Multimedia Đọc Báo in

Tiếng vọng từ đáy sâu thân phận

11:05, 27/02/2021

Tác giả Phúc Đinh tên thật là Đinh Thị Phúc, là công nhân Đội 19/5 của Công ty Cà phê Thắng Lợi. Tôi tình cờ được đọc thơ của chị trên mạng xã hội Facebook từ sự giới thiệu của nhà thơ Trần Mai Hường (ở TP. Hồ Chí Minh) rằng: “Ở Đắk Lắk có chị Phúc làm thơ rất có nét riêng, lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Đắk Lắk nên quan tâm giúp đỡ”.

Tôi vào trang facebook của chị Phúc đọc, và thơ của chị quả đã mang đến cho tôi nhiều ngạc nhiên, thích thú. Vì thế, trên tạp chí Chư Yang Sin số tháng 7 năm 2019, tôi đã chọn giới thiệu ba bài thơ của chị và được nhiều người đọc khen ngợi. Khen ngợi vì chị là “chính mình”, không là "bản sao" của người khác.

Ta hãy nghe chị viết về chuyện duyên phận lỡ làng do những cô gái trẻ, xinh đẹp hơn chen ngang vào hạnh phúc gia đình mình. Đã có nhiều người viết về nội dung này với đầy nỗi phẫn uất, chua cay, nhưng Đinh Thị Phúc lại viết khác, lời lẽ vẫn điềm tĩnh, hiểu biết, vị tha, chỉ một chút oán trách: “Em/đàn bà/nghĩ mình nhan sắc/ chen cùng ta/ chơi trò xúc xắc/ phần thắng là em/ ta gậm nhấm ưu phiền/ Năm tháng qua/ gặp lại/ bỗng thương em/ bước sau ta/ khi đích cuối/ chạm miền ảo mộng/ Ta và em/ đàn bà phận mỏng/ chia nỗi cô đơn/ từ rẻ rúng phương người!”. Sau này được đọc tập thơ “Ngàn con mắt gió” của chị, có dịp tiếp xúc với chị, tôi càng hiểu sâu xa điều mà bao thi nhân tên tuổi đã nói: Thơ là tiếng lòng, là lời thủ thỉ của con tim, là tiếng vọng lên từ đáy sâu của số phận đời người...

Bởi số phận, hay chính xác hơn là duyên phận của chị không tràn nắng xuân, không đầy hoa nở như bao người được hưởng mà gặp phải nhiều đêm đông buốt giá, nhiều hoàng hôn tràn ngập màu tím buồn... Tập thơ “Ngàn con mắt gió” có 60 bài nhưng các từ “đêm”, “hoàng hôn”, “mùa đông” tần suất xuất hiện mỗi từ đến vài chục lần; và tôi hiểu đó là tín hiệu của cội rễ cảm xúc của một hồn thơ: “Chén đêm em tự chuốc mình”, “Đêm sương trăng chạm đáy hồ”, “Đêm nay cơn mưa hạ/ Sũng ướt mùa không nhau”, “Đêm cao nguyên mênh mông”, “Đêm cao nguyên dài rộng”, “Đêm đồng lõa cùng mênh mông sóng biển”... Những khoảng thời gian (và cả không gian) của “đêm”, của “mùa đông”, của “hoàng hôn”... phải chăng đấy là lúc tâm trạng chị được đồng điệu, được lắng mình để từ đó nẩy mầm những ý thơ, dòng thơ tự nhiên, chân thật; chân thật bởi cảm xúc của chính lòng mình, không nương nhờ, vay mượn của ai: “Một mình ta nhóm lửa”, “Một mình hong nỗi nhớ/ một mình tìm cuộc vui”. Một mình tìm cuộc vui, dĩ nhiên là khó gặp vui, rất dễ gặp buồn, buộc phải ngẫm ngợi, nhớ mong: “Đêm nay cơn mưa hạ/sũng ướt mùa không nhau/ lặng thầm nghe khung cửa/ mắt thời gian lên màu”, “đã no mềm ảo vọng/ sao nhớ còn lắt lay”, “có người ôm năm tháng/ ước nỗi sầu đeo tang”. Rồi chị dặn lòng mình, dặn cả vào “xa xăm”: “Thôi, gói hết những ước mong mờ thẳm/ núp bóng yên bình, thôi dõi phía xa xăm”, “và đừng thêm nữa người ơi/ em và muôn nỗi lẻ loi đã thừa”. Có lúc chị cũng đã phải thốt lên một cách cay đắng: “Bao chơi vơi đủ để ao ước đầy?”, “Đêm Cao nguyên dài rộng/ ta đi đâu về đâu?” nhưng rồi bản lĩnh sống, khát vọng vươn lên của chị (cũng là của bao người phụ nữ có hoàn cảnh như chị) đã thức tỉnh chị ngẩng cao đầu: “Tự mình trót trái ngang vay/ em kiêu hãnh đón của vây sóng đời”. Từ tâm thế ấy, chị nhận ra mùa xuân Cao nguyên khi chiều buông: “Chùm bông trắng đan chen bung hương thơm/ bầy ong mật và bản du ca vang lên/ có một người quét trời xanh/ tìm mùa thương, trong chiều buông”. Đấy là sự nhận thức mới về thân phận, sự “sang trang” rất đẹp của tâm hồn, để chị khẳng định mình trong cuộc sống.

Thơ của Đinh Thị Phúc viết giản dị, không cầu kỳ trong lập tứ, chọn ngôn ngữ, nhưng thuyết phục người đọc bởi sự chân thành trong cảm xúc và khá tinh tế trong cảm nhận sự vật, hiện tượng quanh mình; từ đó, chị chọn và biến được những từ bình thường có thêm nhiều biểu cảm, nhiều sức gợi để người đọc thích thú: “Chiều nay cơn nắng đã ươn/ mây trời nhuộm xám chắc hờn chi đây/khát lòng vướng khúc thương vay/ Đã đầy chưa những đắng cay tự mình”. Hoặc “Đêm thả trôi mênh mông đêm chẳng vội/ Đêm giấu bí mật em trên vạt gối loang nhòe”. Nắng “ươn”, rõ là một cách nói mới, rất sáng tạo. Còn “Đêm thả trôi mênh mông”, “đêm giấu bí mật em trên vạt gối loang nhòe” thì sức gợi quả cũng rất “mênh mông”, ở đó ta thấy được tất cả sự cô đơn, trống trải của người đàn bà trong đêm dài, không nơi bấu víu, thấy được sự dằn vặt, đau khổ với rất nhiều nước mắt...

Với “Ngàn con mắt gió”, năm 2019 Đinh Thị Phúc đã trở thành hội viên Hội VHNT Đắk Lắk, năm 2020 trở thành Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và trong đợt xét Tặng thưởng VHNT Chư Yang Sin lần thứ ba (giai đoạn 2015 - 2020) do UBND tỉnh tổ chức được tặng thưởng loại C. Ngay tập thơ đầu tay, Đinh Thị Phúc đã có những thành công rất đáng trân trọng. Độc giả chờ đợi thơ chị sẽ đa dạng hơn trong đề tài, nội dung phản ánh, có nhiều sáng tạo hơn trong lập tứ, dụng từ, đặc biệt là những cảm xúc thơ tươi mới, ngọt ngào hơn. 

Đặng Bá Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.