Multimedia Đọc Báo in

Hình ảnh người mẹ trong "Hơi thở thời gian" của nhà thơ Sơn Thúy

08:42, 25/03/2020

Tôi đến thăm nhà thơ Sơn Thúy trong những ngày đầu xuân mới 2020. Nhà bà nằm giữa vựa lúa Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) trù phú và yên bình. Mùa xuân này bà bước sang tuổi 82, ở cái ngưỡng “xưa nay hiếm”. Bà đang ốm nặng với nhiều bệnh của người già và gánh nặng thời gian.

Tôi trở về với tập thơ “Hơi thở thời gian” bà tặng, cùng những chia sẻ của một con người đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời… “Hơi thở thời gian” có 53 bài thơ, tôi đã đọc và thấy cả cuộc đời bà giáo hiền lành, chân chất trong đó, cả đời hết lòng với bao lớp học trò: Học trò bao lứa/ Ngần ấy năm tận lực tận tâm… (Nhìn lại) nhưng bên cạnh luôn có người bạn thơ đồng hành suốt cuộc đời: Những vần thơ từ tuổi dại khờ/ Con chuồn ớt, hoa mướp vàng rực rỡ/ Tâm hồn bật mở… Tôi tìm về những trang thơ đầy ắp nắng hồng/ Thời thiếu nữ vầng trăng trong vắt/ Lại thấy vị đời có mật/ Trái tim cỏ nhàu cất tiếng hót họa mi/…/ Hòa niềm vui vào thơ/ Để hy vọng mộng mơ/… Tôi làm thơ và tôi hạnh phúc (Tôi và thơ).

Nhà thơ tự nhận từ thuở mới tập làm thơ thì tuổi thơ, quê hương, đất nước và hình ảnh người mẹ luôn đầy ắp trong thơ của mình với một tình yêu lớn lao và sự biết ơn sâu nặng: Tôi tập tọe làm thơ/ Ngôn ngữ vần điệu lơ ngơ/ …/ Những bài thơ có nắng mộng trăng mơ/ Suối chảy lững lờ trời trong hoa thắm/ Cả chiếc áo tơi và tấm lưng cong trĩu nặng/ Mẹ cõng tôi đến trường… (Tôi làm thơ). Nhà thơ Sơn Thúy viết về nhiều đề tài, song ấn tượng nhất trong tập thơ vẫn là thơ về phụ nữ, về người mẹ quê hương: Vô vàn giọt sao long lánh/ Nước mắt những người đàn bà/ Trên bầu trời số phận… là những câu mở đầu khá ám ảnh trong bài “Giọt sao”. Nhà thơ, nhà giáo Sơn Thúy thấu hiểu đến tận cùng những gian khổ, hy sinh, mất mát thầm lặng của những người mẹ: Của đá vọng phu là những giọt nào/ Chảy dọc chiều dài lịch sử? Bao hình hài dang dở/ Bất thành nhân vì chất độc da cam/ Những đôi mắt nào đang giọt giọt chứa chan? Nước mắt mẹ Việt Nam/ Đêm đêm âm thầm chảy/ Khắc khoải chờ tin… nơi con nằm lại/ Từ ngàn xưa, tới ngàn sau/ Hằng hà sa số giọt sao/ Tụ thành mênh mông dải ngân hà/ Dòng nước mắt đàn bà/ Đắng cay/ Soi sáng! Những giọt nước mắt mẹ Việt Nam, phụ nữ Việt Nam trong “đắng cay”, đau khổ đã không than vãn bi lụy mà tích tụ thành dải ngân hà ngự trị trên bầu trời và đêm đêm soi sáng để đức hy sinh của những người mẹ mãi mãi trường tồn.

Xuyên suốt tập thơ, nhà thơ Sơn Thúy với lối viết đơn sơ và câu chữ mộc mạc đã tạc nên hình ảnh người mẹ quê mang phong cách đặc sắc của riêng mình: Bầu vú mẹ khum khum vòm trời/… Gió bấc luồn áo vá/ Cào xé thịt da/ Sữa mẹ ngọt ngào ấm dạ (Bầu vú mẹ). Có lẽ ai cũng phải bắt đầu từ bầu vú và những dòng sữa tinh cất từ máu thịt người mẹ để lớn khôn, nhưng ít ai lại có thể thấy sự vĩ đại và vẽ vào thơ bầu vú mẹ là cả bầu trời ơn đức sinh thành như vậy. Ở bài “Bàn chân mẹ”, nhà thơ cũng tạo nên một bất ngờ lớn cho người đọc. Hình ảnh bàn chân mang tính đặc thù của người mẹ quê nông dân Việt Nam hiện lên trong thơ to bè, sần chai trở nên phi thường, vô cùng nhân văn: Bàn chân mẹ to bè/ Năm ngón xòe hình chổi… Như Cửu Long giang xòe chín nhánh/ Mở xóm làng ra biển khơi/ Bàn chân mẹ xòe ra chìm xuống/ Để chúng con thẳng bước giữa đời.

Nhà giáo, nhà thơ Sơn Thúy là một người con hiếu thảo. Bà đã đi gần hết cuộc người mà vẫn canh cánh lo cho người mẹ ở quê xa, vẫn day dứt như chưa làm tròn bổn phận của một đứa con là luôn bên cạnh, chăm sóc đỡ đần cho mẹ lúc tuổi già… Chỉ bằng tình yêu thương lớn lao nhà thơ đã dành cho mẹ nên thơ bà đã thay lời nói hộ tấm lòng của những đứa con hiếu thảo, tạo nên những hình ảnh về mẹ quê đẹp, ấn tượng đến như vậy. Xin kết lại bài viết bằng lời nhận xét của nhà thơ Hữu Chỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk viết trong lời giới thiệu tập thơ “Hơi thở thời gian”: “Con chữ trong đầu tôi ngày một nhiều hơn/ Cùng bước chân mẹ trợt trơn/ Hạt thơ nảy mầm trên lưng mẹ (Tôi làm thơ). Hạt thơ được gieo từ lưng mẹ, thành kính và biết ơn nên thơ Sơn Thúy đậm đặc tình mẫu tử, gốc của tình người… Tập “Hơi thở thời gian” là kết tinh sự lao động miệt mài, tự thắp sáng mình của bà giáo già … rời quê gốc Thái Bình vào Đắk Lắk gieo mầm câu chữ mang hơi thở thời gian có nắng gió cao nguyên vẫn đau đáu cội nguồn”.

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.