Multimedia Đọc Báo in

Những phận đời xoay trong gió xé

08:33, 06/07/2019

(Đọc “Những hạt gạo xoay tròn” của Nguyễn Anh Đào, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2019)

Tính đến “Những hạt gạo xoay tròn” (2019), Nguyễn Anh Đào đã có 7 tập truyện ngắn được trình làng từ năm 2007 đến nay.

Đó là thành quả lao động nghệ thuật đáng khâm phục, một gia tài văn chương không nhỏ so với các tác giả cùng thế hệ 8X ở tỉnh Đắk Lắk cũng như trong cả nước. “Những hạt gạo xoay tròn” gồm 22 tác phẩm xoay quanh mạch nguồn cảm xúc chính là thân phận người phụ nữ mà Nguyễn Anh Đào theo đuổi, gắn bó tha thiết từ khi cầm bút, đúng như lời chị tự bạch: “Điều đó hoàn toàn chính xác, mình không viết khác đi được, tập truyện thứ bảy bạn cầm trên tay vẫn nói về những người phụ nữ nông thôn thật thà chất phác, về những phụ nữ thành thị với cuộc sống khó khăn… họ phải sống giữa bao nhiêu trách nhiệm và những mối quan hệ” (Lời ngỏ).

Tập truyện “Những hạt gạo xoay tròn” thực sự khơi dậy nhiều nỗi niềm, trăn trở nơi tâm hồn độc giả khi bước ra từ trang văn là những cuộc đời đau khổ, những phận phụ nữ đắng cay, bất hạnh. Đó là nỗi đau của người con dâu trong “Những hạt gạo xoay tròn” đang lúc bụng mang dạ chửa phải đi rải gạo khắp làng mỗi ngày để thỏa mãn cái ước muốn điên rồ của bà mẹ chồng hà khắc.

Với  “Hoa tiên trên đỉnh núi”, người đọc bắt gặp câu chuyện đời của một người đàn bà không tên, được tác giả xưng là “mụ”, bị chồng hắt tô canh nóng lên mặt chỉ vì lỡ nêm mặn. Từ đó, “mụ nghĩ, cần gì phải điện, đời mụ có ai cần nhìn thấy đâu, cứ thà sống trong bóng tối phút nào hay phút ấy”. Xót xa hơn, “mụ” phải đưa từng đồng tiền lẻ mà mình kiếm được sau những ngày leo trèo trên các vách đá cheo leo cho chồng chơi gái ngay trong chính căn nhà mình.

Nhân vật “nàng” trong truyện “Những bậc thang” day dứt về thân phận con hoang, cả cuộc đời mình và người mẹ đau khổ là chuỗi ngày đắng chát. Có cả nỗi đau lầm lỡ trong tình yêu để rồi bị đánh tả tơi và mang tiếng là cướp chồng người khác (Chỉ cần tình yêu). Có nỗi buồn tủi và cô đơn dằng dặc của người vợ chờ chồng, khát khao một bữa cơm gia đình ấm áp. Người chồng mải nhậu nhẹt với bạn bè, đối tác nên cả ngày sinh nhật của vợ mình anh cũng quên. Để tự an ủi, người vợ đành tự mua bánh kem, gắn nến thổi mừng sinh nhật mình rồi quay phim đưa lên facebook (Lon bia trong tủ lạnh).

Xót đau hơn, truyện “Vùng ký ức trắng” kể lại câu chuyện đời cay đắng của bà Lựu - người đàn bà điên dại, một năm chỉ có mấy tháng tỉnh táo. Mất chồng, mất con chỉ vì người chồng nghe theo lời mẹ ruột rằng vợ có tướng sát phu mà nỡ phụ rẫy, ôm cả đứa con gái thơ dại ra đi bỏ bà Lựu lại một mình. “Tuổi thơ ám ảnh” lại là một truyện mang đậm tính thời sự về sự đồi bại của những kẻ vô nhân tính. Bị bác ruột hiếp năm lên tám tuổi và bố ngủ với mình từ khi mười ba tuổi, nhân vật xưng “tôi” phải chịu nhiều nỗi đau ê chề cả thể xác lẫn tâm hồn, đành bỏ làng ra đi, đến tuổi bốn mươi mới lập gia đình. Những cơn chấn động tinh thần, những ám ảnh phi nhân tính trong quá khứ vẫn luôn đeo đẳng khiến nhân vật xưng “tôi” quyết không cho chồng mình yêu thương các con gái.

Chính tấm lòng thương người, biết cảm thông với nhiều cuộc đời, nhiều số phận bất hạnh đã giúp Nguyễn Anh Đào có nhiều trang văn thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Là một phụ nữ, hơn ai hết, tác giả dễ nhập vai vào cuộc đời của các nhân vật để đa đoan, cười khóc, dằn vặt khổ đau hay nhận ra hạnh phúc muộn màng qua từng cử chỉ yêu thương, che chở của người khác.

Dù xoay quanh trục chính là thân phận phụ nữ với biết bao buồn đau và mất mát nhưng Nguyễn Anh Đào vẫn để lòng mình hướng đến các nhân vật nam giới giàu tình thương yêu và sự độ lượng trong cuộc sống. Có người cha thương con gái hết mực, biết cảm thông cho nỗi bất hạnh của con mình khi phải ly hôn, chỉ mong con trở về nhà bình yên như trong "Về nhà".

Có người cha chia tay vợ từ một đất nước xa xôi để trở về sống ở Việt Nam nhưng tâm hồn luôn ám ảnh sân ga nơi xứ người để mong gặp lại hình bóng đứa con gái mà mình yêu quý, khát khao một ngày con gái trở về Việt Nam để cùng ông du lịch xuyên Việt như trong "Người ở lại sân ga". Vì thế, tập truyện “Những hạt gạo xoay tròn” ít nhiều đã có sự phóng chiếu về mặt tư tưởng và cảm xúc, trên cơ sở tác giả mở rộng biên độ phản ánh hiện thực đa dạng và phong phú hơn.

Tiếp thu lối viết trong truyện ngắn hiện đại, ngôn ngữ trần thuật sử dụng trong tập truyện khá đa dạng và phong phú. Các truyện “Hoa tiên trên đỉnh núi”, “Duyên muộn”, “Mùa hoa cải cuối cùng”, “Sau cơn bão”, “Người ở lại sân ga”, “Con chó bị xích ngoài cổng sắt”…, ngôn ngữ trần thuật là những dòng tâm sự, dòng ý thức của chính nhân vật cứ tuôn chảy qua ngôn ngữ kể chuyện tác giả. Chính đặc điểm này đã làm cho truyện ngắn của Nguyễn Anh Đào vừa thấm đẫm chất thơ, vừa có thể tung tẩy những tình tiết truyện mà không sợ lan man, xa rời cốt truyện.

Về mặt kết cấu, tập truyện “Những hạt gạo xoay tròn” thể hiện sự công phu trong xây dựng cốt truyện và tổ chức kết cấu tác phẩm. Một số tác phẩm có kết cấu đan xen giữa yếu tố hiện thực và yếu tố huyền ảo. Nhờ đó, nhà văn có thể phát ngôn cho những tư tưởng, quan điểm của mình về cuộc đời và thân phận con người sâu sắc hơn (Hoa tiên trên đỉnh núi, Những hạt gạo xoay tròn, Linh cảm…).

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.