong cuộc sống hôm nay, khi mà những giá trị của gia đình có nguy cơ bị đe dọa trước những thử thách mới, cần lắm những tấm lòng yêu thương, những người chồng biết sẻ chia, nâng niu tình cảm vợ chồng như chính tâm tình của Nguyễn Hoàng Sơn đã ký thác trong thi phẩm. Bài thơ ra đời đã hơn ba mươi năm nhưng vẫn nguyên giá trị, chứa đựng biết bao vẻ đẹp về hạnh phúc mà con người hằng khao khát, nâng niu.
Nhìn tổng thể về nghệ thuật, thể thơ lục bát nhuần nhị, dễ hiểu, mang đậm sắc thái truyền thống phần nào đã góp phần thể hiện được tư tưởng nhân văn muôn thuở trong mỗi gia đình người Việt. Giọng điệu tâm tình, cấu trúc tuyến tính trong cảm xúc làm cho “Tiễn em” dễ đi vào tâm hồn người đọc, đồng thời bài thơ vẫn đạt đến độ thuần thục của thể lục bát "dễ làm khó hay" này. Bài thơ là tình cảm ân cần, thủy chung rất mực sâu sắc của người chồng đối với vợ mình trong gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
Thông qua những cử chỉ nhẹ nhàng, những nghĩ suy thấu đáo, những tâm tư thầm kín đầy trách nhiệm, “Tiễn em” là nỗi niềm trắc ẩn nhưng cũng đầy yêu thương mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc. Hãy biết trân trọng gia đình, trân trọng tình yêu vợ chồng, "tương kính như tân" mới đắp xây hạnh phúc ấm êm, bền vững.
Ý kiến bạn đọc